YMCONLINE.COM – Những kiến thức về kì Quân sự ngoài việc được khám phá từ sách vở, còn có thể được đúc kết thông qua những bộ phim Việt hấp dẫn về đề tài thời chiến.
Chung một dòng sông (1959)
Dù cùng thời với những tượng đài khai thác chung đề tài chia cắt như ca khúc “Câu hò bên bến Hiền Lương” (Hoàng Hiệp), “Gửi người em gái” (Đoàn Chuẩn) hay “Chuyến đò vĩ tuyến” (Lam Phương), bộ phim “Chung một dòng sông” vẫn hoàn thành tốt sứ mệnh khơi gợi tình cảm và hành động dấn thân vì đất nước của mỗi thành viên xã hội, mở đầu cho một dòng chảy điện ảnh cách mạng nước nhà.
Lấy bối cảnh cuộc chiến Chiến tranh Việt Nam sau Hiệp định Geneve, bộ phim mượn mối tình bị ngăn trở của chàng du kích trẻ Vận và Hoài – cô gái chở du kích qua sông Bến Hải, để phản ánh nỗi đau chia cắt đất nước lúc bấy giờ. Vận mệnh của cả hai nhân vật bị xoay chuyển và lâm vào cảnh đôi đường đôi ngả. Từ đây, một bên Vận – kẻ ở bờ Bắc, còn Hoài – người ở bờ Nam. Cho đến cuối cùng, những con người ấy vẫn lựa chọn gắn hạnh phúc của mình với cả vận mệnh dân tộc.

NSƯT Phi Nga và Mạnh Linh lần lượt đảm nhiệm hai vai diễn Hoài và Vận. Với lối diễn xuất truyền cảm và sinh động, hai diễn viên đã giúp bộ phim ghi dấu ấn đặc biệt trong đời sống văn hóa xã hội khi lần đầu được công chiếu vào năm 1959. Nhờ thành công phản ánh một vấn đề nóng bỏng mang tính thời đại, phim đoạt giải “Bông Sen vàng” trong Liên hoan phim toàn quốc lần thứ hai năm 1970.
Vĩ tuyến 17, ngày và đêm (1972)
Xuất sắc tái hiện bầu không khí sục sôi giữa sự đàn áp dã man của quân đội và tinh thần quật khởi của những con người nhỏ bé thuộc một làng cát nghèo ven biển, “Vĩ tuyến 17, ngày và đêm” đã nhận được giải của Hội đồng hòa bình Thế giới năm 1973 và trở thành một cái tên tiêu biểu của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Vào thời điểm đất nước bị chia cắt, gia đình anh Thạch – chị Dịu cũng chịu cảnh mỗi người mỗi ngả: người chồng tập kết ra Bắc, còn người vợ ở lại bờ Nam. Chính quyền phía Nam tăng cường đàn áp với mong muốn dập tắt ngọn lửa đấu tranh đòi hòa bình của dân chúng. Sau sự hy sinh của đồng chí Bí thư chi bộ, chị Dịu được tin tưởng để đảm nhiệm chức vụ mới, từ đó gánh trên vai trọng trách lãnh đạo phong trào. Dưới sự hô hào của chị, quần chúng đã đoàn kết lại, tập hợp sức mạnh để vùng lên đấu tranh đòi quyền lợi.

Ít ai biết, bộ phim được lấy cảm hứng từ “người thật, việc thật”. Yếu tố có thực trong phim nằm ở nhân vật chị Dịu, với nguyên mẫu ngoài đời là một người phụ nữ tên Thảo. NSND Trà Giang trong vai chính của bộ phim đã nhiều lần tới gặp và nói chuyện với “chị Dịu đời thực”. Đồng cảm với những mất mát của người đàn bà miền sông nước, NSND Trà Giang đã thành công đem hình ảnh một chị Dịu bất khuất, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng mình cho công cuộc lớn lao lên màn ảnh.
Em bé Hà Nội (1974)
Khai thác chiến tranh ác liệt qua con mắt ngây thơ của một đứa trẻ, “Em bé Hà Nội” được ví như “viên ngọc quý của điện ảnh cách mạng”, trở thành “bom tấn” và liên tục giành giải cao tại các liên hoan phim mà trong đó có giải “Bông Sen vàng” năm 1975.

