Vào ngành đi em – Hồi 1: Úm ba la, 4 câu thần chú khiến K58 đổ rạp trước khoa Ngôn ngữ

ngôn ngữ thương mại
YMCONLINE.COM – Giữa một trường Đại học nổi tiếng về đào tạo kinh tế, nghiệp vụ xuất nhập khẩu,… lại xuất hiện những nhân tố “hơi lạc loài” mang tên: ngôn ngữ thương mại – nghe vừa kinh tế, vừa ngôn ngữ. Cùng xem, vì sao rất nhiều thế hệ FTUer đi trước lại bị yểm bùa bởi khoa ngôn ngữ nhé.

Thần chú 1: Notocaca, nokedada (Không toán cao cấp, không kêu đau đầu)

Đối với các bạn học khối D, chắc hẳn môn toán là một thử thách không dễ dàng. Nhưng, vừa thoát ải toán cấp 3, Toán cao cấp ở đại học lại chào đón bạn với những phiên bản gây “nhức não” hơn của nguyên hàm, tích phân. Thử nghĩ xem, một mùa hè xả hơi sau khi thi, kiến thức còn chi? Có chăng còn đọng lại cách bấm máy tính, thế mà phải đối diện với ma trận, hàm số,… 

Vào khoa ngôn ngữ để khỏi lo về những phép toán nha em!
“Toán công chúa” có làm em héo úa?

Chính vì vậy, khoa ngôn ngữ thương mại chính là “kim bài miễn tử” cho những sĩ tử muốn học kinh tế, muốn học FTU nhưng lại khóc thét với môn Toán đấy.

Thần chú 2: Kitengongu, nolothanghi  (Kinh tế, ngoại ngữ, không lo thất nghiệp)

“Học kinh tế không bao giờ lo chết đói, phải làm kinh doanh mới giàu”. Đó là câu người ta kháo nhau mỗi mùa thi đại học. Rồi gần đây, người ta lại nói phải biết 2, 3 thứ tiếng mới ấm no. Vừa có kiến thức kinh tế với những môn như Kinh tế vi mô, vĩ mô, Logistic, Tài chính tiền tệ,.. vừa có ngôn ngữ thứ 2 bên cạnh Tiếng Anh (nếu thi đầu vào bằng tiếng Anh), các FTUer tốt nghiệp các khoa ngôn ngữ thương mại chắc chắn sẽ không gặp khó khăn lớn để lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng.

Cầm tiền còn sợ tiền rơi, cầm tấm bằng đỏ tạm thời ấm no!
Cầm tiền còn sợ tiền rơi, cầm tấm bằng đỏ tạm thời ấm no!

Thần chú 3: Nogipiay, nololanhi (Không GPA, không lo lắng nhiều)

Khác với những FTUer ở các chuyên ngành khác đặt nặng GPA cao để ra trường với tấm bằng đẹp, các sinh viên của khoa ngôn ngữ thương mại chú trọng nhiều hơn vào việc đạt các chứng chỉ và khả năng sử dụng ngôn ngữ. Như tiếng Nhật có JLPT , tiếng Trung có HSK, tiếng Anh có IELTS,…

GPA không cần quá cao nhưng điểm D là không mê nha em!
GPA không cần quá cao nhưng điểm D là không mê nha em!

Theo anh Dương Khánh (K50, TTTM), nhà tuyển dụng sẽ đánh giá khả năng vận dụng ngôn ngữ. Ngoài ra còn có tư duy, thái độ, ứng xử, hơn là một tấm bằng tốt nghiệp. Vì vậy, khả năng sử dụng ngôn ngữ lưu loát sẽ là một điểm cộng “siêu to khổng lồ”.

Thần chú 4: Bacabaxa, khovalanha (Bay cao bay xa, khoa vẫn là nhà)

Sinh viên khoa ngôn ngữ thương mại ở FTU thường chiếm tỉ lệ cao trong số học sinh xin được học bổng trao đổi, học lên cao học từ các trường đối tác. Bật mí cho các K58 tương lai là FTU có tới tận 93 trường đại học đối tác như Đại học Frankfurt, Đại học Kobe, Đại học Nagoya, Đại học Quốc gia Seoul. Một số học bổng cũng ưu tiên sinh viên ngành ngôn ngữ, tạo điều kiện để sinh viên được có cơ hội trải nghiệm vùng đất mới. 

Chạy xa, bay cao, FTU vẫn là nhà!
Chạy xa, bay cao, FTU vẫn là nhà!

Có nhiều sinh viên ngôn ngữ, sau khi đi học cao học, trao đổi đã quay lại trường giảng dạy. Đơn cử như khoa Tiếng Nhật Thương mại, tất cả các giảng viên người Việt của khoa đều là cựu FTUer quay trở lại trường sau khi theo học tại Nhật Bản. 

Trong Harry Potter, chiếc mũ thần sẽ phân loại học sinh vào từng nhà theo đặc điểm, tính cách. Nhưng đôi khi, nó sẽ nghe theo cả mong muốn của học sinh. Các K58 tương lai, dù có chọn ngành, chọn khoa vì bất cứ lý do gì, hãy cũng tìm cho mình một chút yêu thích, để bị yểm bùa thật lâu, yêu khoa thật sâu nhé!

Nấm

Nguồn ảnh: Thầy Nguyễn Ngọc Tân, Before I Graduate

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.