Tết về nhà không còn là những câu hỏi

YMCONLINE.COM – “Dạo này học hành thế nào?”, “Lương một tháng bao nhiêu” – đó là những câu hỏi hầu như Tết năm nào về quê cũng được hỏi. Mỗi ngày năm hết Tết đến là thời điểm mà mọi người sum vầy và quây quần sau một năm dài làm việc ở những chốn xa nhà. Đó cũng là những giây phút hiếm hoi mọi người thân thiết được gặp nhau, chính vì thế mà văn hóa “hỏi thăm” ra đời. Hỏi thăm quan tâm nhau là điều tốt, là một nét văn hóa đẹp của người Việt Nam, thế nhưng điều này có hoàn toàn khiến mọi người hài lòng?

Những câu hỏi ngày Tết…

Thời gian gần đây, ở nhiều trang mạng xã hội, nhiều fanpage nổi tiếng, nhiều bài báo đã đề cập đến vấn đề “hỏi thăm” của người Việt mỗi khi Tết đến, nhưng lại ở dưới góc nhìn không mấy… dễ chịu. “Cháu đi làm ở chỗ nào? Có tốt không?”; “Cuộc sống dạo này thế nào?” hay thậm chí là cả những vấn đề riêng tư hơn như là “Bao giờ lấy chồng, lấy vợ?”, “Lương một tháng bao nhiêu tiền?”. Giới trẻ ngày nay lại cho rằng chính những câu hỏi như trên đã khiến không khí gặp mặt trở nên mệt mỏi, nhàm chán khi phải trả lời nhiều lần, thậm chí là khó chịu nếu như bản thân họ không muốn đề cập đến nhưng vẫn có nghĩa vụ phải trả lời.

Tết trở thành những ngày căng thẳng vì những câu hỏi.

Người trẻ ngày nay đã có rất nhiều suy nghĩ khác với thế hệ đi trước. Những vấn đề cá nhân đôi khi lại quá nhạy cảm để nói đến bởi nhiều lý do cũng đến từ chính họ. Có thể ngay bản thân họ cũng cần có khoảng thời gian nghỉ Tết để quên đi những áp lực cuộc sống như công việc, những mối quan hệ, họ cũng muốn Tết là thời gian để mọi người vui vẻ với nhau chứ không phải là trả lời những câu hỏi nhiều lúc có khi chỉ là hình thức. Hơn thế nữa, một lý do nữa mà người trẻ không muốn phải trả lời những câu hỏi mang tính cá nhân như vậy là do một thói quen không tốt của phụ huynh Việt Nam đó chính là so sánh, soi mói, đánh giá con người qua mặt những mặt bề ngoài và vật chất như vậy.

… cũng chỉ là môt cách để thể hiện quan tâm

Dẫu biết rằng những câu hỏi như trên chẳng mấy thoải mái khi phải trả lời, thế nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì hỏi chính là một cách để quan tâm lẫn nhau. Người Việt mình có một thói quen quan tâm đến con cháu, người thân, và nhiều người cho rằng con đường gần nhất với sự quan tâm bắt đầu từ những câu chuyện cá nhân. Gặp con cháu thường xuyên ở thời đại này là điều gì đó vô cùng xa xỉ, và Tết chính là lúc hiếm hoi mọi người gặp gỡ và bày tỏ sự yêu thương với nhau.

Tết là dịp để cả gia đình quây quần yêu thương.

Đôi lúc họ rất muốn quan tâm đến chúng ta nhiều hơn là những câu hỏi đấy, thế nhưng sự xa cách, ít đối mặt và đôi khi là nhiều lý do khách quan mà quan tâm giờ đây ngoài hỏi ra thì chẳng còn cách nào khác. Nào ai  bạn đã mệt mỏi thế nào, nào ai biết cuộc sống tinh thần của bạn ra sao một năm qua, người lớn rất muốn biết điều đó, tuy rằng một câu hỏi nói ra thật khiến chúng ta khó chịu. Nếu đó là những người thực lòng muốn yêu thương chúng ta, nếu biết những điều đó không nên được nhắc đến, họ sẽ làm thế. Chỉ là những khoảng cách, thời gian qua đi khiến mở đầu của một cuộc nói chuyện chỉ là những câu hỏi đợi mong sự đáp lại.

