Chuyện học Ngoại thương lương nghìn đô: cái nhãn dán chục năm liệu có cũ?

YMCONLINE.COM – Nói về sinh viên FTU, nhiều người hẳn sẽ nhắc đến những mĩ từ “năng động, tài giỏi”. Nhưng bên cạnh đó cũng chẳng thiếu người nghĩ tới “chảnh chọe”.  Đặc biệt chuyện “sinh viên Ngoại thương ra trường là phải lương nghìn đô”, vốn chẳng phải chuyện mới, được đào lại thời gian gần đây đã gây ra nhiều tranh cãi về giá trị của hai chữ “Ngoại thương”.

Ở Ngoại thương, không phải ai cũng là hoa hậu

Thực sự không thể phủ nhận rằng tại Ngoại thương, bạn sẽ bắt gặp được vô số những người tài giỏi. Họ giỏi từ việc học tập, cho đến hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi từ trong nước tới quốc tế. Liên tiếp những tin báo đưa tin rằng nữ CEO Ngoại thương lọt vào danh sách 30 under 30 Châu Á, hay cựu sinh viên FTU được 3 ông lớn là Microsoft, Facebook và Google mời về làm việc. Và chính danh tiếng đó đã khiến mọi người mặc định cứ là Ngoại thương thì phải giỏi, và quan trọng là kiếm được nhiều tiền.

Lê Hàn Tuệ Lâm – CEO Quỹ Nextrans Việt Nam
Shark Nguyễn Mạnh Dũng – CEO quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam & Thái Lan
Nguyễn Minh Quý – Chủ tịch tập đoàn Novaon

Sự thực là, người Ngoại thương luôn luôn năng động và chăm chỉ, nhưng không đồng nghĩa là ai ra trường cũng có một khởi đầu suôn sẻ với mức lương đáng mơ ước. Một bạn sinh viên K54 chia sẻ rằng: “Có những MT mình rớt từ vòng gửi xe, có những cái mình rớt ngay ở final interview. Và sau khi nhìn lại, bạn mình đã đi một đoạn đường khá xa rồi. Mình thì vẫn dậm chân tại chỗ, công việc không ổn định, đến thân mình còn chả nuôi được”. Cũng giống như việc ở Ngoại thương không phải ai cũng là hoa hậu, ở Ngoại thương, không phải ai ra trường cũng làm lương nghìn đô.

Ở Ngoại thương, không phải ai mới ra trường cũng “việc nhẹ, lương cao”

Đây không phải câu chuyện của một người mà là vấn đề của nhiều FTUers, hay rộng ra là của nhiều bạn sinh viên mới ra trường khác. Nhưng phũ phàng ở chỗ, việc quy chụp từ một số người lương cao đã khiến phần đông dư luận nghĩ FTUers chỉ hài lòng với những con số hấp dẫn nên mới thiếu việc, và cho rằng đó là “chảnh chọe”.

FTU chỉ chấp nhận lương cao, liệu có đúng?

Thực hư chăng chuyện sinh viên Ngoại thương “chảnh”?

Quay trở lại với vấn đề “lương nghìn đô” mới được bàn luận gần đây. Chuyện mới mà lại chẳng mới. Đã chục năm kể từ khi được mang ra bàn tán, chủ đề này dường như vẫn cứ “nóng” và trở thành góc xì xào cho những người không-ai-biết-là-ai. Không riêng gì năm nay, cứ đến mùa tuyển dụng, cái tên FTU lại được mang ra làm thước đo cho những suy diễn thiếu căn cứ của nhiều người.

Những định kiến thường chẳng được thốt ra một cách nhẹ nhàng. Chẳng mấy ai nói  “Tôi đã từng làm việc với hàng trăm bạn sinh viên Ngoại thương và thấy họ đều nhảy việc, đòi lương cao và thái độ qua quýt”. Thay vào đó là những câu sáo rỗng và so sánh kệch cỡm như này.

Một số ý kiến của cư dân mạng
Số khác so sánh giữa sinh viên FTU và sinh viên trường khác

Từ trên mạng cho tới ngoài đời, việc quy chụp như thế này chẳng hiếm bắt gặp. Sinh viên Ngoại thương vẫn tài giỏi, năng động và tự tin. Còn mức lương cao hay thấp đến từ sự nhất quán của cả hai bên. Họ có quyền chấp nhận, có quyền từ chối miễn là phù hợp với những khả năng và giá trị mà họ có được. 

Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến trung lập
“Lương” là sự nhất quán giữa người tuyển dụng và người ứng tuyển

Chuyện gán mác bao giờ mới xong

Mùa hè tới cũng là lúc mùa tuyển dụng rộn ràng, lại trùng hợp là mùa tuyển sinh cho các lứa tân sinh viên tương lai nên dường như vấn đề lương sau khi ra trường như một lẽ tự nhiên được nhắc tới. Nhưng nguồn cơ mọi chuyện phải chăng do sự “tự nhiên” ấy, hay do cái tâm lý cộp mác Ngoại thương vẫn chưa được gỡ bỏ hoàn toàn. Và định kiến ấy sẽ tiếp diễn cho tới bao giờ?

Mỗi lứa sinh viên FTU tốt nghiệp là mỗi lần đối mặt với những câu chuyện “chẳng cũ” như trên

Chúng ta đang bước sang thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21 rồi. Trong cái kỷ nguyên của công nghệ số này, chỉ với vài bước tìm hiểu là bạn có thể tìm ra ngay được câu trả lời cho những thắc mắc của mình thay vì ở nhà chỉ trỏ và phỏng đoán. Đó không chỉ là biểu hiện của sự thiếu hiểu biết mà còn là một sự kém duyên đầy ngốc nghếch.

Tạm kết

Có lẽ mùa hè năm sau, hay năm sau nữa câu chuyện này sẽ tiếp tục được bàn cãi. Nhưng mọi vấn đề chung quy vẫn cần được nhìn nhận khách quan. Lời khuyên cho các bạn sinh viên Ngoại thương, hãy vẫn cứ trau dồi, mài dũa để phát huy được mọi tiềm năng của mình, xứng đáng với những gì ta đã bỏ ra.

Quốc Việt

Nguồn ảnh: Internet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.