YMCONLINE.COM – Chiều hôm qua, tôi còn nghe bà cãi nhau với mấy người bạn già hàng xóm. Bà tôi bảo, Cô-vy cũng đâu có gì ghê gớm, chẳng qua con người ta thích phóng đại mọi thứ, có một rước lên mười. Tất nhiên lời nói của bà tôi thu về “một trận gạch đá”. Để kết thúc cuộc tranh luận nảy lửa, mọi người đi tới kết luận, rằng bà tôi đã có dấu hiệu của “bệnh” lẩn thẩn. Dường như đó cũng là lời giải thích thuyết phục nhất cho thứ tình cảm sai trái mà bà tôi dành cho Cô-vy.
Tôi đang sống trong những ngày kỳ lạ nhất đời mình. Đón bình minh khi mặt trời đã lên đến đỉnh núi, và đi vào giấc ngủ khi lũ gà trống chí chóe tranh nhau một chỗ đứng vững chãi trên hàng rào nứa để cất tiếng kêu inh ỏi sớm mai.
Nhưng hôm nay, tôi quyết định dậy thật sớm. Một sớm hiếm hoi sau chuỗi ngày “ngủ đông” dài hạn.
Sau một hồi đấu tranh tư tưởng quyết liệt với chính mình, cuối cùng tôi cũng có thể lết tấm thân nặng trĩu ra khỏi chiếc giường êm ái – nơi vẫn được mẹ tôi gọi là cái ổ lợn.
Thành thực mà nói, rõ là tôi đã bỏ lỡ những điều tuyệt vời mà việc dậy sớm đem lại trong suốt 3 tháng qua, những điều mà tôi đã chiêm nghiệm được chỉ trong 1 sáng hôm nay.
Tôi ngồi bệt xuống thềm cửa, hít thở những hơi thật sâu, muốn gom hết không khí tươi mát nhẹ bẫng và thoảng mùi hoa bưởi thanh thoát nhét đầy lồng ngực. Con Lu vẫn nằm xoãi ra, lim dim mắt, gật gù ngủ trên nền sân gạch đỏ thẫm, loang lổ những mảng rêu xanh đen và ướt hơi sương. Mùi khói bếp thơm nồng ngai ngái làm không gian xung quanh tôi trở nên âm ẩm và có chút mềm.
Bà tôi không ở nhà. Trong bếp chỉ có nồi nước lá chè xanh đang ùng ục sôi.
Mọi năm tôi chỉ về quê mỗi dịp Tết. Thực ra năm nay cũng thế, chỉ là kì nghỉ Tết này của tôi có chút dài.
Con Lu đã dậy từ lúc nào, nó lừ đừ tiến lại chỗ tôi ngồi, cọ cái thân mình đầy lông lá vào chân tôi rồi rên ư ử, ra điều quấn quít lắm. Bố mẹ tôi từ ngoài vườn đi vào. Trông thấy tôi ngồi chễm chệ trước hiên, vẻ bất ngờ trên khuôn mặt bố tôi lộ rõ, như thể đang chứng kiến một chuyện hiếm có trên đời vậy.
– Ái chà, kinh nhỉ, thảo nào sáng nay mặt trời lên từ đằng tây.
Mẹ tôi cười khúc khích, tay cầm cốc nước chè xanh còn nghi ngút khói.
Bố mẹ tôi đều làm ở nhà máy bia rượu, lệnh cách ly dĩ nhiên buộc công ty đóng cửa 1 thời gian. Cứ như vậy cả 2 nhàn rỗi đến mức nảy sinh ý muốn về quê trồng rau nuôi cá.
Bà tôi đã đi chợ về. Tiếng lạch cạch ngoài cổng, tiếng bước chân chậm rãi và cả tiếng bà tôi có chút lanh lảnh.
– Hôm nay chợ chán thật, nhặt mãi mới được mấy con tôm con tép. – Bà tôi khệ nệ xách cái làn tre đi vào, bó hoa loa kèn trên tay lòe xòe che mất nửa khuôn mặt bà.
– Mẹ lọ mọ đi chợ sớm thế làm gì, sao mẹ không nghỉ thêm cho khỏe! – Bố tôi vội đỡ cái làn trên tay bà, định đem vào trong bếp.
– Mẹ dậy sớm quen rồi, ngày xưa đi chợ buôn hàng xáo còn dậy từ lúc nửa đêm ấy chứ. – Bà tôi vỗ ngực tự hào. Bà lúc nào cũng thích nhắc chuyện ngày xưa.
