YMCONLINE.COM – Đọc những bình luận khiếm nhã đến cay nghiệt, tôi không cách nào ngăn bản thân khỏi uất ức thay cho những thí sinh hoa hậu. Tất nhiên tôi không ngăn được dư luận tiêu cực, nhưng ít nhất, tôi nghĩ mình cần minh oan cho tiếng Anh của Hương Ly, Lệ Nam, và cho cả nỗ lực “học” từng bước đi, từng cử chỉ, từng lời nói để xứng đáng với danh xưng hoa hậu của hai cô.
Chung kết Hoa hậu Hoàn vũ kết thúc cũng là lúc người ta thường đổ dồn mọi ánh nhìn về phía Tân Hoa hậu. Kỳ lạ thay, cuộc thi năm nay có những thí sinh dù không phải “hậu” lại chiếm được “spotlight” chẳng kém người chiến thắng, đáng tiếc là theo một cách không mấy tự hào.
Hương Ly (top 5) và Lệ Nam (top 16) trở thành nhân vật chính của nhiều clip lan truyền trên mạng về vấn đề “nói tiếng Anh kém”. Đáng nói, phía dưới mỗi video là vô vàn bình luận tiêu cực, thậm chí miệt thị hai cô gái, với lý do: hai cô nói tiếng Anh dở. Thì ra sau bao cuộc tranh luận, bao bài báo phê phán tốn giấy mực, văn hóa ứng xử trên mạng của khán giả Việt dường như không khá lên là bao. Chẳng những thế, sự việc lần này còn phơi bày thêm lỗ hổng trong nhận thức của khán giả về tiếng Anh cũng như về các cuộc thi nhan sắc.




Tiếng Anh: điều kiện cần nhưng có đủ?
“Tiếng Anh giỏi mới đi thi quốc tế được” – đây là luận điệu biện minh quen thuộc của nhiều “bình luận viên bàn phím” về sự việc nói trên. Không thể phủ nhận, tiếng Anh là một lợi thế trong các cuộc thi sắc đẹp, đặc biệt là cuộc thi quốc tế. Nhưng không phải cứ giỏi tiếng Anh là sẽ thành hoa hậu, và không phải để thành hoa hậu là phải giỏi tiếng Anh.
Tại Miss Universe 2011, Hoa hậu Leila Lopes đến từ Angola giành vương miện mặc dù ứng xử bằng tiếng mẹ đẻ. Cùng năm này, Miss World người Venezuela Ivian Sarcos chiến thắng mặc dù tiếng Anh chỉ ở mức giao tiếp cơ bản. Ngay tại chính Việt Nam, Hoa hậu H’Hen Niê đăng quang và làm nên kỳ tích khi lọt top 5 Miss Universe 2018 mặc dù khả năng tiếng Anh còn hạn chế.

Nhiều chuyên gia và giám khảo của các cuộc thi nhan sắc cũng khẳng định tiếng Anh chỉ là yếu tố phụ. Ngay đến trang chủ Miss Universe cũng không có bất cứ quy định nào về khả năng ngoại ngữ của thí sinh, đủ thấy ngôn ngữ này chưa bao giờ là điều kiện tiên quyết để tìm ra hoa hậu. Bấy nhiêu đó là đủ để thấy, ngoài khán giả Việt Nam ra, chẳng ai quả quyết chắc nịch: “Phải có tiếng Anh mới thi được hoa hậu”.

Tại sao khán giả quan tâm tiếng Anh đến thế?
Giữa hằng hà sa số những tiêu chuẩn làm nên một hoa hậu, tại sao khán giả Việt lại “soi” Tiếng Anh kĩ nhất. Câu trả lời nằm ở tâm lý tôn sùng, lí tưởng hóa tiếng Anh có chọn lọc của người Việt.
Một ví dụ cho thấy người Việt “sính” tiếng Anh ra sao: Khi tra cứu từ khóa “IELTS”, có đến 279 triệu kết quả, nhưng khi tìm kiếm từ khóa “Olympic Toán” – một kì thi tầm cỡ quốc tế nơi đại điện Việt Nam nhiều lần đoạt huy chương, kết quả chỉ khiêm tốn ở mức gần 6 triệu.


