YMCONLINE.COM – Ngày 26/01 vừa qua, Kawai Start-up fair – Hội chợ khởi nghiệp 2019 đã được tổ chức tại Lotte Observation Deck, tầng 65 tòa nhà Lotte bởi CLB Nhà doanh nghiệp tương lai trường đại học Ngoại thương – TEC . Với chủ đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các dự án khởi nghiệp”, hội chợ đã mang đến những chia sẻ bổ ích từ những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence) ở Việt Nam.
Hội chợ diễn ra trong khuôn khổ vòng 2 của cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawai – cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp dành cho các bạn trẻ từ 18 – 25 tuổi, được tổ chức thường niên từ năm 2006 bởi TEC – CLB nhà doanh nghiệp tương lai, đại học Ngoại thương. Cuộc thi đã trở thành nền tảng cho nhiều dự án khởi nghiệp thành công như Kenh14, Ybox, ColorMe,… Từ năm 2014, nhận được sự bảo trợ của Đại sự quán Nhật Bản, cuộc thi đã khẳng định vị trí của mình với vai trò là vườn ươm cho nhiều dự án khởi nghiệp xuất sắc.
Tiếp nối sự thành công của Kawai Start-up fair 2018, Hội chợ khởi nghiệp 2019 lần này trở lại với sứ mệnh mang đến cho người tham dự góc nhìn tổng quan nhất về kinh doanh khởi nghiệp. Hội chợ cũng đồng thời là cơ hội để Top 10 cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawai trình bày ý tưởng khởi nghiệp của mình với các nhà đầu tư và toàn thể khách tham dự.

Hội chợ thu hút sự tham gia của rất đông các bạn trẻ.

Hội trường chính của hội chợ.
Trí tuệ nhân tạo và ngành ngân hàng
Hội chợ mở đầu với phần Solo Speech của anh Lê Công Thành, giải nhất Công nghệ thông tin triển vọng Nhân tài Đất Việt 2016 với sản phẩm Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội (SMCC), hiện đang làm giám đốc công nghệ của InfoRe Technology. Theo anh, “dữ liệu là một nguồn dầu mỏ mới” vì khai thác hiệu quả có thể mang lại những lợi ích khổng lồ. Hiện tại, ở InfoRe AI tập trung xử lý 3 loại dữ liệu chính: ảnh, giọng nói và văn bản. Từ những thông tin công khai trên mạng xã hội của người dùng như tiểu sử sơ lược, mối quan hệ bạn bè, tương tác và suy nghĩ xã hội, AI đưa ra biểu đồ tổng hợp hơn 40 tỉ mối quan hệ, so sánh giữa những người bất kì để tìm ra chỉ số tương đồng và chia vào các nhóm đối tượng khác nhau.
Anh chia sẻ những hoạt động của InfoRe trong việc ứng dụng những dữ liệu đã được AI phân tích vào ngành ngân hàng. Nhờ vào hệ thống nhận diện khuôn mặt, AI giúp các ngân hàng phân loại khách hàng, nhận diện khách hàng VIP, đồng thời phân tích những dữ liệu khách hàng trên mạng xã hội. Từ đó, ngân hàng có thể đưa ra được chính sách chăm sóc khách hàng phù hợp nhất.
Đồng thời, AI cũng xử lí những dữ liệu vô thức của khách hàng như cử chỉ, hành động, tốc độ nói, ngừng nghỉ, từ đó đưa ra dự đoán về mức độ tin cậy của khách hàng. Dựa vào đó, ngân hàng có thể đưa ra những quyết định quan trọng như có nên cho vay vốn hay không.
Anh Lê Công Thành cũng đưa ra lời khuyên cho những bạn sinh viên ấp ủ ước mở khởi nghiệp với AI: “ Làm AI không nhất thiết phải là người làm kỹ thuật, quan trọng phải biết và thấu hiểu AI làm được những gì.”
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong những dự án khởi nghiệp
Bước vào phần Panel discussion, những người tham dự được gặp gỡ những diễn giả tên tuổi trong giới khởi nghiệp với trí tuệ nhân tạo: anh Trịnh Xuân Tuân, CEO và Founder của NextSmarty, công ty hàng đầu Việt Nam về xử lý, nhận diện hình ảnh; anh Nghiêm Xuân Bách, hiện đang là Giám đốc phát triển chiến lược của quỹ khởi nghiệp Cinnamon AI Labs – quỹ ươm mầm khởi nghiệp dành cho các công ty công nghệ – tại Đông Nam Á; anh Trần Việt Hùng, người sáng lập GotIt!, ứng dụng giáo dục giúp học sinh, sinh viên tìm hướng dẫn cho bài tập của mình qua, từng xếp vị trí thứ hai về lượng download trong mảng giáo dục của Mỹ. Dẫn dắt cuộc thảo luận là chị Lê Hàn Tuệ Lâm, hiện đang là Giám đốc đầu tư Công ty Base.vn, nền tảng thống nhất Quản trị & Điều hành doanh nghiệp, từng là sinh viên Đại học Ngoại thương.

