YMCONLINE.COM – Ngày nay, biết ngoại ngữ là một lợi thế. Nó giúp cho các bạn trẻ có nhiều cơ hội cạnh tranh trong công việc. Học ngoại ngữ còn mang đến cho chúng ta những hiểu biết về văn hóa và con người của quốc gia đó. Điều quan trọng khi học ngoại ngữ đó là đam mê và phương pháp. Hãy cùng tìm hiểu các thư viện học ngoại ngữ giúp ích cho ta trong việc học một thứ tiếng mới.
Tiếng Anh – Mỹ: American Center Hanoi

American Center (AC) được tài trợ bởi Đại sứ quán Hoa Kỳ là một thư viện đa năng. Thư viện có khoảng hơn 4000 đầu sách nhiều thể loại: lịch sử, ngôn ngữ, kĩ năng, kinh tế, văn học, tạp chí được liên tục cập nhật,… Nếu bạn đang có dự định thi IELTS, TOEFL, SAT,… thì không thể không ghé thăm AC vì ở đây có rất nhiều đầu sách, đề thi phong phú như IELTS Cambridge từ 1-12, TOEFL ibt, GMAT,… cùng với những thiết bị cũng như không gian để bạn có thể thực hành luôn kỹ năng nghe nói.
Vì là thư viện chung nên sách ở đây không được viết vào. Nhưng không sao cả vì AC có máy photocopy để bạn có thể photo các bản sao của đề, bài báo, trang sách mà bạn muốn. Nhưng lưu ý là chỉ photo tối đa 10 tờ thôi nhé.
AC được trang bị với đầy đủ tiện nghi hiện đại: 10 iPad và 9 máy tính kết nối mạng phục vụ tìm kiếm thông tin, 12 đầu đọc đĩa DVD, wi-fi luôn đầy vạch và kết nối tức thì. Tại đây còn có một ngăn DVD phim bản quyền cực chất lượng, phục vụ cho việc giải trí cũng như giúp tăng vốn từ, sự hiểu biết của bạn về văn hóa Mỹ.
Đây còn là nơi tổ chức rất nhiều sự kiện, hội thảo trên nhiều lĩnh vực, kĩ năng,… và cả câu lạc bộ tiếng Anh, các series phát triển tiếng Anh như Conversation Hours, Debates. Đến với AC, bạn sẽ được nâng cao khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh, tiếp xúc với rất nhiều bạn trẻ tài năng, học hỏi thêm nhiều điều mới mẻ; trò chuyện với những chuyên gia, những người truyền cảm hứng, và tất cả hoàn toàn miễn phí.
Trước khi vào thư viện, bạn sẽ phải thực hiện thủ tục kiểm tra an ninh và check-in. Về kiểm tra an ninh thì giống như ở sân bay, sẽ có máy quét hồng ngoại soi tư trang, cửa từ,… Bạn sẽ để lại CMTND hoặc thẻ học sinh/sinh viên ở quầy an ninh và lấy lại khi ra về. Sau đó, bạn sẽ gửi balo ở tủ khóa bên ngoài và chỉ được mang vào thư viện laptop, bút, vở ghi,… nhưng không được mang sách in vào.
Có một lưu ý nhỏ là phần kiểm tra an ninh, họ sẽ kiểm tra cả các thiết bị điện tử gồm: laptop, điện thoại, thiết bị theo dõi sức khỏe,… để đảm bảo an toàn cho chính bạn và những người làm việc ở Đại sứ quán. Vậy nên bạn hãy đến sớm khoảng 30′ để không bị lỡ việc nhé. Với những ai đi xe máy thì có thể lấy ở bàn lễ tân một tấm vé Parking Permit hỗ trợ tiền gửi xe ở bên cạnh toà nhà. Nếu có bất cứ thắc mắc gì, hãy liên hệ quầy lễ tân ở cửa để được hướng dẫn.
Địa chỉ: Tầng 1, tòa nhà Rose Garden, 170 Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội.
Thời gian mở cửa: Thứ 2: 13:00 – 19:00; Thứ 3 và 5: 8:00 – 18:00; Thứ 4 và 6: 8:00 – 19:00. AC sẽ đóng cửa vào thứ bảy, chủ nhật và các ngày nghỉ của Mỹ và Việt Nam.
Và nếu bạn là sinh viên năm 3, 4 thì có thể thử apply đăng kí làm intern cho AC khi có đợt tuyển nhé. Làm AC Intern không chỉ hấp dẫn bởi tấm certificate quyền lực, mà AC còn là môi trường tuyệt vời để phát triển bản thân và giao lưu kết bạn với những người tài giỏi.
Fanpage: https://www.facebook.com/usembassyhanoi/
Tiếng Hàn: Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc
Đến với Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, bạn sẽ được đắm chìm trong không gian bình yên, thơ mộng với phòng tranh về khung cảnh Hàn Quốc, Việt Nam. Ở đây còn là một nơi lý tưởng để học tập, làm việc bởi không gian yên tĩnh nhưng vô cùng thoải mái, hệt như ở một coffee shop Hàn Quốc.
Thư viện tuy nhỏ nhưng số lượng đầu sách vô cùng phong phú với nhiều thể loại tạp chí, văn học, sách ảnh, sách kinh tế,… Nếu bạn đang học tiếng Hàn và muốn tìm hiểu thêm về đất nước Hàn Quốc thì không thể bỏ qua những cuốn sách ở đây.
Một lưu ý là để có thể đọc sách, xem phim và sử dụng máy tính trong thư viện thì bạn sẽ phải làm thẻ hội viên. Quy trình làm thẻ rất đơn giản và hoàn toàn miễn phí. Chỉ với 2 ảnh 3×4 và 1 bản photo CMT là bạn đã có thể thoải mái tận hưởng những cuốn sách hay và bộ phim yêu thích rồi.
