YMCONLINE.COM – Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao một số người dù có khả năng vượt trội, hoàn thành mọi việc một cách hoàn hảo lại không giành được thiện cảm như những người có năng lực mà mắc một số sai lầm “ngớ ngẩn”? Đã bao giờ bạn tự hỏi rằng người mình thích, hay còn gọi là “crush” lại đáng yêu đến vậy kể cả khi vụng về? Hiệu ứng mang tên “Pratfall” sẽ giúp bạn nhận ra rằng sự ưu việt không phải lúc nào cũng khiến con người hấp dẫn.
Hoàn hảo theo cách “không hoàn hảo”
Vào năm 1966, nhà tâm lý học Elliot Aronson đã phát hiện ra hiệu ứng Pratfall thông qua một thí nghiệm cùng với hai cộng sự là Willeman và Floyd. Người tham gia được nghe băng ghi lại quá trình thi trả lời câu hỏi của hai ứng viên (là diễn viên được Aronson thuê). Một ứng viên thi đấu rất rốt (trả lời đúng 92%) và có thành tích tốt ở trường. Ứng viên còn lại thì kém hơn (trả lời đúng 30%) và có thành tích ở mức trung bình. Cuối phần thi đấu và phỏng vấn, các thành viên giả vờ lỡ tay làm đổ cà phê lên người. Người tham gia thí nghiệm được mời đánh giá xem họ thích ai nhất. Kết quả cuối cùng thật đáng ngạc nhiên: trong trường hợp ứng viên sáng giá làm đổ cà phê, người tham gia thí nghiệm cảm thấy yêu mến họ hơn.

Để giải thích cho kết quả của thử nghiệm, việc một người thừa nhận khuyết điểm của bản thân sẽ giúp người đó dễ tạo thiện cảm hơn. Chúng ta vẫn luôn cảm thấy bị áp lực, bị “lép vế” trước những người có năng lực nổi trội hơn mình. Ta dễ dàng sinh ra tâm lý dè chừng, tạo khoảng cách vì cho rằng bản thân và họ nằm ở hai vị thế khác nhau. Tuy nhiên, khi chính những cá thể ấy mắc những sai lầm nhỏ, thậm chí có phần “ngốc nghếch” thì mọi người xung quanh sẽ nhận ra rằng suy cho cùng họ cũng chỉ là con người mà thôi, và con người thì luôn mắc sai lầm. Khi ấy, những người nổi bật hơn không chỉ được công nhận năng lực, mà còn được yêu mến hơn.
Đôi khi, sự hấp dẫn không nằm ở việc một người có thể hoàn thành tốt mọi việc đến mức “hoàn hảo”, mà là ở việc một người nắm được rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình và dũng cảm thừa nhận chúng. Chỉ cần chúng ta chọn cách trung thực với những khuyết điểm của bản thân, cố gắng từng ngày để cải thiện đồng thời phát huy những gì ta đã sẵn có. Đó là lúc ta sẽ không chỉ nhận được tình cảm và sự tôn trọng của mọi người xung quanh, mà còn giúp ta đạt được những hoài bão của riêng mình.
Pratfall và câu chuyện Peer Pressure ở Ngoại thương
Bạn có 5 người bạn xung quanh: người thì là thủ khoa đầu ra GPA 4.0, người tự làm startup, người thì IELTS 9.0 làm ở Big4, một người đang đi project BCG bên “bển” và người còn lại là chủ tịch cấp số nhân câu lạc bộ. Còn bạn thì vẫn đang loay hoay tìm cách thích nghi cuộc sống và cảm thấy áp lực đè nặng, hoài nghi bản thân. Ở một nơi được mệnh danh là “Harvard chùa Láng”, câu hỏi mà sinh viên Ngoại thương băn khoăn nhất, không phải là học phí kỳ này bao nhiêu, mai kiểm tra môn nào, mà là “Mình là ai?”. Chúng ta băn khoăn đến một nghìn lần rằng mình giỏi cái gì, mình sẽ làm nghề gì, đem lại giá trị gì cho cuộc đời, sống với mục đích gì.
Thực tế không phải ai ở Ngoại thương cũng là hoa hậu, là “lương tháng nghìn đô”, là nói tiếng anh như gió hay chủ chốt trong câu lạc bộ,… Nhiều sinh viên than vãn, buồn chán khi tạch hết câu lạc bộ hay rải đơn vô số cuộc thi với lý do đơn giản là vì “ai cũng đi thi, ai cũng có giải này giải kia, mình cũng phải đăng ký không thì bứt rứt”. Đơn giản ai cũng muốn làm cá mập, mà quên rằng đại dương không thể tồn tại chỉ với một loài cá. Mỗi người nên nhẹ nhàng với bản thân hơn, đừng áp lực khuyết điểm là điều gì đó đáng thất vọng.

Thế nhưng hiệu ứng Pratfall chỉ ra rằng thừa nhận bản thân mình không hoàn hảo, có điểm yếu không hẳn là xấu. Điều đó giúp chúng ta có thể dễ dàng nhận được sự đồng cảm, tình cảm từ người khác. Việc dũng cảm thừa nhận khuyết điểm cũng sẽ tạo điều kiện để con người sửa chữa, cố gắng phát triển bản thân hơn. Đôi khi, chính những điểm chưa hoàn hảo mà bạn lo sợ lại tạo nên nét riêng cá tính. Nếu cứ chạy theo một hình mẫu hoàn hảo thì chẳng cần cái búng tay của Thanos cũng khiến sinh viên, đặc biệt là FTU newbie, ẩn giấu đi “màu sắc” của bản thân, quên đi sự thật là con người đều mắc sai lầm.
Tạm kết
Peer pressure là điều tất-lẽ-dĩ-ngẫu của tuổi trẻ, hãy coi nó là hằng số, và biến số duy nhất chúng ta có thể thay đổi được là thái độ của bản thân. Với hiệu ứng Pratfall, mong rằng mọi FTUers có thể học cách hiểu bản thân và coi những yếu điểm như một cú hích để tiến nhanh hơn, nghiêm túc với bản thân hơn để không ngừng làm những gì mình mong muốn, để “hoàn hảo theo cách không hoàn hảo” của riêng bạn.
Raccoon – Tống Thảo