Panel discussion cùng các vị diễn giả.
Khi được hỏi quan điểm về chủ đề đang được nhắc đến nhiều nhất ngày nay – Cách mạng Công nghiệp 4.0, cả ba diễn giả đều bày tỏ ý kiến rằng không quá ủng hộ thuật ngữ “4.0”. Anh Trịnh Xuân Tuân cho rằng: “Dù AI hay không AI, thì công nghệ cũng chỉ là công cụ giúp đỡ con người, và dù là sinh viên thuật hay kinh tế thì đều có thể tiếp cận được với AI, chỉ cần có đam mê”. Anh cho rằng, trước khi bước vào AI thì hãy cố gắng học tốt những môn nền tảng ở Đại học như toán cao cấp, sắc xuất thống kê,…
Start-up đến gần hơn với nhà đầu tư và người tiêu dùng
Tại Hội chợ Khởi nghiệp lần này, các đội thi đã có cơ hội thuyết trình đề án của mình được lắng nghe những ý kiến đóng góp, nhận xét từ những nhà đầu tư xuất sắc.

Các đội

Hội đồng nhà đầu tư đưa ra nhận xét cho các đội thi .
Không chỉ vậy, song song với sân khấu là khu vực Booth Exhibition – triển lãm trưng bày sản phẩm TOP 10 đội thi xuất sắc nhất Khởi nghiệp cùng Kawai 2019. Tại đây, khách tham dự được tự do tham quan, trao đổi và kiểm chứng cho startup, đồng thời mở rộng Networking khi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ với các đội thi, nhà đầu tư và những doanh nghiệp lớn. Qua đó, nhiều khách tham dự cũng có cơ hội đóng góp ý kiến của mình, chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu cho các đội thi và bỏ phiếu bầu cho đội thi mình yêu thích.

Khách tham dự tự do tham quan sản phẩm của các đội thi.
Cuối cùng, giải Nhất Đội thi được yêu thích đã gọi tên ShareCarforAds – Agency cung cấp dịch vụ quảng cáo OOH In-car và Out-car, kết nối những tài xế với những doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo. Giải Nhì thuộc về đội thi Etika – hệ sinh thái du lịch trải nghiệm văn hóa các dân tộc thiểu số với giá trị cốt lõi là chia sẻ văn hóa và duy trì sự nguyên bản. Đội thi Finpig dành giải Ba với sản phẩm là giải pháp tiết kiệm hiệu quả qua nền tảng app chạy ứng dụng Android.

Đại diện ba đội thi đoạt giải Đội thi được yêu thích lên nhận giấy chứng nhận.
Hội chợ khởi nghiệp đã mang đến nhiều giá trị thiết thực cho cả những đội thi, nhà đầu tư và những người tham dự.
Lưu Thu Hằng – Nhật Lệ
Nguồn ảnh: CLB Nhà doanh nghiệp tương lai