YMCONLINE.COM – Với nhiều người trong chúng ta, teamwork đơn giản là làm việc chung cùng bạn bè, đồng môn. Và vì vậy, chúng ta thường không lường trước được hết những thách thức mà teamwork đem lại. Hãy lắng nghe những trăn trở dưới đây của nhân vật phỏng vấn để có được những nhìn nhận thấu đáo hơn về teamwork.
Câu chuyện “teamwork hay taowork” muôn thuở
Khi được hỏi về một trong những trở ngại mà sinh viên thường gặp khi làm teamwork, Trần Khánh Huyền – K59 Kinh tế đối ngoại – chia sẻ rằng: “Theo mình trở ngại lớn nhất của teamwork, đặc biệt là teamwork ở Đại học là công việc rất dễ bị rơi vào trạng thái “lệch nhịp” giữa các thành viên trong nhóm, có khi “người chơi không hết, kẻ làm chẳng xong”.
Không ở đâu xa, minh chứng cho nhận định trên lại đến ngay từ những chia sẻ của Nguyễn Duy Khánh – K59 Tiếng Anh thương mại, “Kỷ niệm không vui đương nhiên sẽ là trong nhóm sẽ có vài imposter – vài người không bao giờ xuất hiện trong quá trình làm việc, tưởng chừng mình không tồn tại. Họ chả bao giờ đóng góp gì, làm mình cảm thấy ức chế. May mắn là sẽ không bao giờ phải gặp lại nữa.”

Trải nghiệm của bạn Nguyễn Phương Anh – K58 Tiếng Trung thương mại về teamwork lại có phần sâu sắc hơn. Đó là một cảm giác bị bỏ rơi trong quá trình làm việc nhóm tại lớp: “Mặc dù mình đã cố gửi lời mời kết bạn cho bạn leader cũng như nhờ người khác bảo bạn leader add vào group, thì cũng có vẻ như khá khó khăn để vào, vì một số lí do nào đó.”. Sau một khoảng thời gian dài, Phương Anh mới có được sự hồi đáp quá trình chờ đợi: “Ngày cuối cùng trước khi từ Xuho về, mình đã phải liên lạc với lớp trưởng lớp tín chỉ thì mình mới được vào group để bắt đầu công việc. Và lúc đó là khoảng 1 tháng sau khi group được lập ra.”

Có thể nói rằng, câu chuyện “teamwork hay taowork” không còn quá xa lạ với sinh viên trường Đại học Ngoại thương. Tuy vậy, những trải nghiệm thực tế đối với công việc này của mỗi người lại vô cùng phong phú. Với nhiều người, teamwork là những giây phút chia sẻ, tận hưởng. Trái lại, nhiều người phải trải qua những tháng ngày teamwork trong im ắng, đợi chờ, vô vọng,… như trường hợp của bạn Nguyễn Phương Anh. Những câu chuyện của họ tuy không đại diện cho hoàn cảnh của số đông, nhưng nó phản ánh rõ nét một trở ngại thường gặp khi làm teamwork, đó là sự thiếu kết nối giữa các thành viên ngay trong quá trình làm việc. Và đương nhiên, tình trạng kéo dài của sự thiếu kết nối ắt dẫn tới kết quả không mấy hài lòng của nhóm.
Thói quen “đẽo cày giữa đường” khi làm việc tập thể
Đa phần những lần teamwork, sinh viên sẽ được làm việc cùng với những người bạn mới, những người lạ mình mới gặp lần đầu. Từ đó dễ gây ra hiện tượng cả nể, “đẽo cày giữa đường”, có cũng được mà không có cũng không sao.
Khánh Huyền tự nhận bản thân là một người khá nản khi tranh luận một vấn đề gì đó, cho nên khi hoàn toàn có khả năng nêu lên quan điểm cá nhân hay một ý tưởng mới thì lại dễ dàng từ bỏ và hay nghĩ kiểu “thôi thì bỏ cũng được”, không quyết liệt để bảo vệ quan điểm, ý kiến của mình đến cùng khi gặp nhiều ý kiến trái chiều hay sự dò xét, nghi ngờ của mọi người. Huyền chia sẻ những khó khăn của chính bản thân khi tham gia những dự án teamwork: “Mình ngại phải tranh luận với người khác, đây là một điểm yếu của mình, có lẽ nó xuất phát từ việc mình hay sợ người khác mất lòng nên dễ chiều theo ý họ mà dễ dàng từ bỏ suy nghĩ của mình.”