Địa chỉ: 49 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Giờ mở cửa: Thứ 2 – Thứ 6: 8:00 – 18:00; Thứ 7: 8:00 – 17:00.
Tiếng Đức: Viện Goethe
Không gian tuy không lớn nhưng lại hiện đại, thiết kế theo phong cách tối giản với hai màu chủ đạo là xanh – trắng, thư viện Goethe có thể đáp ứng được hầu hết nhu cầu học ngoại ngữ của bạn, đặc biệt là tiếng Đức.
Thư viện được trang bị từ iPad, TV, laptop, DVD,… đến những cuốn sách văn học, nghệ thuật, chính trị,… giúp cho bạn có một cái nhìn sâu hơn về đất nước và con người Đức.
Thư viện cũng mở cửa miễn phí với mọi người. Nhưng để mượn sách về nhà thì bạn cần phải có thẻ hội viên. Phí làm thẻ hội viên là 250k/năm và 50k/năm để gia hạn cho những năm tiếp theo.
Địa chỉ: 56-58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Giờ mở cửaThứ 2 – thứ 6: 9h00 – 12h00 và 13h00 – 17h30; Thứ 7:9h00 – 12h00 và 13h00 – 17h00.
Website: https://www.goethe.de/ins/vn/vi/sta/han/bib.html
Tiếng Nhật: Japan Foundation
Nếu bạn biết sử dụng thành thạo Tiếng Nhật, điều đó sẽ là lợi thế lớn. Bởi các công việc đòi hỏi khả năng Tiếng Nhật thường sẽ có mức lương cao. Thế nhưng, Tiếng Nhật lại nằm trong top các ngôn ngữ khó nhất thế giới. Vì vậy, để thành thạo được thứ tiếng này, bạn phải có đam mê và một môi trường luyện tập thích hợp. Và The Japan Foundation là một địa điểm tuyệt vời như thế.
Bước vào đây, bạn sẽ đi vào một thế giới ngập tràn sách nhiều thể loại. Từ sách giáo trình, sách luyện thi Tiếng Nhật ở các mức độ khác nhau cho đến các bộ truyện tranh nổi tiếng của Nhật Bản, như Doraemon, Conan… Không chỉ vậy, các đầu sách về học thuật, về khoa học xã hội cũng rất phong phú. Có thể kể đến các sách về nghệ thuật kiến trúc, thiết kế hình ảnh, các kĩ năng trong cuộc sống…
Giống với các thư viện khác, Japan Foundation có một khu riêng để giải trí với các bộ phim, ca khúc Nhật Bản cũng như rèn luyện khả năng nghe hiểu Tiếng Nhật. Ở khu này có trang bị ti vi, tai nghe và các đĩa DVD hấp dẫn và đáp ứng đủ nhu cầu của người học.
Có lẽ, vì thư viện trực thuộc trung tâm văn hóa Việt – Nhật nên kiểu cách của thư viện cũng rất “Nhật”. Đó là lối bài trí tối giản, nhỏ gọn và quy củ. Người đọc sẽ không bị choáng ngợp và hoang mang mà thay vào đó họ sẽ dễ dàng tìm thấy những tài liệu cần thiết. Một điểm cộng nữa đó là thư viện thường không quá đông người nên không gian rộng rãi. Bạn cũng thoải mái hơn trong việc học vì môi trường yên tĩnh và không cần lo lắng có người làm phiền.
Đến với thư viện, bạn không chỉ được đọc sách mà còn có cơ hội tham gia nhiều sự kiện đa dạng và phong phú về con người và văn hóa Nhật Bản như đêm nhạc jazz, giao lưu trà đạo, làm bánh Nhật Bản…
Để hòa nhập vào thế giới sách của xứ sở hoa anh đào, bạn cần làm thẻ thành viên với mức phí là 260.000 đồng một năm. Bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn nội quy và cách thức làm thẻ ở trên website The Japan Foudation nhé.
Địa chỉ: Số 27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Giờ mở cửa: 9h30 đến 12h và 13h-18h từ thứ Ba đến thứ Bảy.
Tiếng Pháp: L’ESPACE
Nằm ở tầng 1 của Trung tâm văn hóa Pháp, ngay trung tâm Hà Nội, thư viện đa phương tiện là một trong những địa chỉ thu hút được rất đông những người yêu văn hóa đọc tại thủ đô.
Với những bạn trẻ yêu mến nước Pháp thì đây là một địa điểm không thể lý tưởng hơn để thỏa mãn đam mê của bạn. Tại không gian sách L’espace tập hợp tài liệu đa dạng thuộc nhiều lĩnh vực. Có một giá cạnh bàn thủ thư là sách học tiếng, sách dành cho giáo viên, và sách Toán. Một giá cạnh đó là tạp chí, sách kiến trúc, sách về Sinh học, các môn Khoa học vũ trụ, sách Luật và Công nghệ.
Giống như với Japan Foundation, L’espace cũng có ưu điểm là yên tĩnh, mọi người sẽ đi lại nhẹ nhàng, không ồn ào vì hành lang có nhiều người học tập, làm việc. Để làm thẻ thư viện, bạn phải chi 600.000 đồng một năm. Nội quy chi tiết các bạn có thể xem ở link dưới đây: http://www.institutfrancais-vietnam.com/wp-content/uploads/2015/05/thu-vien-LEspace-noi-quy.pdf
Địa điểm: 24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Giờ mở cửa: 10h-19h từ thứ Ba đến thứ Sáu, 10h-18h thứ Hai và thứ Bảy.
PSHT – Minh Quiry
Nguồn ảnh: Internet và PSHT