YMCONLINE.COM – Đỗ vào một trong những trường Đại học top đầu của Việt Nam, tại sao tôi không thấy tự hào? Ngược lại, tôi tự ti. Tôi bị lóa mắt trước một Ngoại thương “xinh đẹp, học giỏi, năng động”.
Không chỉ một mình tôi tự ti
Bước vào Ngoại thương, chúng ta nghiễm nhiên được gắn cái mác “xuất sắc”. Khả năng lãnh đạo, GPA 4.0, hoạt động ngoại khóa nổi trội.
Chúng ta có xuất sắc không?
Không.
Tôi biết bạn tôi, một lớp trưởng tự ti vì tiếng nói chưa đủ mạnh để chèo lái đám đông. Tôi biết chị tôi nổi trội trong hoạt động ngoại khóa nhưng lại tự ti vì không giỏi Tiếng Anh. Tôi biết bạn tôi từng là Chủ tịch của một Câu lạc bộ lớn mà không đỗ một Câu lạc bộ nào ở Ngoại thương.
Tại sao chúng ta tự ti?
Nhìn những người xung quanh tôi, tôi không khỏi thắc mắc: Họ đã giỏi thế rồi mà vẫn không tự tin sao? Vấn đề ở đây là gì?
Tôi nghĩ là do cách giáo dục của nước ta còn chưa hiệu quả.
Trước hết, giáo dục chưa cho phép chúng ta nhận ra tiềm năng của mình. Trước khi vào đại học, chúng ta được đánh giá bằng điểm số. Số điểm tỉ lệ thuận với lòng tự tin của chúng ta. Bên cạnh đó, việc chia môn học thành chính phụ khiến chúng ta chỉ tập trung vào một vài môn. Cho dù đó là môn chúng ta không giỏi, không thích, chúng ta vẫn phải cố gắng đạt điểm cao.

Sau khi vào đại học, đặc biệt là Ngoại thương, điểm số không còn là yếu tố duy nhất quyết định lòng tự tin của chúng ta. Chúng ta cần có thêm ngoại hình đẹp, kỹ năng mềm hay hoạt động ngoại khóa để không cảm thấy nhỏ bé.
Vấn đề là, trong suốt thời gian đó, chúng ta theo đuổi những quy chuẩn trên để làm gì? Để vừa lòng gia đình, để bằng bạn bằng bè hay để được xã hội công nhận?
Chúng ta quên mất chính bản thân, những tài năng thực sự cần công nhận.
Thứ hai, giáo dục chưa phát triển tài năng chúng ta đúng cách. Trường Ngoại thương có hệ Chương trình tiên tiến, với giáo trình từ nước ngoài và đội ngũ giảng viên ngoại quốc. Tuy chương trình này nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ, nhiều sinh viên vẫn quyết định đi chuyển tiếp hoặc du học. Tại sao họ cần học ở nước ngoài? Có lẽ họ tìm kiếm những kiến thức thực tiễn hơn. Có lẽ họ muốn tiếp xúc với phương pháp giảng dạy hiệu quả hơn. Có lẽ họ muốn học tập trong một môi trường khai phá tiềm năng của họ tốt hơn nữa.
Vậy phải làm thế nào để tự tin?
Câu trả lời rõ nhất có lẽ là hãy phát triển nền giáo dục. Nhưng giải pháp đó là một quá trình dài và có lẽ những thế hệ sau sẽ được hưởng lợi ích nhiều hơn.
Vậy còn thế hệ này, chính chúng ta đây, làm sao để tự tin?
Chấp nhận.

Chúng ta sinh ra với những thiếu sót không thể sửa được. Vì thế hãy chấp nhận. Chấp nhận rằng tôi không giỏi Ngoại ngữ, rằng kỹ năng mềm của tôi còn kém, rằng tôi vốn dĩ đã thế rồi.
Nhưng chấp nhận không phải tự huyễn chính mình. Chấp nhận và cố gắng. Đầu tiên, hãy hướng tới con người mà chúng ta muốn trở thành. Sau đó tìm cách đạt được điều ấy.
Tạm kết
Trong Frozen II, có một câu nói rất hay “Do the next right thing”, tức là “Hãy làm việc đúng tiếp theo”. Có lẽ bây giờ cả bạn và tôi đều chẳng biết chúng ta muốn gì. Nhưng hãy cứ làm việc đúng tiếp theo đi. Chúng ta còn trẻ mà, nhỉ?
Thụ Thần
Nguồn ảnh: Internet