Ngoại thương có hoa hậu, người mẫu, diễn viên. Sinh viên Ngoại thương đến trường không phải là đi đầu xu hướng thì cũng là cá tính chất chơi. Chuyện FTUer ai cũng đẹp, cũng chất trở thành một niềm tự hào được nhắc lại. Nhưng ở FTU, không phải ai cũng là hoa hậu.
Ngoại thương hay là chuyện “Hôm nay người trẻ mặc gì?”
Người ta chẳng còn lạ gì chuyện FTUer nổi tiếng khắp các lĩnh vực thời trang, nghệ thuật. MC Anh Tuấn, Hoàng Anh Duy, Minh Trang, Thụy Vân,…. Hoa hậu có Mai Phương Thúy, Kỳ Duyên, Đỗ Mỹ Linh hay mới đây là Lương Thùy Linh. Tỷ lệ bạn đến FTU và bắt gặp những người nổi tiếng thậm chí còn cao hơn cả tỷ lệ bạn được thầy Lộc tiếp đón. Nếu bạn không gặp được hoa hậu thì cũng sẽ gặp được người xinh như hoa hậu. Thỉnh thoảng bạn sẽ tự hỏi: “Đây là đâu? Mình làm gì ở nơi này?”




Bên cạnh những người nổi tiếng, FTU còn là nơi hoạt động của các CLB về thời trang, nghệ thuật. Vì thế, chuyện sinh viên diện những bộ cánh đẹp – độc – lạ đến trường không phải hiếm. Ngoài chuyện được mãn nhãn với những con người đẹp hơn hoa, bạn chỉ cần lượn vài vòng quanh sân trường thì sẽ được cập nhập đủ loại xu hướng thời trang. Rồi thỉnh thoảng bạn sẽ (lại) tự hỏi: “Có phải mình đang đi lạc?”
Khi bộ phận đại diện cho toàn thể
Các bài báo giật tít về hoa hậu, MC, ca sỹ ở Ngoại thương, những cá nhân nổi bật ở nhiều lĩnh vực “vô tình” xuất thân từ FTU được gom nhặt lại, vô hình chung tạo nên một “hiệu ứng FTU”. Tương tự như “Sinh viên FTU năng động lắm”, “Học Ngoại thương thì chắc… đẹp lắm” là một trong những nhãn dán khó hiểu, cũng là khó chịu nhất mà tôi từng được nghe.

Ở FTU có rất nhiều kiểu sinh viên. Tuy nhiên, chẳng FTUer nào muốn để bản thân được đánh giá chỉ bởi cái nơi mình đang học, hay tệ hơn là bởi một số “bạn học” của mình. Khi người ngoài nhìn sinh viên Ngoại thương bằng con mắt “giỏi – chảnh – đẹp”, cũng là lúc FTUer muốn khác biệt. Bao gồm cả chuyện giấu đi các mác FTU.
D.L, K55 chia sẻ: “Khi biết tớ học Ngoại thương, ai cũng thắc mắc “Gặp hoa hậu bao giờ chưa?” – “Mai mốt có định đi thi hoa hậu không?”. Thực ra những câu hỏi này làm tớ rất ngại, vì tớ là người không quan trọng ngoại hình. Quần áo thì phần lớn là đồ cũ và đồng phục, nhiều khi ra đường tớ còn không tô son. Những lúc như thế chỉ muốn giấu luôn cái lý lịch FTU. Lắm khi còn xấu hổ vì không muốn sự hơi lôi thôi của mình ảnh hưởng đến hình ảnh của FTU nữa.”
Ngưng dán nhãn
Theo một khảo sát nhỏ do người viết thực hiện, có tới 43% sinh viên được hỏi đã từng cảm thấy tự ti khi xung quanh mình toàn những người xinh đẹp, ăn mặc sành điệu. Vậy là, trường hợp của D.L không hiếm. Trường hợp của những FTUer bớt tự hảo bởi FTU.
Giống như một mẫu được chọn không điển hình, những FTUer xinh đẹp và nổi tiếng lại được chọn để “đánh giá” Ngoại thương. Điều này vô hình chung tạo nên một “nhãn dãn” được đặt cho toàn bộ sinh viên của ngôi trường. Nhưng sự thật là, những người xinh đẹp hoàn toàn không muốn nghe: “Học FTU thì đẹp là cái chắc”, còn những người không (chưa) xinh đẹp thì lại càng không muốn trả lời thắc mắc: “Học FTU thì có thành hoa hậu?”. Cái mác FTU dường như trở thành một sự vô duyên, bởi có nhiều hoa hậu không có nghĩa ai cũng phải là hoa hậu.

Ở Ngoại thương, bạn sẽ bắt gặp cô gái tóc xanh dương, ăn mặc xì-tai ma cà rồng, bấm khuyên mũi, lên nhận học bổng vì thành tích học tập xuất sắc. Cũng có thể bạn nam ngồi bên cạnh, người đi tông màu đỏ, tóc dài tận mang tai, mặc đồng phục nhăn nhúm nhưng kỳ thực là tổng giám đốc của một công ty nào đó. Bất kỳ một nhãn dán nào đều trở thành vô duyên nếu ta chỉ đánh giá từ một phía. Hãy ngưng dãn nhãn cho người khác, và cho chính bản thân mình.
Ngoài hoa hậu, người mẫu, diễn viên, FTU còn có chuyên gia phân tích kinh tế, tổng giám đốc ngân hàng, nhà sáng lập các tổ chức. Nhãn dán “one size fits all” là quá chật hẹp, cho một Ngoại thương không chỉ toàn hoa hậu.
Phương Thảo
Nguồn ảnh: Internet.
Bạn tác giả bài viết ơi, mình nghĩ hoa hậu Mai Phương Thúy tốt nghiệp RMIT chứ đâu phải FTU nhỉ