YMCONLINE.COM – Mới đây, đơn vị sở hữu chuỗi Shop&Go đã chủ động đề nghị VinCommerce – đơn vị quản lý hệ thống bán lẻ Vinmart và Vinmart+ thuộc tập đoàn Vingroup mua lại 87 cửa hàng đang hoạt động với giá 1 USD. Tại sao người được chọn lại là Vingroup? 26 năm qua, tập đoàn này đã làm những gì để có thể trở thành ông vua bán lẻ trên thị trường Việt Nam hiện nay?
Từ sản xuất mì gói bước đến thị trường ô tô
Giấc mơ người Việt sở hữu ô tô do chính người Việt sản xuất từ lâu vẫn còn đang trong quá trình “thai nghén”. Nhưng đến năm 2018 vừa qua, Vingroup đã hiện thực hóa giấc mơ ấy khi tuyên bố xâm nhập thị trường ô tô cùng cái tên Vinfast. Ngày 6-3-2019, chiếc xe Vinfast đầu tiên đã lăn bánh khỏi dây chuyền lắp ráp, đánh dấu thành công cho dòng ô tô duy nhất tính tới thời điểm hiện tại được gắn mác “made in Vietnam”. Có lẽ, nhiều người còn đang tự hỏi về khả năng thành công của Vinfast khi mà ngành công nghiệp ô tô trong nước đã trải qua 20 năm, nhưng vẫn chỉ luẩn quẩn ở việc lắp ráp với tỷ lệ nội địa hóa dưới 10%. Nhưng với lịch sử “đánh đâu thắng đó”, hãy để Phạm Nhật Vượng cùng các cộng sự dùng hành động để trả lời cho câu hỏi này.
Khởi nghiệp ban đầu với một nhà hàng ăn tại Kharkov, Phạm Nhật Vượng cùng vợ đã dùng số tiền lời có được mua dây chuyền sản xuất mì ăn liền thô sơ đưa sang Ukraine, tạo ra thương hiệu mì Mivina bán cho dân bản địa. Đây được coi là một chiến lược rất thông minh vì vào thời điểm đó, dân Ukraine đói, nhiều cửa hàng thiếu vắng sản phẩm đến mức mượn những thùng mì Mivina rỗng để trưng bày. Chất lượng tốt, giá cả phải chăng đã giúp Mivina xuất khẩu tới hơn 30 quốc gia. Đồng thời, Technocom với xuất phát điểm là một doanh nghiệp nhỏ đã trở thành một tập đoàn hùng mạnh với thương hiệu Mivina danh tiếng. Năm 2010, ông Vượng bán công ty cho Nestle SA và quyết định trở về Việt Nam đầu tư vào thị trường du lịch và bất động sản. Hai năm sau, ông sáp nhập Vinpearl vào Công ty cổ phần Vincom, thành Tập đoàn Vingroup. Cũng từ đây, Vingroup công khai tham vọng trở thành tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam, phát triển với các nhóm thương hiệu chiến lược.

Sự lớn mạnh của Vingroup trong lĩnh vực bất động sản được chứng minh qua những “gã khổng lồ” phải kể đến như: Times City, Royal City, Vinhomes Riverside, Landmark 81,… Mô hình nhà phố thương mại – Vincom shophouse do Vingroup phát triển là một điển hình cho thấy khả năng dẫn dắt thị trường của tập đoàn này khi đã đáp ứng được “nhu cầu kép” vừa ở vừa kinh doanh.

