Trong câu chuyện của những người đi trước, thi đại học là kỳ thi quan trọng nhất đời người. Đó là bước ngoặt quyết định mình sẽ gặp những ai, mình sẽ làm những gì, sẽ trở thành người thế nào. Chứng kiến thế hệ 8x 9x thi đại học, lứa học sinh thế hệ Z mới hiểu mình đã và đang có điều kiện học và thi cử tốt thế nào. Cùng điểm qua những bước chuyển mình của kì thi đang là tâm điểm chú ý của cả đất nước này nhé!
Nhà có người thi đại học
Xưa: Chưa nói chuyện đậu trượt, ngày xưa chỉ thi đại học thôi cũng là chuyện đủ để khiến cả làng ngưỡng mộ. Thi đại học đâu phải chuyện ai cũng làm được. Phải gia đình có điều kiện, mới bỏ tiền bỏ của cho con ôn luyện, mơ đến cánh cổng đại học cao vời.

Nay: Thi đại học là câu chuyện gần như bắt buộc mà ai cũng phải trải qua. Cuộc trò chuyện của những bậc phụ huynh luôn mở ra với câu hỏi: “Cháu nhà năm nay định vào trường nào?”. Ai cũng tự hiểu: “Hết lớp 12 thì vào Đại học.”, không còn là nỗi băn khoăn học đại học, học nghề, hay ở nhà tiếp tục truyền thống gia đình như những ngày xưa.
Chuyện ôn thi
Xưa: “Ngày xưa từ giữa lớp 12 mới bắt đầu biết đến lò ôn luyện, rồi lớp đóng cửa, thế là cô cũng nghỉ luôn, chẳng nghĩ đến chuyện tìm lớp mới.”, cô Mai Phương (Hà Nội) chia sẻ. Học sinh ngày xưa mấy ai biết đến chuyện đến lò luyện thi, chỉ biết trên lớp học gì thì đi thi có đấy. Nếu có, lò luyện cũng chỉ là căn phòng vài mét vuông, chiếc quạt máy phật phờ, với vài chục người chen chúc.

Nay: Với chương trình thi mới bao gồm kiến thức của cả lớp 10,11 và 12, học sinh cấp 3 phải chịu những áp lực nặng nề. Học sinh căng thẳng một thì phụ huynh căng thẳng mười. Người người nhà nhà cho con đi ôn luyện ngay từ những năm đầu cấp ba. Những ngày gần thi đến, mỗi ngày các em chạy ba bốn ca cũng là chuyện bình thường.
Chuyện đi thi đại học
Xưa: Bởi trường đại học tự tổ chức thi, thế hệ đi trước có lẽ đã quen với cảnh người người nhà nhà tay xách nách mang, vượt hàng trăm cây số đưa con đi thi đại học. Đặc biệt nhất có lẽ là câu chuyện phao thi. Với kì thi tốt nghiệp kiểm soát lỏng lẻo, tình trạng ném phao qua cửa sổ không phải quá xa lạ với thế hệ 8x, 9x.

Nay: Giờ đây với quy chế thi mới, các điểm thi được phân bố đều mọi nơi, đi thi không còn là chuyện vất vả như những ngày xưa nữa. Các sỹ tử cũng có thể truy cập thông tin về số báo danh, thời gian địa điểm thi dễ dàng qua trang web của bộ giáo dục. Việc đi thi đã trở nên dễ dàng và thuật tiện hơn rất nhiều. Cùng với đó, chế độ quản lý chặt chẽ hơn khiến chuyện “phao bay lả tả” chỉ còn là chuyện của quá khứ.
Chuyện đỗ trượt
Xưa: “Cổng trường đại học cao vời vợi/Mười thằng leo đến chín thằng rơi”. Câu vè truyền miệng của thế hệ đi trước đã phản ánh chân thực cánh cổng đại học cao và xa tới mức nào. Trước đây, chỉ những học sinh thực sự giỏi, xuất sắc nhất trường mới có cơ hội trở thành tân sinh viên bởi số lượng sinh viên giới hạn. Cả trường chỉ có 2,3 người đỗ cũng là chuyện thường tình.

Nay: Từ lứa sĩ tử sau, với hình thức thi THPT Quốc gia, số lượng nguyện vọng không giới hạn, linh hoạt hơn trong cách xét đỗ, trượt, việc đỗ đại học tuy vẫn căng thẳng nhưng đã không còn quá áp lực như trước đây.
Bước vào cánh cửa đại học
Xưa: Nhiều năm về trước, sinh viên từ các tỉnh lẻ lên thủ đô học gặp muôn vàn khó khăn từ bị lừa thuê trọ, mất đồ, lạc đường, shock vì thay đổi môi trường học,… Bạn Thanh Huyền (K47 – KTĐN) cho biết: “Mình không quen với việc tư học trên trường, chưa biết làm việc nhóm, thiếu rất nhiều kĩ năng mềm nên ban đầu hơi khó theo kịp.”
Nay: Còn bây giờ, các sinh viên 4.0 đã có cho mình sự chuẩn bị kĩ càng hơn. Lạc đã có Google Maps, đói đã có Foody, không biết điều gì đã có những trang tư vấn của các anh chị đi trước để giải đáp. Các bạn cũng được bồi dưỡng kĩ năng mềm nhiều hơn để không còn bỡ ngỡ khi bước vào đại học.
Tấm bằng đại học
Xưa: Tấm bằng đại học là sự ghi nhận của xã hội, sau những năm tháng dùi mài kinh sử trên giảng đường. Trên con đường sự nghiệp của thế hệ đi trước, tấm bằng đại học là một hành trang quan trọng, giúp mở ra những cơ hội nghề nghiệp tốt và xứng đáng hơn.
Nay: Với một xã hội yêu cầu cao hơn về kinh nghiệm và kĩ năng, tấm bằng đại học không còn là tiêu chí đánh giá hàng đầu của những nhà tuyển dụng. Mỗi người rèn luyện được gì, tích lũy được đến đâu sẽ được đánh giá qua các vòng thi tuyển và phỏng vấn gắt gao. Vì vậy, bước chân lên đại học, học kiến thức là một phần, nhưng rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm cũng là những điều đáng để lưu tâm.
Nhắn nhủ: Kì thi Đại học thực chất chỉ là một bước chuyển, một bước nhảy đến một môi trường khác. Đối với các K58 tương lai, bây giờ, nó có thể rất to tát. Nhưng, em sẽ nhận ra sớm thôi, nó chỉ là một trong rất nhiều cột mốc cuộc đời, một trong rất nhiều ngã rẽ. Cứ thi thật tốt, rồi thở nhẹ ra: “Thi Đại học này chill phết!”
Nấm – Meo
Nguồn ảnh: afamily.vn, Tuổi trẻ Cười