Yêu một ngôn ngữ cũng chẳng có gì là sai, nhưng đáng nói là người Việt yêu tiếng Anh theo kiểu có chọn lọc, và cũng vì thế, nhiều người tự “phát minh” ra tiêu chuẩn “giỏi” tiếng Anh riêng. Về nguyên tắc, để đánh giá một ai đó “giỏi” cần đặt người đó trong vị thế so sánh, và với một ngôn ngữ cũng cần xét trên nhiều khía cạnh: từ vựng, ngữ pháp, kĩ năng sử dụng,… Vậy mà nhiều khán giả tự tin đánh giá Hương Ly, Nam Anh “dốt” chỉ bằng vài câu ứng xử trong 90 giây, chỉ vì hai cô nói tiếng Anh… không hay.
Không khó để nhìn ra khán giả đã áp đặt sự tôn sùng mù quáng này lên các thí sinh Miss Universe Vietnam mà gạt phăng đi sự công tâm cần thiết. Lê Thảo Nhi, Á hậu 1 cuộc thi có vốn tiếng Việt hạn chế, xong cô sớm được khán giả “tha thứ”, thậm chí ủng hộ ngược lại vì tiếng Anh trôi chảy, với lý do “sinh ra ở nước ngoài nên tiếng Việt thế là tốt rồi”. Chua xót thay, Hương Ly hay Lệ Nam, những cô gái bị miệt thị một cách tàn nhẫn lại không có được đặc quyền xuất thân như vậy. Mấy ai chịu thông cảm cho một “em bé chăn trâu” Hương Ly, sinh ra tại vùng quê Gia Lai, nơi nhận thức về ngoại ngữ còn hạn chế, hãy một Lệ Nam “miền Tây” sớm phải trải qua nghèo khó và đổ vỡ gia đình?



Tiếng Anh kém: nguyên nhân “out top” hay cái cớ để miệt thị?
Đọc những bình luận khiếm nhã đến cay nghiệt, tôi không cách nào ngăn bản thân khỏi uất ức thay cho những thí sinh hoa hậu. Tất nhiên tôi không ngăn được dư luận tiêu cực, nhưng ít nhất, tôi nghĩ mình cần minh oan cho tiếng Anh của Hương Ly, Lệ Nam, và cho cả nỗ lực “học” từng bước đi, từng cử chỉ, từng lời nói để xứng đáng với danh xưng hoa hậu của hai cô.
Nếu xem lại phần ứng xử của Hương Ly và Lệ Nam tại chung kết Miss Universe Vietnam 2022 bằng cái nhìn công tâm, bất cứ ai cũng có thể nhận ra: Tiếng Anh không phải nguyên nhân khiến hai cô gái này dừng chân. Điểm thiếu sót trong câu trả lời của hai cô là sự thiếu thuyết phục. Lệ Nam muốn truyền tải thông điệp về nghị lực cá nhân, song lại chọn những câu từ quá chung chung đến sáo rỗng, nhiều người lầm tưởng cô “học thuộc lòng” thay vì nói ra suy nghĩ của chính mình. Còn Hương Ly, với một câu hỏi đòi hỏi quan điểm cá nhân rõ ràng và hợp lí về chủ đề LGBT, cô lại để lộ điểm yếu khi trình bày, dẫn đến câu trả lời lạc đề, không đúng trọng tâm với các luận điểm lộn xộn. Cộng hưởng cùng với phần phát âm tiếng Anh chưa chuẩn, nhiều khán giả bỗng có cớ để chê bai rồi quy chụp luôn rằng tiếng Anh kém khiến hai cô gái không thể trở thành hoa hậu.
Rồi một khi đã quyết tâm chê đến cùng, người ta cũng chọn quên và ngó lơ những thành tích mà hai cô đã đạt được trước đó trong cuộc thi, khi Lệ Nam từng giành giải Gương mặt đẹp nhất (Best Face), Đại sứ vì cộng đồng hay Hương Ly với danh hiệu Người đẹp thời trang.
Suy cho cùng, Hương Ly hay Lệ Nam cũng chỉ là nạn nhân của thói ích kỷ, thiếu hiểu biết và lối ứng xử kém văn minh mà một bộ phận khán giả Việt Nam vẫn đang dung dưỡng.
Tạm kết
Lịch sử từng ghi nhận nhiều hoa hậu, người nổi tiếng vướng vào lùm xùm không đáng có, thậm chí rơi vào trầm cảm chỉ bởi vì khán giả Việt Nam quá “khó chiều” và vô lý. Hôm nay có thể là Hương Ly, Lệ Nam thì ngày mai người bị lôi lên giàn “tế sống” bằng những lời miệt thị có thể là bất cứ ai. Và với thói hành xử cảm tính, vô văn hóa như vậy, còn hoa hậu nào dám sống thật với chính mình, hay luôn phải gồng mình lên để hoàn hảo trước mặt khán giả?