YMCONLINE.COM – “Đại học nhàn lắm, học thì thong dong đến cuối kì thì đi thi thôi”, “Ôn thi cuối kỳ ở đại học chỉ cần 3 ngày thôi”. Chắc hẳn trước khi vào đại học không ít bạn đã được các anh chị “rủ rỉ” câu chuyện ôn thi ở đại học thế này rồi. Thế có phải học đại học sẽ nhàn hơn cấp 3? Cái này thì chưa chắc đâu, nhưng một điều chắc chắn là thời gian ôn thi càng ngắn, sức lực bỏ ra càng nhiều, thời gian ngủ đủ giấc càng bị cắt bớt.
“Tớ nên cố thức học bài hay chọn một giấc ngủ trước khi đi thi?”
Ở Singapore, một nhóm nghiên cứu sinh thuộc trường Y Duke-NUS đã làm một nghiên cứu về mối quan hệ giữa việc ngủ và học như thế này. Họ chọn ra 72 sinh viên để xem một bài thuyết trình không mấy quen thuộc về kiến và cua. Mỗi người phải ghi nhớ chi tiết về chủng loại, chế độ ăn, khả năng thích ứng khí hậu và một số thông tin khác trong vòng 80 phút.
Sau đó, những người tham gia được chia thành 3 nhóm và họ có thể lựa chọn hình thức nghỉ ngơi trước khi tiếp tục thực hiện một tiết học khác về chủ đề này. Nhóm thứ nhất chọn xem phim để giải trí. Nhóm thứ hai tiếp tục ôn bài. Nhóm còn lại lựa chọn đi ngủ.
Khi 1 giờ trôi qua, họ sẽ cùng tham gia một bài kiểm tra gồm 360 câu hỏi về kiến và cua. Kết quả khá bất ngờ, những bài có điểm số cao nhất lại thuộc về nhóm chọn một giấc ngủ ngắn.

Trong một workshop về Truyền thông sáng tạo, chị Trâm Bùi – Creative Lead của Time Universal, một trong những agency hàng đầu của Hà Nội về truyền thông quảng cáo, cũng đã có những lời khuyên chân thành cho những đội thi về giấc ngủ: “Nếu các em vẫn chưa tìm được Big Idea hay cách triển khai cho đề án thì một giấc ngủ là thực sự cần thiết. Không phải cứ thức đêm, thúc ép não hoạt động thì các em sẽ có được ý tưởng tốt. Đôi khi sau một giấc ngủ em lại thấy những ý tưởng hôm qua không thể dùng được nữa”.

“Nếu giấc ngủ quan trọng như thế thì tớ chỉ cần lướt qua giáo trình rồi dành hết thời gian để ngủ có được không?”
Một thí nghiệm khác vào năm 2010 đã chứng minh rằng việc ngủ một giấc sẽ khiến bạn hồi tưởng tốt hơn. Không những thế nó còn giúp liên kết những thông tin giúp bạn giải quyết một vài rắc rối nhỏ. Trong thí nghiệm lần này, nhóm sinh viên trải qua thử thách tìm đường ra khỏi một mê cung, sau đó họ được ngủ nghỉ thêm 90 phút. Và những người nói rằng họ mơ về mê cung đã làm tốt hơn ở lần thử thứ hai so với những người không mơ về mê cung.
Như vậy giấc mơ đôi khi giúp ta sắp xếp và củng cố thông tin cho những vấn đề về sau của bạn. Vậy nên câu trả lời cho câu hỏi trên là “Không” nhé. Không phải cứ ngủ càng nhiều thì làm bài thi sẽ càng tốt. Cậu cứ thử đọc sơ sơ, lướt qua vài trang giáo trình mà bước vào phòng thi xem, dù cậu có siêu năng lực “may mắn” như chị Domino cũng không chắc sẽ “an toàn” qua môn đâu.
“Vậy tớ phải làm gì đây khi kỳ thi chỉ còn vài ngày nữa là bắt đầu?”
Nhà nghiên cứu Jame Cousins đã dành lời khuyên cho các bạn học sinh, sinh viên trước mỗi kỳ thi thế này: “Đừng cố gắng làm bản thân căng thẳng bằng việc ngồi nhét nhiều thông tin vào đầu. Hãy ngủ một giấc ngắn, đó thực sự là điều tốt hơn cả”. Một giấc ngủ ngắn (chỉ tầm 10-15 phút) nhưng bạn để cho tinh thần được thả lỏng, đầu óc hoàn toàn thư giãn sẽ mang lại hiệu quả mà chính bạn cũng không ngờ tới.
Không quan trọng bạn chọn học ngày hay học đêm nhưng đừng cắt bớt thời gian của giấc ngủ. Cái mác “ôn thi” không phải để bạn bắt cơ thể mình phải ngủ thiếu giấc. Nếu bạn có gắng nhồi nhét kiến thức khi não bộ căng thẳng thì cũng giống như việc bạn ném bóng vào tường, bạn càng cố học thêm bao nhiêu, nó sẽ chỉ bật ngược trở lại mà thôi.
Tạm kết
Chả mấy chốc hoa Osaka đã vàng rực một góc trường, tiếng ve đã râm ran cả con đường Láng, và FTUers sắp sửa bước vào kỳ thi cuối kỳ quan trọng. Hi vọng một chút thông tin bổ ích về giấc ngủ sẽ giúp các bạn có một chiến lược ôn thi hợp lý và làm bài thi thật tốt.