YMCONLINE.COM – Cách xử lý, giải quyết của cha mẹ khi phát hiện ra con mình xem phim người lớn là chủ đề đang được bàn tán xôn xao trong thời gian gần đây. Sau câu chuyện một người mẹ công khai chỉ trích câu chuyện thầm kín của con mình lên mạng xã hội hàng vạn người, ta bắt đầu đặt ra câu hỏi: liệu những tổn thương tâm lý nào đứa trẻ phải gánh chịu, trách nhiệm dạy dỗ của những người làm cha mẹ ở đâu.
Bản năng cho phép tụi trẻ tò mò
Do sự phát triển tâm sinh lí bình thường, kết hợp với sự can thiệp của môi trường xung quanh và dễ dàng tiếp cận mạng xã hội, nhiều đứa trẻ đã bắt đầu quan tâm về tình dục từ rất sớm. Khi con trai xuất hiện tinh trùng và con gái xuất hiện kinh nguyệt, cơ thể đã bắt đầu nảy sinh ham muốn, hoặc chí ít đã bắt đầu có cảm giác về những người khác giới. Chúng tò mò trước những từ “lóng” đặc biệt, hỏi nhau những câu ngây ngô và thắc mắc trước những điều mà chúng không hiểu tại sao lại xảy ra với cơ thể mình.
Trẻ con, dù bị gắn mác “vắt mũi chưa sạch”, “trẻ con thì biết gì” nhưng khi bị chỉ trích, cấm cản từ cha mẹ, chúng vẫn thấy không được coi trọng, thấy buồn vì ngay cả cha mẹ mình cũng không đặt niềm tin. Chúng có cảm xúc nhưng khi bị gạt bỏ, chúng sẽ cố thủ, xây thêm hàng rào chặn đứng cha mẹ không thể đi vào bên trong.
Khi không thỏa mãn với câu trả lời từ người lớn – những người chúng trông cậy vào, bọn trẻ sẽ tự đi tìm bằng chính nguồn lực chúng có – Internet. Thật không may, những đứa trẻ ấy đang sống trong một thế hệ quá mở, chúng “bơi” trong biển thông tin, mơ hồ tiêu thụ nội dung mà không qua bất cứ màng lọc nào. Tệ hơn, nhiều đứa trẻ không được ba mẹ chỉ cách làm thế nào để “lọc”.
Câu chuyện xem phim người lớn ở độ tuổi trẻ con, chúng ta cần làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, yếu tố nào tác động lên thay vì ở đó tức giận, kêu than, đổ lỗi cho người xấu dụ dỗ.

Mong muốn được thấu hiểu
Nhiều người lớn cho mình quyền kiểm soát triệt để cuộc sống và cảm xúc bọn trẻ, coi thường quyền trẻ em. Họ chọn giải pháp “trừng phạt” với những hành động như mỉa mai, bài xích việc làm của trẻ, sử dụng vũ lực, đặc biệt là “chỉ đích danh” đứa trẻ trên mạng xã hội. Họ đang không hề biết những tổn thương tâm lý cho trẻ là do họ gián tiếp gây ra. Vì chúng có thể bị bạn bè, những người xung quanh trêu chọc, dị nghị, trở thành mục tiêu chế giễu, công kích trên mạng xã hội… Trong khi bản thân đứa trẻ lại không đủ kỹ năng, bản lĩnh lẫn kinh nghiệm sống để đối mặt, dẫn đến suy sụp lòng tự trọng và tổn thương tâm lý nếu không được can thiệp kịp thời.
Hệ quả là, những đứa trẻ này sẽ mặc cảm tự ti, tổn thương tâm lý. Điều này ảnh hưởng tới sự phát triển tâm sinh xã hội của trẻ, ở trường cũng sẽ tự ti xấu hổ khi gặp bạn bè. Dĩ nhiên, ám ảnh tổn thương đó rất khó chữa lành. Hơn thế, điều này có thể mang lại sự kích thích tội lỗi ở trẻ, vô tình tạo thêm khoảng cách với cha mẹ, tiềm ẩn những hành vi làm tổn hại bản thân sau này.

“Giấy trắng” để viết “lời hay ý đẹp”
“Trẻ em là tờ giấy trắng cần phải được dạy bảo đúng mực”. Vậy giấy trắng có nên mãi trắng, nên được tô màu một cách đúng đắn, hay nên để nó tự nhuốm màu?
Cách nhiều gia đình Châu Á nhận định câu chuyện giáo dục giới tính, tính dục và tình dục cho con thật đáng quan ngại. Họ coi nhẹ việc phải giáo dục trẻ từ sớm, họ coi đó là một điều tục tĩu, dơ bẩn có thể vấy bẩn sự trong sáng của trẻ. Vì thế khi thấy con cái tiếp xúc với những ấn phẩm đồi trụy, họ sốc và xử lí một cách bốc đồng. Ví dụ như bà mẹ kia nghĩ rằng đăng lên mạng để cảnh tỉnh các bà mẹ khác, mà không quan tâm tới việc ảnh hưởng đến con mình và chắc chắn sẽ tạo ra chướng ngại tâm lý cho sự phát triển sau này.
Những đứa trẻ hiểu chuyện biết chúng đang lớn và thứ cần nhất bây giờ là sự chỉ dạy đúng cách chứ không phải sự dè bỉu, chê bai từ cha mẹ. Bởi khi cố giữ một tờ giấy mãi trắng bằng một cục tẩy hay bằng một tác động lực, tờ giấy đó sẽ chỉ thêm nhăn nhúm. Cách tốt nhất là chấp nhận tờ giấy rồi sẽ đến lúc phải có con chữ, và viết lên nó những lời nhân từ, tử tế.


Tạm kết
Lằn ranh giữa những tò mò với những cám dỗ tuổi dậy thì là vô cùng mong manh, người lớn cần phải phân biệt rõ ràng để không giận hóa mất khôn. Cha mẹ có thể coi đây là cơ hội vàng để mở lời với con về giáo dục giới tính. Lúc này, điều quan trọng nhất là cho trẻ điểm tựa, sự tin tưởng vô điều kiện từ đó đập tan rào cản, bước vào thế giới và kết nối bên trong những đứa trẻ. Dẫn dắt, chỉ bảo trẻ đúng cách không xuất phát từ sự phán xét, nó nên và cần phải bắt nguồn từ thấu hiểu và cảm thông.
Thanh Mai