Khánh Huyền ngại phải tranh luận khi teamwork.
Nguồn ảnh: Khánh Huyền
Duy Khánh cũng thừa nhận: “Một trong những khuyết điểm của mình là mình thường dĩ hòa vi quý quá nhiều, nhường nhịn quan điểm của bạn khác mà có thể bỏ quên ý kiến của mình.”
Đôi khi, không phải cứ cố gắng “nhường nhịn” trong một tập thể lại là điều tốt. Vì nó sẽ gây nên tình trạng “làm hài lòng tất cả mọi người nhưng lại không đạt được kết quả gì”. Thẳng thắn nêu lên ý kiến cá nhân của mình không có gì là sai. Người đó chắc chắn sẽ không phải là anh chàng đẽo cày không biết giữ vững quan điểm, càng không phải người chỉ muốn người khác làm theo ý mình. Chỉ khi chủ động nêu lên ý kiến của mình, ta mới có thể tổng hợp được những phương án tốt nhất cho cả nhóm và thể hiện rằng mình cũng muốn đóng góp vì lợi ích chung.
“Mood booster” đến giải cứu
Chính vì những sự khác nhau trong cách làm việc, vị trí mood booster (hay còn được hiểu là “người tăng cường tinh thần” của đội) đã được ra đời. Trên thực tế, mood booster là một vị trí không quá quen thuộc với chúng ta. Vị trí này thường không thực sự được phân định rõ ràng mà thường được ngầm hiểu giữa các thành viên. Tuy vậy, đối với những người hiểu rõ về teamwork thì việc bỏ lỡ một người cải thiện tinh thần của đội hẳn là một thiếu sót. Nguyễn Diễm Quỳnh – K59 Kinh tế đối ngoại kể rằng mình thường xuyên đóng vai trò này trong team, nhờ đó Quỳnh có thể giúp đỡ được khá nhiều cho các thành viên trong nhóm với kiến thức và kinh nghiệm của bản thân.
“Với trách nhiệm thường thường như một mood booster trong team, mình nhận ra điều bản thân cần làm không chỉ là làm tâm trạng của mọi người trong team tốt hơn, mà còn cần gắn kết được họ để tất cả mọi người đều “không có ai bị bỏ lại phía sau”. Đó nghe giống như một trách nhiệm của leader, nhưng leader rất cần sự trợ giúp của các thành viên khác nữa để có được một hoạt động teamwork hiệu quả.”

Nguồn ảnh: Diễm Quỳnh
Mỗi thành viên của đội thường sẽ có những cá tính khác nhau, điều này đặt ra một thách thức về việc có thể dung hòa các tính cách. Từ đây, chúng ta có thể hiểu rằng, một tổ đội hoàn chỉnh sẽ luôn cần đến một người động viên tinh thần và gắn kết các thành viên còn lại, để họ được nói ra những băn khoăn của mình, thậm chí có thể vực dậy mọi người khi những cuộc thảo luận chỉ đi đến bế tắc…
Sau tất cả, “Teamwork makes the dream work”
Tuy không thể phủ nhận những điểm tiêu cực khi tham gia làm teamwork trong môi trường Đại học, nhưng làm việc nhóm vẫn mang đến những lợi ích và những trải nghiệm đáng quý ở lứa tuổi sinh viên.
Diễm Quỳnh chia sẻ: “Qua mỗi lần teamwork là một lần để mình có thêm cơ hội làm quen, kết bạn trên đại học. Không những thế, đó còn là cơ hội để trau dồi thêm kiến thức cũng như kỹ năng mềm không thể thiếu trong quá trình trưởng thành của mỗi con người.” Với Duy Khánh, teamwork còn là dịp để mình có thể học hỏi cách làm việc của người khác vì “học thầy không tày học bạn” mà.
Làm việc nhóm còn là một dịp tuyệt vời để phá bỏ rào cản của bản thân, phá bỏ đi sự nhút nhát thường thấy của một cá nhân. Nhiều thành viên hơn sẽ giúp giảm thiểu áp lực trong khi giải quyết một vấn đề. Hơn nữa, sự hỗ trợ, hợp tác của các thành viên sẽ giúp bù trừ những khuyết điểm của nhau, từ đó khiến ta tự tin hơn, cởi mở hơn.
Có thể K60 – những người em út sắp trở thành một phần của FTU sẽ lo lắng nhiều khi teamwork tại môi trường hoàn toàn mới mẻ này. Hãy để lời chúc dễ thương của Diễm Quỳnh làm động lực cho các em: “Khi tham gia mỗi hoạt động, hãy nhiệt tình và có trách nhiệm với công việc, với cả team. Hết mình đi vì chúng ta có sức trẻ mà, hãy thật nhiệt huyết với nó. Sẽ có lúc các em thấy chán nản hay hối hận vì nó không vui, không như mình mong đợi, nhưng sau đó thu về sẽ là “quả ngọt”, trước mắt là cho chính bản thân các em.”
Tạm kết
“Teamwork chẳng có gì đáng sợ cả, chỉ có cách mình nhìn làm nó đáng sợ thôi.” – Duy Khánh. Tuy ban đầu sẽ có chút khó khăn, có chút nản chí, muốn bỏ cuộc, nhưng chỉ cần tất cả các thành viên thật cố gắng, cùng hướng về một mục tiêu thì kết quả nhận được sẽ vô cùng xứng đáng.
Xin chân thành cảm ơn các bạn sinh viên đã tham gia phỏng vấn!
Tee – Hoàng Việt