YMCONLINE.COM – Mới đây, kênh Youtube mang tên bà Tân Vlog với những món ăn siêu to khổng lồ đã thu về một triệu lượt theo dõi chỉ trong một tuần, lọt top tăng sub nhanh nhất thế giới. Điều này làm dấy lên sự hoài nghi về thị hiếu của người xem. Nhiều người, kể cả những YouTuber cho đến người xem, đều cho rằng YouTube Việt đang ngày càng độc hại vì những content vô bổ. Nhưng liệu nguyên nhân vấn đề này có thật chỉ đến từ phía YouTuber – những người tạo ra nội dung.
Người xem dần “mệt mỏi” với những thứ nặng thông điệp
“Xin chào các cháu! Chào mừng các cháu trở lại với kênh bà Tân Vlog”; “Cuộc đời bà 60 nồi bánh chưng…”; “Các cháu thấy bà có ngầu không?”. Đó là những câu nói hết sức quen thuộc, lặp đi lặp lại qua các clip của bà Tân Vlog. Người phụ nữ cao chỉ mét mốt, nặng 32kg nổi lên như một hiện tượng, đạt được thành tích mà các YouTuber lâu năm mơ ước. Lượt sub tăng kỉ lục trong khi các video không đem lại thông điệp đã khiến bà Tân Vlog nhận “gạch đá” từ các YouTuber khác. Người bảo bà Tân nhảm nhí, câu view, thiếu chất lượng, chả có gì hay ho. Nếu người khác phải thuê cả ekip, cùng nhau “vắt não” cho ra content mạnh ganh đua từng đơn vị sub thì chủ nhân kênh YouTube triệu sub còn không biết “content” là gì. Quá đáng hơn, người ta xăm soi, chỉ trích, mỉa mai bà Tân vì chất mộc mạc, thôn quê, những vụng về nấu ăn của bà trong từng clip.

Liệu bà có sai khi làm vậy? Không. Bà nấu ăn, quay lại và đăng lên YouTube cá nhân thì có gì là sai? Người xem thấy bà dễ thương, dễ mến trong cách nói chuyện. Những món ăn siêu to khổng lồ tương phản thân hình nhỏ bé cùng với giọng địa phương ngô nghê, bà Tân giúp người xem giải toả biết bao mệt mỏi. Xem clip của bà Tân, khán giả nhớ về tuổi thơ tràn ngập tình cảm gia đình, niềm hạnh phúc khi sống với anh chị em. Niềm vui giải trí đó là một điều ít ai ngờ, vì hầu hết cũng chẳng ai nghĩ có một ngày mình lại xem một bà già nông thôn nấu ăn mà lại vui vẻ thư giãn đến thế. Khi mà cuộc sống đã quá mệt mỏi và bận rộn, khán giả có nhu cầu tìm đến những điều bình dị, gần gũi là điều hoàn toàn dễ hiểu. Không ai muốn tải vào người quá nhiều việc trong một ngày, giờ lên YouTube lại phải xem những clip mang nặng tính thông điệp sâu xa.

Rõ ràng là kênh YouTube bà Tân Vlog không hề cướp đi miếng cơm manh áo của bất kì ai. Cái bà làm khác hoàn toàn với những YouTuber khác. Khán giả sẽ không vì xem bà Tân Vlog mà ngừng nghe nhạc, ngừng xem phim, ngừng xem các nội dung khác được đầu tư. Khán giả chỉ bỏ đi khi cái họ muốn không được đáp ứng. Bởi vậy, những người làm YouTube thay vì phản đối bà Tân thì hãy làm các video hay hơn, giải trí, phù hợp với thị hiếu công chúng hơn.
Khi YouTuber nói chung là người “hứng đạn”
Chúng ta vẫn thường có thói quen vơ đũa cả nắm. Khi chứng kiến một cộng đồng YouTube đầy rẫy sự nhảm nhí, đánh đồng và đổ thừa trách nhiệm cho các YouTuber là việc ta thường làm. Chửi rủa, miệt thị họ vì những video mang nội dung gây độc với người xem. Điều này giống như việc nhiều người vẫn miệt thị nhà báo chỉ bởi số ít các bài viết “rẻ tiền”, rồi lại quy chụp cho họ câu nói “bé không học, lớn làm báo”. Cộng đồng YouTube hiện tại vẫn còn rất nhiều những video với nội dung chất lượng, nhưng chúng ta vẫn luôn chỉ nhìn vào những khuyết điểm để đánh đồng một cách thiếu khách quan.
Ai cũng công nhận những video của NTN (Nguyễn Thành Nam) (Thử thách nhảy dù bằng ô, thử thách 24h không có tay, thử thách bắt ong tay không,…) cùng hàng loạt những cái tên khác là nhảm nhí, là “độc”. Ai cũng thấy và biết nó ngày càng phổ biến nhưng lại chẳng đi tìm nguyên nhân tại sao những video như vậy vẫn ra đời hàng ngày. Có lẽ, quy luật cung – cầu là hoàn toàn chính xác trong trường hợp này. Theo thống kê của trung tâm nghiên cứu Pew, có tới 81% các bậc cha mẹ cho con cái sử dụng YouTube. Những video với content nhảm và độc được sinh ra để đáp ứng thị hiếu của đối tượng thiếu tính định hướng là trẻ nhỏ. Do đặc tính dễ tiếp nhận thông tin và không thể tự chắt lọc lượng thông tin tiếp nhận nên những video content nhảm và độc đã đánh trúng điểm yếu này. Ngoài ra, một bộ phận cư dân mạng hiện nay đang hời hợt với chính cái mình xem và mình trải nghiệm. Điều này vô hình đã khiến những video nhảm càng có dịp để sinh sôi, phủ rộng.


Chẳng hề có một giải pháp tuyệt đối cho vấn đề này, nhưng để giảm thiểu thì hoàn toàn khả thi. Cốt yếu nhất vẫn là vấn đề giáo dục. Phụ huynh nên hướng dẫn ngay từ đầu chứ đừng để con “làm bạn” với smartphone. Tích cực report những video chứa những nội dung gây độc, đồng thời không xem, bình luận hay chia sẻ những video như vậy. Khắt khe hơn trong việc chọn lựa thông tin sẽ khiến các video nhảm, độc không còn cơ hội ra đời.

Tạm kết
Một là không đổ lỗi cho các YouTuber, hai là không đổ lỗi cho các YouTuber nhiều lần. Những video với content nhảm, gây độc ra đời một phần là do nhu cầu từ phía người xem. Do đó, thay vì đổ hết cho một bên, mỗi người hãy tự xem lại thị hiếu cá nhân để YouTube có thể “thải độc” một cách toàn diện nhất.
Lộc Lương – Hà Trần