Tôi cũng xun xoe chạy ra, lục lọi cái làn của bà. Sáng nào bà tôi cũng mua quà sáng cho cháu dù cho tôi ngủ đến tận giờ cơm trưa. Bà tôi thấy thế thì cười, chìa ra trước mắt tôi bịch bánh xèo còn nóng được bà bọc trong lá chuối.
– Của con đây này. Bánh cô Hà làm đấy. Nhà máy dệt tạm đóng cửa nên cũng vẽ ra làm bánh bán, kiếm mấy đồng ra vào.
Tôi nhồm nhoàm nhai mấy chiếc bánh. Thời buổi dịch bệnh đúng là ảnh hưởng lớn tới kinh tế hộ gia đình.
– Không biết bao giờ cái “con” Cô-vy này mới chịu đi cho dân còn làm ăn. Miệng ăn núi lở, kiếm không ra mà cứ ăn tiêu như thế này thì đúng là gay go thật! – Bố tôi thở dài, cảm thán một câu.
– Làm gì mà anh chị cứ loạn cả lên. – Bà tôi hơi bĩu môi – Có chết đói được đâu, không làm ra tiền thì tôi nuôi.
Bố tôi cười trừ, lắc đầu:
Mẹ cứ nói thế, không đi làm một hai tuần còn được chứ cứ nghỉ trường kỳ cả tháng làm sao được. Chưa kể bao nhiêu tiền của nhà nước, bao nhiêu người vất vả, mà lại nguy hiểm chết người chứ có đùa đâu. Đấy, mẹ xem, như thằng Thành, con Thương bây giờ đang nai lưng ra làm rõ khổ, chẳng biết thế nào mà lần. – Chú tôi là bộ đội còn cô tôi là y tá. Cả 2 người đều đang công tác trong khu cách ly trên Bắc Giang.
– Tôi đã thấy chết người nào đâu. Anh tưởng tôi già cả không biết gì à. 2 đứa nó ăn lương nhà nước thì làm việc chút có sao. Mà anh cứ làm như bọn nó đi vào chỗ bom rơi đạn lạc chẳng bằng! – Bà hơi cao giọng, tỏ vẻ không hài lòng với bố tôi.
– Mà tôi nói chứ, Cô-vy cô vủng tí cũng tốt. Đấy, như hôm nay tôi đi ra đường, chả có mống người nào, chợ búa cũng thưa thớt hẳn, nhẹ cả người, khỏi phải chen lấn, tranh cướp nhau.
Bà tôi có chút giận dỗi, giật lấy cái làn trên tay bố tôi rồi bỏ vào trong bếp.
Bố tôi ngẩn người, tự kiểm điểm lại lời nói của mình xem có gì không phải mà khiến bà tôi phật ý. Mẹ tôi an ủi bố, rằng người già trái tính trái nết, hay giận lẫy con cháu. Nhưng tôi thấy có chút gì đó kỳ lạ, không giống mẹ tôi nói cho lắm. Bà tôi, hình như không thích nghe người ta nói về “Cô-vy”.
Chiều hôm qua tôi hẵng còn nghe bà nói chuyện cùng mấy người bạn già hàng xóm. Bà tôi bảo, mọi người cứ thích làm quá lên, Cô-vy cũng có cái gì ghê gớm, có 1 mà dân ta cứ thích rước lên đến 10. Sau “phát ngôn gây sốc” của bà tôi, cuộc trò chuyện rôm rả hẳn lên. Đứng trước “búa rìu dư luận” bà tôi vẫn một mực khăng khăng. Để chốt lại cuộc tranh luận nảy lửa, mọi người thống nhất rằng bà tôi đã bắt đầu có dấu hiệu của “bệnh” lẩn thẩn.
Bố mẹ tôi cũng bảo thế. Dường như đó cũng là lời giải thích thuyết phục nhất cho thứ tình cảm sai trái mà bà nội tôi dành cho Cô-vy.

Dạo này, bà tôi đúng là xuất hiện nhiều bệnh người già hơn hẳn. Tai bà nghe không còn rõ như trước, trí nhớ cũng kém đi nhiều.
Có bữa, bà tôi sang trông cháu cho chú út tôi. Giữa chừng, bà nhớ ra chưa cho gà ăn, gửi thằng bé sang hàng xóm rồi chạy về. Loanh quanh thế nào bà tôi quên luôn “nhiệm vụ”. Đến trưa, bố mẹ thằng bé về chẳng thấy con đâu mới loạn lên đi tìm. Tất nhiên bà tôi cũng chẳng nhớ đã gửi nó bên nhà hàng xóm. Thế là cả nhà tôi được một phen hú hồn hú vía.