Ngoài ra, nhắc đến Vin, người ta sẽ nghĩ ngay tới hàng loạt các cửa hàng tiện lợi mang tên Vinmart và Vinmart+. Việc mua lại Shop&Go và toàn bộ chuỗi Fivimart cho thấy trong tương lai, Vingroup sẽ còn tấn công thị trường bán lẻ Việt Nam nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, hệ thống trường học Vinschool cũng như đại học cũng đã cho thấy khát khao xây dựng hệ thống giáo dục chuẩn quốc tế của tập đoàn này. Hệ thống nông sản sạch VinEco hay chuỗi bán lẻ dược phẩm VinFa đã phần nào thể hiện mong muốn bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng Việt Nam trước nỗi lo thực phẩm bẩn tràn lan.
Muốn có tầm, phải có tâm
Vingroup giờ đây được xem là nơi hội tụ chất xám toàn cầu, đem người Việt Nam trả lại cho Việt Nam. Đó là khi tập đoàn này chiêu mộ thành công Giáo sư Vũ Hà Văn về làm Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn; Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ đảm nhận vai trò Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ cao … hay bổ nhiệm cựu Tổng giám đốc Bosch Việt Nam – ông Võ Quang Huệ làm Phó tổng giám đốc Vingroup phụ trách dự án VinFast.
Lý do thôi thúc những con người ấy đầu quân cho Phạm Nhật Vượng là vì họ mang trong mình tình yêu đất nước, khát khao được cống hiến, được “làm cái gì đó cho đời”. Ông Vượng cho biết: “Nếu có thể thực hiện, thì kể cả có mất tiền tỷ, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc. Tôi muốn để lại thứ gì đó cho thế hệ sau. Còn tiền thì dù sao cũng chẳng thể mang theo khi đã chết”.

Kêu gọi “chất xám” trở về là cách mà rất nhiều quốc gia đã thành công, nhưng tại Việt Nam, có lẽ chưa bao giờ lời kêu gọi này lại trở lên sôi nổi và hừng hực khí thế như vậy. Và những người con đất Việt kể trên chính là những cánh chim đầu đàn, sẽ cùng thu hút những người con phương xa trở về cùng “xây tổ”. Một nơi “đất lành, chim đậu”- nơi những trí tuệ Việt được “trở về”, mang giấc mơ, khát vọng của mình góp sức làm nên những thay đổi diệu kỳ cho quê hương.
Thỏi nam châm Vingroup có gì mà có thể thu hút được nhiều anh tài đến vậy? Chắc chắn câu trả lời chính là môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, quy củ bậc nhất Việt Nam. Hàng loạt hợp đồng tuyển dụng cho thấy Vingroup không chỉ muốn phát triển vượt trội về quy mô, lĩnh vực hoạt động mà còn muốn xây dựng một nền tảng khoa học công nghệ cho đất nước. Đây được coi là một chiến lược thông minh khi cả thế giới đang bước vào thời đại 4.0, công nghệ sẽ luôn chi phối và mang tính ứng dụng cao trong thực tiễn.
Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ chia sẻ: “Vingroup ngoài khả năng tài chính còn có hệ thống quản trị, hệ sinh thái rất tốt để thực hiện các đồ án khoa học công nghệ”. Từ trước đến nay, hầu hết các nhà nghiên cứu khoa học đều do dự khi trở về Việt Nam là vì sự thiếu thốn của môi trường làm việc. Nhưng ở Vingroup, mọi thứ đã được khắc phục hoàn toàn. Viện Nghiên cứu Big Data được thành lập nhằm hỗ trợ nghiên cứu, tài trợ cho các nhà khoa học với những dự án sáng tạo. Ở Vingroup luôn đề cao tính kỷ luật từ lãnh đạo cao nhất cho tới từng nhân viên. Những buổi giao lưu, trò chuyện với Phạm Nhật Vượng – người tỷ phú duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách Forbes đã thực sự truyền lửa, khiến mọi nhân viên cháy hết với đam mê và sức trẻ của mình.

Tốc độ và quyết định nhanh chính là điểm mạnh của Vingroup so với các tập đoàn khác. Sống trong Vingroup, mọi nhân viên đều thấm thía văn hóa ‘Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp’, với hành động quyết liệt, quyết tâm cao. Mang triết lý của những người gieo hạt, Vingroup biết tạm quên đi những thành công để bước tiếp; biết gác lại niềm vui của một mùa bội thu để lại “cuốc bẫm, cày sâu”, chuẩn bị cho những mùa vụ mới. Bằng cách ấy, họ giữ mãi nhiệt huyết của tinh thần khởi nghiệp.
Trong cuốn “Quốc gia khởi nghiệp- Câu chuyện về nền kinh tế thần kỳ của Israel”, có một câu rất hay rằng: “Quốc gia khởi nghiệp luôn cần những doanh nghiệp, doanh nhân giữ mãi tinh thần khởi nghiệp”. Ngẫm về thành công của Vingroup, ta cũng thấy rằng, thành công của họ đến từ khát vọng tiên phong, khát vọng chinh phục và cống hiến.
Hà Trần