YMCONLINE.COM – Kể từ khi phát hành, MV “ghệ iu dấu của em ơi” của nữ nghệ sĩ tlinh đã nhận không ít những chỉ trích là phản cảm. Liệu luồng ý kiến này có thực sự thuyết phục?
Vào ngày 10/2, nữ rapper tlinh đã cho ra mắt ca khúc “ghệ iu dấu của em ơi” trên các nền tảng âm nhạc. Hơn 1 tháng kể từ khi được phát hành, ca khúc gần đây vẫn tạo ra làn sóng chỉ trích dữ dội, cả về mặt hình ảnh lẫn âm thanh, trong đó nổi bật nhất là ý kiến cho rằng, đây là MV phản cảm. Tuy vậy, những nhận xét tiêu cực về MV này vẫn còn chưa thuyết phục.
Phần nghe dễ hiểu, ấn tượng
Thực chất, câu chuyện mà ca khúc muốn truyền tải tương đối rõ ràng: Một cô gái chủ động thể hiện tình cảm với người yêu của mình. Mặc dù đây không phải câu chuyện mới, bởi đã xuất hiện những ca khúc nói về sự chủ động của con gái trong tình yêu như “Cà phê” (Min), “See tình” (Hoàng Thùy Linh), nhưng đây là chủ đề vẫn còn lạ với nhiều khán giả, bởi trong cuộc sống vẫn tồn tại khuôn mẫu cho rằng con trai nên là người chủ động trong chuyện tình đôi lứa. Chính vì thế, ca khúc của tlinh đã góp phần xóa bỏ định kiến này, đề cao vai trò của người con gái trong mối quan hệ, rằng họ hoàn toàn có thể là người tự tin thể hiện tình cảm của mình với bạn trai. Một sản phẩm ca nhạc ảnh hưởng tích cực tới người nghe, đặc biệt là phái nữ, góp phần gỡ bỏ cái mác thụ động của nữ giới trong tình cảm thì không thể đánh giá đây là bài hát sáo rỗng.
Những từ lóng xuất hiện trong bài hát cũng là một điểm gây tranh cãi với thính giả, bởi sự xuất hiện của từ lóng trong ca khúc là điều chưa từng có tiền lệ với những nghệ sĩ chính thống (mainstream). Ngay từ nhan đề, nữ rapper đã tạo sự bất ngờ bởi cách dùng từ “ghệ”. Từ “ghệ” được bắt nguồn từ cách phát âm từ “con gái” của người Pháp, nghe giống “con ghê”, nhưng tới thời quân đội Mỹ xâm lược Việt Nam thì từ ấy được sử dụng như tiếng Anh bồi, hàm ý chỉ những cô gái cặp bồ với binh lính Mỹ. Do đó, từ này được biết đến với sự thiếu tôn trọng tới phụ nữ. Tuy nhiên, với sự thay đổi trong nhận thức, cộng với sự xuất hiện của những trend “Đừng có đụng tới thằng ghệ của tao” hay “Ghệ đẹp” được đông đảo giới trẻ hưởng ứng, từ “ghệ” đã trở thành tiếng lóng quen thuộc với Gen Z ngày nay, được cả nam cả nữ dùng để nói về người yêu một cách dễ thương. Chính tlinh cũng đã chia sẻ trong video “ghệ iu dấu của em ơi (The Making)” rằng cô đã “hóa giải” từ “ghệ” từ một từ ngữ chứa sự thiếu tôn trọng thành một từ đầy yêu thương.