Những chuyện nhớ nhớ quên quên của bà tôi nhiều tới mức có thể viết thành sách. Có lúc, bà tôi cho gà ăn tới cả chục bữa một ngày, lại có hôm giặt 1 bộ quần áo tới hai, ba lần.
*****
Nắng đã lên đến đầu ngọn sào, trải dài từng vệt sáng lóa mới tinh trên những mái ngói già cỗi phủ đầy rêu phong. Tôi thích ra vườn vào những lúc nắng đã lên cao. Những tia sáng tinh khiết lọt qua kẽ lá, như qua một tấm màng lọc tự nhiên và xanh mướt, chiếu xuống những góc tối ẩm ướt xám xịt và hắt lên đó một màu tươi mới nhè nhẹ. Bà tôi đang lúi húi trong vườn. Đôi tay nhăn nheo, lốm đốm đầy những vết đồi mồi nâu xỉn chậm rãi ngắt từng ngọn mồng tơi xanh non uốn éo trên hàng rào mắt cáo. Nắng chiếu lên khuôn mặt già nua ám màu thời gian của bà.
– Ngày xưa thằng Minh, thằng Thành thích nhất ăn canh rau mồng tơi nấu với đầu tôm. Cứ hôm nào có món đấy, hai anh em nó dù đang chơi ở xó xỉnh nào cũng “đánh hơi” được rồi mò về ngay. – Bà tôi vẫn luôn tay, đôi mắt bà hơi nheo lại, có lẽ là vì ánh nắng.
Mẹ tôi đáp lại gì đó, tôi không nghe rõ, chỉ thấy bà cười. Và bà tôi lại bắt đầu hồi tưởng quá khứ.
Bà tôi có thể quên những chuyện của hiện tại, dù cho có là những điều đơn giản nhất, nhưng lại nhớ như in những chuyện ngày xưa xa lắc xa lơ. Tôi không biết có phải do thế lực siêu nhiên nào đó hay không, nhưng chắc hẳn đó là một điều diệu kỳ.

Trời đã về chiều. Những vạt nắng mờ dần rồi tắt hẳn. Mây tụ thành từng gợn lãng đãng nhàn nhạt trên nền trời màu đỏ tía. Đàn vịt nhà ai đi lội nước về ngang qua cổng, kêu quang quác, ầm ỏm một đoạn đường làng. Nền trời cứ ngả dần, chuyển sang màu tím rồi lại xanh đen. Đến khi những vệt mây chỉ còn mỏng và trong như khói, hòa lẫn với màu tím đen của trời, mảnh trăng mờ đục ẩn hiện thất thường và thi thoảng một đốm sao, đàn gà cũng lục đục kéo nhau lên chuồng, bà tôi mới vào nhóm bếp.
Người làng tôi thường nấu cơm từ rất sớm, ăn cơm cũng sớm. Chỉ có bà tôi, chỉ có nhà tôi là thường nổi lửa khá muộn. Tôi cầm cái que cời sắt, khều khều mấy cục than đã bắt đầu nhen lửa. Mùi củi cháy, mùi than ngậm khói nồng đượm. Trấu bén lửa kêu lách tách, khói từ bếp củi bốc lên làm hai mắt tôi cay xè.
Trên nhà, ti vi đang chiếu bản tin về Covid-19.
Tôi quay sang nhìn bà. Bà tôi đang thêm vào bếp mấy thanh gỗ mục khô. Bà tôi đã trung thành với cái bếp củi vài chục năm nay. Bà chê đồ nấu từ bếp ga hay nồi điện. Bà bảo nấu bằng những thứ đó, đồ ăn có vị “công nghiệp”. Bà tôi thường có những suy nghĩ ngược đời và kỳ cục như thế.
– Sáng, trưa rồi lại tối. Mấy ông trên đài suốt ngày ra rả cái Cô-vy, bảo sao dân tình không sốt ruột. – Bà tôi cằn nhằn, lông mày hơi nhíu lại làm những nếp nhăn trên trán xô ép vào nhau, càng lộ rõ.
– Họ cũng vì muốn mọi người cẩn thận hơn thôi mà bà. Lỡ mọi người đều chủ quan rồi dịch bùng phát mạnh thì nhiều người khổ. – Tôi khẽ thì thầm, hơi đề phòng, sợ bà tôi sẽ không vui.
Nhưng bà tôi chẳng nói gì. Bà chỉ im lặng ngồi xuống bên cạnh tôi, nhẹ nhàng đảo nồi cơm trên bếp. Tôi cũng không nói gì nữa. Không gian xung quanh chúng tôi yên ắng lạ thường. Chỉ có tiếng tí tách từ cái bếp lửa. Và tiếng thở hắt ra nhè nhẹ của bà. Không khí xung quanh như đọng lại, đặc quánh mùi khói.