Thời điểm mà bộ phim khắc họa là khi Hoa Kỳ tiến hành chiến dịch Linebacker II, ném bom tàn phá miền Bắc Việt Nam. Nội dung phim xoay quanh cuộc hành trình tìm bố của Ngọc Hà, một em bé 12 tuổi sống tại Hà Nội, giữa cảnh mưa bom bão đạn khốc liệt của chiến trường. Đan xen trong cuộc hành trình dữ dội của Ngọc Hà là những hồi tưởng của chính em về khoảng thời gian trú bom, sơ tán tại trường âm nhạc hay cảnh chiến đấu của quân dân miền Bắc trước những “pháo đài bay” B52 lần lượt tiến vào không phận. Nhờ sự giúp đỡ của những người lính, Ngọc Hà đã gặp lại và cùng đoàn tụ với em gái ở nơi sơ tán.
Diễn viên Lan Hương được đạo diễn Hải Ninh “chọn mặt gửi vàng” cho vai chính của bộ phim khi mới 10 tuổi, sau nhiều lần tuyển chọn người đóng cho vai diễn nhưng không thành. Nét đẹp thanh thuần và lối diễn tự nhiên của bà được ghi nhận là những yếu tố giúp bộ phim thành công. Nhờ vào vai diễn đầu tay đặc biệt này, Lan Hương được khán giả Việt Nam lẫn quốc tế yêu mến và quen gọi với biệt danh “Em bé Hà Nội”.
Biệt động Sài Gòn (1986)
“Biệt động Sài Gòn” là bộ phim truyền hình dài 4 tập được sản xuất bởi đạo diễn Long Vân. Được phát hành vào năm 1986, đây là bộ phim đầu tiên, duy nhất của điện ảnh Việt Nam tái hiện chiến công của lực lượng biệt động Sài Gòn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Bộ phim trở thành tâm điểm khi ra mắt, đưa tên tuổi của hàng loạt nghệ sĩ tới gần hơn với công chúng.

Không chỉ đặc tả cảnh chiến trường khói lửa vang vọng tiếng súng, mìn nổ, bộ phim gây sức hút đặc biệt nhờ bám sát cuộc đấu trí căng thẳng của những chiến sĩ biệt động. Tư Chung – Tư lệnh trưởng biệt động Sài Gòn, cùng người đồng đội Ngọc Mai khi họ phải cải trang một cặp vợ chồng tư bản giàu có; Huyền Trang – nữ chiến sĩ phải đóng giả thành người xuất gia tu hành để dễ bề che mắt kẻ thù; những người đồng đội gan dạ, mưu trí khác như Năm Hóa (bí danh K9), Sáu Tâm, bà má hậu phương, em bé bán báo làm giao liên,… Sống giữa bầy lang sói, họ không những phải bảo vệ tính mạng bản thân mà còn phải gánh vác những vị trí, vai trò khác nhau. Tất cả đã cùng hợp lực để tạo nên sức mạnh quân và dân không thể lay chuyển.
Với lối diễn xuất sắc của dàn diễn viên thể hiện thành công sự gan dạ và bản lĩnh của những con người hoạt động bí mật giữa lòng địch, bộ phim được đánh giá là một thành tựu lớn của điện ảnh Việt Nam những năm 80 và được yêu thích trong suốt gần 40 năm qua.
Mùi cỏ cháy (2012)
Nổi danh trong số những nhật ký thời chiến của các liệt sỹ, cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” gây ấn tượng mạnh với người đọc bởi những dòng cảm xúc tuôn ra từ ngòi bút của chàng thanh niên trẻ Nguyễn Văn Thạc. Phỏng theo cuốn nhật ký này, đạo diễn Nguyễn Hữu Mười đã cho ra đời bộ phim thể loại tâm lý xã hội và chiến tranh “Mùi cỏ cháy”. Được đặc cách tham dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 và công chiếu tại Lễ khai mạc tuần phim, bộ phim đã đoạt giải Bông sen bạc cũng như bốn giải Cánh diều vàng không lâu sau đó.
Bối cảnh chính của phim là Chiến dịch Xuân – Hè 1972 với trận chiến tại Thành cổ Quảng Trị. Nhân vật chính trong phim là bốn sinh viên trường đại học Tổng hợp Hà Nội: Hoàng, Thành, Thăng, Long theo lệnh tổng động viên lên đường nhập ngũ năm 1971. Những chàng trai khi ấy còn trong độ tuổi rất trẻ, đã tạm gác bút nghiên mà nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, hăng hái chiến đấu tại nơi được mệnh danh là “cối xay thịt người”. Tại đây, Thành, Thăng, Long đã không may mắn hy sinh, chỉ còn lại Hoàng sống sót trở về. Bộ phim là những dòng ký ức sống lại của Hoàng, khi ông thăm lại chiến trường xưa.

Mặc dù gây tranh cãi bởi việc tạo dựng bối cảnh đơn sơ, lạc hậu, bộ phim vẫn được đánh giá cao về tính nhân văn sâu sắc nhờ khắc họa chân thực những bi kịch đời thường, những hi sinh của tuổi trẻ thời chiến mang theo khát vọng về gia đình, tình yêu, tình bạn. Với diễn xuất dung dị tự nhiên, cả bốn diễn viên chính đều đã lột tả được sự trong sáng cùng tính cách riêng của 4 nhân vật chính, đối lập hẳn với sự khốc liệt của bối cảnh chiến trường xưa.
Tạm kết
Những bộ phim về đề tài chiến tranh Việt Nam là thước phim vô cùng giá trị cho thế hệ trẻ cảm nhận được giá trị của nền hòa bình bản thân thừa hưởng ngày hôm nay, biết ơn công lao của vô vàn những lớp người đi trước. Trước kỳ học quân sự sắp tới, đây sẽ là khoảng thời gian đặc biệt thích hợp để K61 nhìn lại một thời bom đạn đau thương nhưng hào hùng bất khuất của dân tộc qua những bộ phim ý nghĩa này.
Dứng – Bambi
Nguồn ảnh: Internet