Văn hóa thần tượng – Điều gì khiến giới trẻ mê hoặc?

YMCONLINE.COM – Thần tượng từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của giới trẻ và ngày càng phát triển trong thời đại công nghệ số. Họ sẵn sàng bỏ rất nhiều tiền để chi trả cho những đồ lưu niệm, buổi biểu diễn hay album. Vậy tại sao các thần tượng lại được ưa chuộng như vậy?

Sự phổ biến của văn hóa thần tượng: Những bước tiến trong ngành giải trí Việt

Trong thập niên 70 và 80, văn hóa thần tượng ở Nhật Bản bùng nổ với sự ra đời của nhiều nhóm nhạc nam và nữ như Pink Lady, Chage and Aska. Tại Hàn Quốc, các nhóm nhạc KPop đầu tiên như H.O.T hay Seo Taiji and Boys cũng nhanh chóng thu hút sự chú ý của công chúng và trở thành hiện tượng văn hóa. Đồng thời, sự xuất hiện của các công ty quản lý thần tượng như SM Entertainment, JYP Entertainment và YG Entertainment cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển các nhóm nhạc, mang đến cho người hâm mộ toàn cầu niềm vui và cảm hứng.

Chính vì sự phát triển đó mà văn hóa thần tượng ở Việt Nam ít nhiều có sự thay đổi trong suốt một thời gian dài. Nếu như trước đây, hầu hết mọi người cho rằng văn hóa thần tượng chỉ là một sự phù phiếm và không mang lại giá trị nghệ thuật nên họ thường có xu hướng bài trừ fan và idol, thì trong những năm gần đây, nhận thức của công chúng đã thay đổi tích cực hơn. Sự ảnh hưởng của các nhóm nhạc KPop nổi tiếng như BTS, BlackPink đã lan rộng ra khắp nơi, khiến cả những người không nghe nhạc K-Pop cũng biết đến và yêu thích. Tên tuổi các nhóm phổ biến hơn với người Việt thông qua các bản tin thời sự hay Chuyển động 24h với các kỷ lục thiết lập, kể cả khi họ chưa thật sự nghe các bài hát của nhóm.

Ngoài ra, nhiều người trẻ còn sẵn sàng chi tiêu để đi xem buổi biểu diễn của những nghệ sĩ đình đám cả trong và ngoài nước. Hàng triệu người tranh vé online với mức giá từ 1 triệu đến 10 triệu để tham gia chuyến lưu diễn The Eras Tour của Taylor Swift hay Born Pink của BlackPink. Các concert của Vũ, Đen, Hoàng Dũng, Spacespeakers hay lễ hội âm nhạc 8Wonder được tổ chức ở Nha Trang mới đây với sự tham gia của Charlie Puth cùng các nghệ sĩ V-Pop như Hieuthuhai, MONO, Amee cũng nhanh chóng “cháy” vé với sự tham gia đông đảo của fan hâm mộ trên khắp dải đất chữ S. Các buổi diễn trở thành cầu nối giữa nghệ sĩ và công chúng, đẩy mạnh sự phát triển và nổi tiếng của nền âm nhạc Việt Nam trên trường quốc tế.

Fan hâm mộ chịu chi cho Born Pink Concert
Toàn bộ vé của 8Wonder bán hết chỉ sau chưa đầy 24 giờ mở bán

Có giá trị nào đằng sau một phong trào? 

Đa số người trẻ thích một idol vì họ cảm nhận được sự đồng điệu về mặt cảm xúc, lẽ sống giữa mình và người đó thông qua âm nhạc, màn trình diễn hay tương tác với khán giả. Chẳng hạn, với cá tính và phong cách trình diễn đầy cảm xúc, cũng như thường xuyên thể hiện nhiều khía cạnh của bản thân qua từng ca khúc đã giúp người hâm mộ dễ dàng tìm được sự đồng điệu trong những câu chuyện mà Taylor Swift truyền tải. Điều này tạo ra một cảm giác sâu sắc và cá nhân hóa mỗi lần nghe nhạc của nữ ca sĩ, khiến họ có mong muốn ủng hộ và theo đuổi thần tượng của mình.

Văn hóa thần tượng càng mê hoặc cũng vì thần tượng đại diện cho một ước mơ giới trẻ muốn đạt được. Thần tượng thường phải trải qua quá trình gian nan để đạt được vị trí như hiện tại, nên họ trở thành biểu tượng của sự thành công, sự kiên trì và niềm tin vào chính bản thân. Vậy nên, đối với giới trẻ, thần tượng trở thành nguồn cảm hứng giúp họ cảm thấy tự tin và nỗ lực hơn để chạm tới ước mơ của mình.

Concert Yên của Hoàng Dũng với sự quy tụ của 5000 khán giả

Những cộng đồng người hâm mộ mà chúng ta hay quen thuộc với cụm từ fandom cũng là một phần lý do nhiều người lại phát cuồng một người nổi tiếng đến vậy. Đó chính là một hội nhóm nơi mọi người tạo dựng mối quan hệ mới, thân thiện chia sẻ đam mê và sở thích chung với nhau về idol. Cộng đồng người hâm mộ với số lượng thành viên đông đảo thường đến từ những nhóm nhạc Hàn Quốc, với một số cái tên tiêu biểu như ARMY (BTS), Blink (Blackpink), ONCE (TWICE) hay EXO-L (EXO). Môi trường fandom như này mang đến cho giới trẻ cảm giác thuộc về một cộng đồng, giúp những cá nhân người hâm mộ tránh khỏi sự cô đơn và tìm thấy sự gắn kết.

Xây dựng văn hóa thần tượng lành mạnh trong giới trẻ

Thần tượng là hình mẫu lý tưởng của giới nghệ thuật để người hâm mộ học hỏi và bắt chước. Song, đó sẽ là con dao hai lưỡi với những người say mê và tôn sùng thần tượng một cách mù quáng. Năm 2007, một đứa trẻ đe dọa sát hại bố mẹ nếu không được ra sân bay đón nhóm nhạc Super Junior từ Hàn Quốc về. Hay gần đây, scandal tình ái của Thái Từ Khôn, một nam thần Hoa Ngữ không khỏi khiến bao fan Việt bàng hoàng. Tuy nhiên, một bộ phận fan cuồng lại ra sức bảo vệ thần tượng. Họ không ngừng công kích thậm tệ các cơ quan báo đài, liên tục vào Weibo của nạn nhân để mạt sát và đe dọa. Rõ ràng, vì thần tượng, người hâm mộ không ngần ngại hợp lý hóa cái sai, thậm chí vi phạm pháp luật. 

Thực chất, thần tượng một ai đó là nhu cầu cơ bản của con người, và nó sẽ là một nét đẹp văn hóa nếu người hâm mộ biết nhìn nhận và điều tiết một cách hợp lý nhằm thúc đẩy mình đi lên, trở nên trưởng thành hơn và sống một cách tích cực. Yêu thần tượng nhưng không nên mù quáng, đó là cách để chúng ta xây dựng một cộng đồng người hâm mộ văn minh. 

Tạm kết

Có thể nói văn hóa thần tượng là một liều thuốc giúp người trẻ tìm thấy niềm vui, sự đồng điệu và cảm giác thuộc về, do vậy bản chất của thần tượng luôn hướng tới những giá trị tốt đẹp. Tuy vậy, thần tượng ai và thần tượng như nào cho phù hợp là vấn đề mà người trẻ cần quan tâm. 

Anh Ngọc – Quỳnh Chi

Nguồn ảnh: Internet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.