– Bà già rồi.. – Bà tôi bỗng thầm thì – như người ta bảo ấy, bà già rồi nên lẩn thẩn và trái tính trái nết.
Tôi nhìn bà tôi. Bà vẫn chăm chú nhìn vào cái bếp lửa.
– Không phải bà không biết dịch bệnh thì lắm người phải khổ. Không phải bà không biết các con bà đang vất vả. Bà chỉ nhỏ nhen và vô tâm. – Lời nói của bà làm tôi ngạc nhiên. Bà không nhìn tôi. Trong mắt bà chỉ có ngọn lửa.
– Bà chỉ còn có một mình ở đây. Bà muốn được ở bên gia đình mình. Nhưng dù là thế, bà lại không rời xa được cái làng này. Bà không nỡ bỏ lại cái nơi đã gắn bó cả đời mình để lên phố ở với các con các cháu… Bà không nỡ rời xa nơi duy nhất từng có ông con. – Bà phả thêm vào đám lửa vài nắm vỏ trấu. Lửa cháy dịu lại, nổ lép bép.
– Mấy đứa nó bận rộn suốt, quanh năm tất bật, vất vả. Tranh thủ ngày lễ tết được nghỉ mới về một tí rồi lại vội vã đi ngay. Chắc cả đời chúng nó cũng chẳng được thêm cái dịp nào nghỉ dài như này nữa.
Bà tôi ngập ngừng, dường như có thứ gì đó mắc ở cổ họng làm bà nghẹn ứ lại. Mãi một lát sau, bà tôi mới nói tiếp:
– Bà mừng vì con cháu về với mình, vì bà được ở bên gia đình mình ngay chính trong căn nhà này. Bà có cảm giác được quay về ngày xưa, hồi các con bà hẵng còn bé tí, hồi ông nội con vẫn còn. Bà thấy mình được sống lại những ngày đẹp nhất đời mình, nhưng trọn vẹn hơn. – Bà nhìn tôi chăm chú, đưa tay lên lau vết nhọ lem nhem trên má tôi. Đoạn, bà lại nói tiếp:
– Cô chú con vào ngành, ấy cũng ngót hai chục năm nay rồi. Hồi xưa bà mừng vì bọn nó làm cái nghề cao đẹp…. Nhưng sự thay đổi thế hệ cũng làm lòng người thay đổi. Hóa ra người ta cũng chẳng còn trân trọng những người như bọn nó giống ngày xưa. Xã hội bây giờ chỉ xem đó như một cái nghề kiếm cơm, không hơn chẳng kém. Bà vẫn tự hào, nhưng bà thương chúng nó quá.
Một làn gió nhẹ ngoài sân ùa vào, thổi làn khói từ bếp xộc thẳng vào mắt mũi tôi cay xè. Hình như khói cũng bay tới chỗ bà, tôi thấy khóe mắt bà hoe đỏ và long lanh nước.
– Bấy lâu nay, bà luôn thấy có tội với chú con. Vì đã ép nó đi theo cái nghiệp của bố nó. Chú con ngày xưa mê cái nghề buôn bán. Nó học toán giỏi, tính cách lại hướng ngoại, hoạt bát. – Mắt bà tôi nhìn trân trân vào đám bồ hóng đen kịt trên bức tường trước mặt, bà tôi đang về lại những ngày xưa.
– Hôm bữa, chú con gọi về nhà. Nó vui lắm. Ở trong khu cách ly, người ta quý chúng nó. Cả đời đi làm bộ đội, bà chưa thấy nó vui như thế bao giờ. Chỉ khi có Cô-vy, chỉ khi người ta rơi vào hoàn cảnh như thế này, họ mới thật sự nhận ra, rằng những người như chúng nó đáng quý tới nhường nào. Cũng chỉ có lúc này, lòng bà mới nhẹ nhõm được phần nào. Bà ích kỷ, nên bà thích Cô-vy.
Bà tôi quay mặt đi, lấy vạt áo lau vội dòng nước nóng hổi mới trực trào khỏi khóe mắt. Bà tôi luôn tỏ ra thật mạnh mẽ. Có lẽ vì thế, bà luôn sợ mọi người thấy bà khóc. Nhưng chắc bà tôi không biết, rằng đôi khi, chỉ người mạnh mẽ mới dám khóc.
– Nếu mọi người đều thích Cô-vy thì cũng tốt mà bà nhỉ!
