"Gửi những đứa trẻ đang và sắp lớn, hẳn các cậu đang suy tư về con đường trước mặt. Tớ cũng thế. Tết này, con đường ấy càng trở nên rõ ràng hơn. Với danh nghĩa là những đứa trẻ đang lớn, chúng ta hãy dừng lại đây và trao đổi về con đường này nhé."

YMCONLINE.COMNếu không thể tiến, cũng không thể lùi, nó có thể chạy thật xa không?

"Họ hướng tớ một nơi thậm chí còn khó tưởng tượng hơn thành phố hạnh phúc... những người rời khỏi Omelas." - Ursula K. Le Guin.
“Họ hướng tớ một nơi thậm chí còn khó tưởng tượng hơn thành phố hạnh phúc… những người rời khỏi Omelas.” – Ursula K. Le Guin.

“Ê, tao bảo này. Tao cóc làm người lớn nữa.”

“Sao mày?”

“Làm người lớn mệt lắm.”

Ừ, làm người lớn mệt lắm. Chập chững trước ngưỡng tuổi 18, hai chữ “người lớn” đeo bám nó. 

Nó không muốn, nhưng lại không có lựa chọn. Ai đó dúi vào tay nó sự sống. Và sự sống choàng lên nó tuổi già.

Những cuộc nói chuyện với người lớn thường khiến nó sợ hãi tự hỏi “Thế giới người lớn là như vậy sao?”. Những lời nói chua chát. Những ánh mắt mệt mỏi. Những cái cười mềm dịu. 

“Người ta nói dối mà không biết mình nói dối.”

Nó thấy đằng sau, một cái bóng gầy guộc, đen thui và nhỏ bé. Nép sau cánh cửa, đôi mắt trong vắt, nhưng không nói. Một cái bóng vẫn luôn đứng ở đấy, có lẽ vậy. Nhưng họ không nghe.

***

Cái Tết này, nó tiến gần đến thế giới của người lớn hơn một chút. Nó cảm thấy những dòng chảy xô mình đi. Nó gồng mình chắn lại. Nhưng sao được. Đành mệt mỏi lê lết bị đẩy đi.

Nó nhìn quanh nó. Những khuôn mặt người lớn mệt mỏi. Kìa, Tết để nghỉ ngơi cơ mà. Tết là phải vui. Mọi người sao thế?

“Rồi con sẽ hiểu thôi. Rồi con sẽ phải chấp nhận.”

Người nói với nó câu đấy, đầu tóc rối bù, mệt mỏi. Chạy qua chạy lại, những giỏ hoa quả, những món quà, va li quần áo về ăn Tết. Người đó ôm đầu, vì để quên xấp tiền mừng tuổi. Rồi dọn nhà, nấu mâm cơm Tết, về thăm họ hàng,… với đứa con nhỏ lẽo đẽo.

Nó với bạn nó, nhìn những ngày Tết trộn lẫn màu đỏ và màu xám. 

“Làm ơn đừng bắt tao làm thế.”

“Sau này tao sẽ không làm vậy đâu.”

Chúng thật xấu xa. Nhưng lại không xấu xa.

Những ánh mắt đổ lên người chúng. Hy vọng, mong đợi, chờ đón. Nhưng không thấy thương cảm. Nó từng đọc ở đâu đó, người lớn từng là những đứa trẻ con. Nhưng họ không nhớ, có lẽ vậy. Hoặc họ bị xô đi, chấp nhận. Nhưng nó không muốn thế. Sợ hãi.

Không thể như thế.

***

“Nổi loạn đi, đừng làm người lớn nữa. Làm trẻ con đi.” 

Không… 

Nó không thích làm trẻ con. Nó chưa từng làm trẻ con, phải không?

Niềm vui khi nhận tiền lì xì, khi được mua quần áo Tết. Niềm vui ngày Tết đến. Vui. Cả buồn, hờn dỗi và giận dữ. Tất cả đã từng ở với nó. Nhưng nó không nhớ gì. Những cảm xúc trôi qua nó. Như thủy triều, lên và xuống. Chẳng hề đọng lại chút gì. Suốt quãng thời gian làm trẻ con, nó tự hỏi nó đã từng sống hay chưa. Tại sao không một giọt kí ức nào đọng lại trong nó? 

Có lẽ, nó chỉ bắt đầu sống mới đây thôi. Khi nó phải vắt não suy nghĩ, khi nó khóc, khi nó đạp nỗi đau xuống và mơ về những ngày mai. Những kí ức ở lại và niềm hạnh phúc không trơn tuột.

Tức là, nó chới với ở ngưỡng cửa giữa người lớn và trẻ con. Nó là gì? Không biết nữa. Nó không hề trẻ con. Nhưng cũng không phải người lớn. Nếu làm người lớn là lê bước trong bầu không khí nghẹt thở, là lội qua vũng bùn của sự chán chường, là những ngày mai cùng màu xám xịt, thì sự sống nó đang trải qua và mơ ước về, không phải sự sống của người lớn.

Nhưng nó phải làm thế nào? Nó thấy những người lớn, đổ ập lên những đứa trẻ, cuốn phăng chúng đi. Tất cả thành một cơn sóng, ùn đẩy nó. Nó thấy nó từ từ bị nhấn chìm. Nhưng không ai nghe nó kêu cứu. Làm sao để nó tự cứu mình đây, khi biển cả này không có bờ.

Và như những người chạy khỏi thành phố Omelas, năm 20 tuổi, có lẽ nó sẽ chạy đi thật xa. Chạy đi đâu? Không biết. Chạy khỏi cái Tết này.

Toriki

Nguồn ảnh: internet.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.