Những từ lóng khác được rapper trẻ tuổi dùng trong bài mang đậm phong cách Gen Z: iu, hăm, bik, ui,…Vốn dĩ, ngôn ngữ không phải thứ bất biến, mà luôn có sự thay đổi theo thời đại. PGS Phạm Xuân Thạch cũng cho rằng: “Bản chất của ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, không dậm chân tại chỗ và vận động cùng với cuộc sống.” Ngoài ra, những từ lóng này đã được các bạn trẻ sử dụng rộng rãi trên mạng xã hội qua các đoạn tin nhắn, dòng trạng thái hay bình luận. Vậy nên, việc đưa từ lóng này vào bài hát đơn thuần là mang tới màu sắc dễ thương, giúp bài hát gần gũi hơn với giới trẻ.
Cách hát (delivery) của nữ nghệ sĩ trẻ này cũng là một điểm nhấn của bài hát. Rapper sinh năm 2000 vẫn trung thành với cách luyến láy theo hướng R&B, nhưng có sự biến hóa trong nhịp điệu (flow). Nửa đầu bài, tlinh sử dụng cách hát lả lướt quen thuộc đã được cô thể hiện ở những ca khúc trước như “Strip ‘em Down” hay “không cần phải nói nhiều” (ft. Hoàng Tôn). Sự lả lướt trong lời hát rất phù hợp để làm bật tình cảm cô dành cho người yêu. Tuy vậy, ở đoạn cuối, khi thể hiện khao khát về một tình yêu bình yên, flow trong lời hát của nữ rapper trở nên nhanh và dồn dập hơn. Có thể thấy, cô đã rất khéo léo, tinh tế trong việc chọn cách hát phù hợp với diễn biến cảm xúc của bài, diễn tả được trọn vẹn tâm trạng của bài hát. Thêm nữa, trong ca khúc, tlinh chọn kỹ thuật hát baby voice (kiểu hát được mô tả là bóp méo chất giọng để giọng hát trở nên yểu điệu, dễ thương), nhưng vẫn tròn chữ, dễ nghe, trái với nhiều ý kiến cho rằng cô hát không rõ lời. Đây cũng là kĩ thuật hát được sử dụng bởi nhiều ca sĩ nổi tiếng, như Khởi My, Lương Bích Hữu, hay nổi tiếng nhất là “công chúa nhạc Pop” Britney Spears. Do đó, tlinh không hề “thều thào” trong ca khúc như nhiều ý kiến chỉ trích.
Phần nhìn quyến rũ
Tranh cãi nằm ở trang phục của tlinh. Xuyên suốt MV, nữ nghệ sĩ xuất hiện với những bộ cánh táo bạo khiến người xem không khỏi chú ý. Có những phân cảnh, cô thực hiện những động tác quyến rũ, gợi cảm trong bồn tắm, hay nổi bật nhất là lúc cô xuống bể bơi, và bộ phận lớn khán giả cho rằng, hành động của nữ rapper gen Z là phản cảm.
Tuy nhiên, những bộ trang phục mà nữ nghệ sĩ này diện lên không hề lố lăng mà ngược lại còn rất gợi cảm. Trang phục quyến rũ đã xuất hiện trong rất nhiều MV ca nhạc “nổi đình nổi đám” trong nước, ví dụ như “Đi Đu Đưa Đi” (Bích Phương), “Tình nhân ơi!” (Superbrother x Orange x Binz),… Bên cạnh đó, những hành động được cô thực hiện không hề khiêu gợi, mà giống như khéo léo khoe những nét đẹp trên cơ thể của mình. Qua MV, cô nàng đã truyền sự tích cực tới những người phụ nữ qua sự tự tin về cơ thể của bản thân. Trước sự xuất hiện tràn lan của những MV mang yếu tố tình dục hóa phụ nữ bằng cách quay thẳng vào những bộ phận nhạy cảm của họ, hay quay cảnh phụ nữ thực hiện những hành động gợi dục, tiêu biểu là “Lái máy bay” (Bình Gold), “ghệ iu dấu của em ơi” là video ca nhạc hiếm hoi tôn vinh nét đẹp của phụ nữ, và vị trí phụ nữ trong mối quan hệ tình cảm nam nữ. Rõ ràng, thật là bất công với tlinh khi cô dám tự tin khoe vẻ đẹp của bản thân mà lại bị gán mác phản cảm.
Đội ngũ ekip của “ghệ iu dấu của em ơi” cũng cho thấy sự khôn ngoan trong việc dàn dựng hình ảnh. Trong MV, màu hồng được lựa chọn làm tông chủ đạo. Đây là tông màu quen thuộc và rất phù hợp cho những bài hát về chủ đề tình yêu, và cũng từng xuất hiện trong nhiều MV nổi tiếng: “7 rings” (Ariana Grande), “Kiss Me More” (Doja Cat ft. SZA),…Một điểm chú ý nữa là sự lồng ghép những hình ảnh mờ ảo vào trong MV. Những phân cảnh được làm mờ ảo đã gây hiệu ứng thị giác cao cho người xem, đồng thời tô điểm thêm cho sự quyến rũ của nữ nghệ sĩ.

Sự cần thiết trong tư duy mở với nghệ thuật
Có thể thấy, những chỉ trích gần đây nhắm vào MV “ghệ iu dấu của em ơi” cho thấy một bộ phận lớn khán giả vẫn còn đang khắt khe thái quá với nghệ thuật nói chung, và âm nhạc nói riêng. Đa phần những ý kiến tiêu cực đều thể hiện những khuôn mẫu đang được áp đặt lên nghệ sĩ như thuần phong mỹ tục, trong khi MV này hoàn toàn không đi quá những quy chuẩn về mặt ngôn ngữ cũng như hình ảnh.
Một nền âm nhạc muốn phát triển bền vững và khỏe mạnh thì cần cả sự sáng tạo của nghệ sĩ và tư duy cởi mở của khán giả. Không thể phủ nhận rằng, trong năm vừa qua, khán giả Việt đã dần cởi mở hơn với những thể loại âm nhạc mới. Bằng chứng là sự lên ngôi của các dòng nhạc mới mẻ với V-pop, nổi bật như “Waiting For You” (Mono) thuộc thể loại city pop, “Mỗi khi anh nhìn em” (Mỹ Anh) thuộc thể loại R&B, Soul, hay “Bên trên tầng lầu” (Tăng Duy Tân) thuộc thể loại deep house, thay vì vị thế độc tôn của Ballad trong suốt nhiều năm. Tuy vậy, khi một nghệ sĩ như tlinh mang tới cái mới trong âm nhạc bằng tư duy sáng tạo, sự đầu tư chỉn chu vào trong sản phẩm, nhiều người nghe đã buông lời chỉ trích nặng nề. Điều đó chứng tỏ, vẫn còn tồn đọng những quy chuẩn quá cứng nhắc của khán giả với nghệ thuật. Không thể yêu cầu tất cả mọi người đều phải yêu thích ca khúc này, bởi gu âm nhạc của mỗi người là khác nhau, tuy nhiên, học cách tôn trọng, tạo không gian sáng tạo cho người nghệ sĩ, học cách góp ý một cách xây dựng cho tác phẩm của họ thay vì hạ thấp thành quả được đầu tư kỹ lưỡng của nghệ sĩ là điều cần thiết cho sự phát triển và đa dạng của nền âm nhạc nước nhà.

Tạm kết
Với sự chỉn chu, đầu tư cho mặt âm thanh lẫn hình ảnh, tlinh xứng đáng nhận được sự ghi nhận với sản phẩm âm nhạc này. Dẫu biết rằng, bài hát này không thể chiều lòng tất cả khán giả, nhưng họ nên tôn trọng, tránh áp đặt những người nghệ sĩ, góp ý mang tính xây dựng để chất lượng sản phẩm được cải thiện hơn, tạo ra không gian sáng tạo và phát triển cho nghệ sĩ.
Minh Hoàng