Bà quay lại nhìn tôi. Đôi mắt bà ánh lên vẻ khó hiểu. Tôi thấy hình mình trong đôi mắt bà, như một tấm gương trong suốt và sâu thẳm.
– Bà chẳng bảo, thương cho roi cho vọt còn gì ạ? Mọi người phải thấy “thương” thì mới cho Cô-vy roi vọt được chứ. Bà thấy có đúng không?
Bà tôi cười, rất nhẹ. Tôi cũng cười. Tôi cầm lấy tay bà, đôi tay gầy guộc và thô ráp những vết chai sạn.
– Bà ơi, sau này, cháu sẽ về với bà thật nhiều nhé!
Mắt tôi cay xè. Mắt bà tôi cũng thế. Dù không có cơn gió nào và khói cũng không ùa vào mắt bà cháu tôi.

Nồi canh mồng tơi trên bếp tỏa khói nghi ngút. Ngoài sân, con chim cu gáy đã bay về tổ, gật gù kêu mấy tiếng trầm đục. Lác đác trong làng nghe tiếng chó sủa râm ran, tiếng người đi làm đồng về trễ quát mấy đứa trẻ con còn lêu lổng ngoài đường. Bố tôi vác chiếu ra trải giữa sân. Con Lu lượn lờ quanh mấy gốc cây trong vườn, ngấu nghiến nhai vài ngọn cỏ dại rồi nằm thở hổn hển. Mùi đất thơm nồng, vài con chuồn chuồn bay là là tầng thấp, đáp trên ngọn những bụi hoa dại mảnh dẻ. Mây từ đâu kéo về, cuộn thành từng cục chắc nịch và nặng trĩu. Tro bếp còn chưa nguội, theo từng đợt gió, cứ toan cháy bùng lên rồi lại thôi. Đêm nay, hẳn sẽ có một trận giông lớn.
Bà tôi từ trong bếp đi ra, bê niêu cơm còn nóng hôi hổi. Mẹ tôi nhanh tay đỡ lấy, đặt lên miếng lót nồi bằng vải bông ố màu đã đặt sẵn dưới chiếu. Cả nhà 4 người chúng tôi ngồi quanh chiếc mâm đồng cũ rích, khói từ mấy món ăn tỏa ra ngào ngạt, hương vị thôn dã trùm lên không gian xung quanh tôi.
Bà tôi lại bắt đầu ôn chuyện quá khứ – điều bà vẫn thường làm trong bữa cơm chiều. Những mẩu ký ức rời rạc, hoen ố theo lời kể của bà, như một thước phim quay chậm, không màu, nhưng rõ nét. Mùi hương ngai ngái của đất mỗi lúc một nồng và đậm, tan thật êm vào tiếng kể chuyện ngắt quãng của bà tôi.
*****
Càng về khuya, gió càng thổi mạnh hơn, luồn qua từng ngóc ngách, thổi tung những làn bụi đỏ ngầu. Mây cũng mỗi lúc một nhiều, dày hơn, nặng hơn, kéo nền trời màu xanh tím sập xuống và chuyển hẳn sang màu xám đen, của giông, và của đêm tối. Không còn thấy trăng và sao nữa, dường như bầu trời cũng trở nên mờ và đục hơn. Mấy tán dừa khô xào xạc, dưới những tàng cây ngoài vườn, côn trùng cũng náo loạn tìm một nơi trú ẩn.
Bố mẹ tôi vẫn ngồi với bà ngoài hiên. Ấm chè đã thêm nước tới lần thứ ba. Những câu chuyện vẫn tiếp tục, lan man và dài dằng dặc như màn đêm đen kịt phía xa kia. Tiếng ếch kêu, tiếng gió thổi ào ào. Lấp loáng có mấy vệt sáng lóa lên, trắng và sắc. Sấm ì ầm, và chớp rạch lên nền trời vốn nặng trĩu những nhát sắc lẹm như dao cau. Tôi nhìn ra cửa sổ, nơi bầu trời chỉ toàn mây đang ầm ì sa xuống. Từng hạt mưa đầu tiên nặng trĩu đã rơi. Một rồi lại hai. Lộp độp. Tí tách. Mưa mỗi lúc một to. Trong tiếng mưa rơi ồn ã, mọi thứ bỗng trở nên yên ắng và bình lặng. Tôi quấn chặt chăn, cuộn tròn trên chiếc giường êm ái. Mí mắt tôi dần khép lại, mặc cho sấm chớp vẫn đì đùng ngoài kia. Chẳng có gì đáng lo lắng, vì ngày mai, hết mưa, trời lại sáng.
Hạt Mè
Nguồn ảnh: S.hee