Trả lời thế nào là do ta chọn

Tôi có một người anh họ, du học ở Pháp, hay tự ái, lại vô cùng nhạy cảm và cả nghĩ. Ngày Tết về quê thăm họ hàng được một lần lại toàn bị các bác xâu vào hỏi: “Bên đấy đã yêu cô nào chưa?”, “Mỗi tháng gửi được bao nhiêu tiền về cho bố mẹ?”. Bị hỏi đã khó chịu, lại phải trả lời đi trả lời lại, anh đã sửng cồ lên, cho là các bác cố tình xúc phạm. Mấy bác cũng hoảng hốt vì thái độ của anh, ngại không dám hỏi gì thêm.

Chuyện thì cũng trôi qua nhưng không khí gia đình bỗng trở nên nặng nề, các bác nói chuyện thì cũng né anh, sợ nói phải cái gì anh lại nổi cáu lên. Anh cũng né các bác, phần vì ngượng ngùng, phần vì sợ các bác lại hỏi thêm. Không khí gia đình bỗng trở nên ngại ngùng, hai bên đều cảm thấy có lỗi với nhau.

Từ đó mới thấy rằng, nội dung câu trả lời cũng không quá quan trọng, quan trọng là thái độ trả lời ra sao để không làm mất đi bầu không khí gia đình thân thiết cả năm mới có một lần. Nếu anh họ chọn cách bông đùa một chút, tạo ra sự vui vẻ trong cuộc trò chuyện, hay trả lời một cách thật lòng thì gia đình cũng được sống trong hòa thuận vui vẻ, chứ không phải nặng nề với nhau. Có những câu hỏi, người hỏi không được ý tứ lắm thì người trả lời phải đủ khôn khéo để vừa không phải trả lời những điều mình không thích, vừa giữ được sự vui vẻ hòa nhã. Cách kiềm chề cảm xúc và kỹ năng ứng xử khôn khéo là những điều cần thiết trong những trường hợp như vậy.

Khôn khéo một chút để không khí gia đình hòa thuận.

Để tìm được thái độ phù hợp đối mặt với những câu hỏi, trước tiên phải hiểu được những khoảng cách thế hệ làm thứ tự ưu tiên của mỗi người khác nhau. Các bác chỉ quan tâm đến chuyện lương thưởng, nghề nghiệp, thành tích… còn bản thân thực sự để tâm xem mình đã học được những điều gì, vấp ngã và đứng lên như thế nào. Cũng vì mối quan tâm khác nhau, nên những tiêu chuẩn đặt ra cũng khác nhau. Phải trả lời làm sao để đạt được kì vọng của người hỏi, không làm mất mặt bố mẹ, không làm xấu hình ảnh của bản thân trong mắt mọi người? Tóc đen mới là ngoan hiền. Phải lấy vợ lấy chồng trước tuổi 30. Đi du học phải kiếm được nhiều tiền… Những chuẩn mực người khác đặt ra, mình lại một cách vô thức lấy nó làm tiêu chí cho bản thân để rồi tự xấu hổ khi không đạt được kì vọng của người khác và cảm thấy bị soi mói. Tất cả khiến việc gặp họ hàng và trả lời câu hỏi trở thành một điều áp lực và mệt mỏi mỗi dịp Tết đến xuân về.

Vì vậy, cách tốt nhất để đón nhận, hơn cả việc cố gắng khôn khéo trả lời sao để giấu đi những điều mà người khác nghĩ là xấu, tránh cho mình chút phiền phức nhất thời, thì hãy chọn cách thể hiện ra con người thật của mình, để người khác hiểu và chấp nhận nó. Tự tin, thẳng thắn chia sẻ, giúp mọi người làm quen với con người thật của mình. Mọi người tò mò muốn biết, tại sao không thể hiện những điều mình muốn cho mọi người nhìn, tự tin vào những điều mình làm là đúng? Tại sao không bình thản chia sẻ, đối diện với những định kiến của họ hàng, trả lời một cách chân thành để cả nhà thông cảm và hiểu nhau hơn? Một năm có mấy lần được gặp họ hàng, nên thấy đó là niềm hạnh phúc chứ không phải một điều áp lực, vì có cả gia đình lớn để yêu thương và chia sẻ.

Người trẻ ngày nay ngại về quê vì ngại phải đối diện với những câu hỏi của họ hàng, sợ không đạt được những kỳ vọng hão huyền mà người khác đặt ra. Nhưng thực chất, những câu hỏi đa phần là sự quan tâm chân thành từ những người cả năm chỉ có một lần gặp gỡ. Hãy  giữ cho cuộc gặp gỡ ấy vui vẻ, hòa thuận, và coi đó là dịp để cả gia đình hiểu nhau hơn.

Thiên Thanh – Lưu Thu Hằng

Nguồn ảnh: Internet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.