YMCONLINE.COM – Từ tư vấn tình cảm, đến chuyện GPA; từ những điều thường ngày, đến những triết lý cuộc sống – thầy cô Ngoại thương không bỏ qua bất cứ phương thức nào để khiến cho sinh viên thấy phấn khích và tâm phục khẩu phục. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam sắp tới, phóng viên Yo! xin tổng hợp một số câu nói của thầy cô đã để lại ấn tượng sâu sắc trong trái tim “mong manh” của các FTUers.
-
Cô Ngô Thị Như – khoa Lý luận chính trị.
“Anh này viết chữ đẹp nhỉ. Tôi đã bảo rồi, cuộc sống rất công bằng, cho cái này sẽ lấy đi cái khác… Những ai chữ xấu thường xinh gái, như tôi chẳng hạn. Còn ai chữ đẹp thì ngược lại!”
“Tôi biết là trong lớp này có nhiều bạn nữ ghét tôi. Vì người ta thường hay ghen ghét những người xinh đẹp hơn mình. Nhưng chả sao cả, tôi quá quen rồi…”
“Lớp nào đi học đầy đủ thì điểm thường kém…”
“Ôi bạn nào vô duyên thế nhỉ… Đã xấu trai lại còn vô duyên. Trong Logic học hình thức, đó là phép hội.”
-
Thầy Nguyễn Dương Nguyễn – khoa Cơ bản.
“Đừng có mở cửa của tôi, còn tận bốn phút nữa cơ.”
“Chết muộn mất hai phút rồi, thôi cố nốt nhá.”
“Còn 7 phút, tôi xin phép trình bày chương tiếp theo.”
“Thôi để tôi làm cho.”
-
Thầy Trần Đắc Lộc – phòng Quản lý đào tạo.
“Chúng mày ạ, tháng này cô hồn tao khổ lắm.”
“Ai bảo chúng mày động vào cái trang tín chỉ làm gì.”
-
Thầy Vũ Hoàng Việt – khoa Kinh tế và kinh doanh quốc tế.
“Câu nói của Adam Smith mà thầy khoái nhất là gì? Không trả lời được à? Tôi cho vào bài kiểm tra!!!”
“Bài thi không được viết quá 5 dòng. Tôi nhác đọc lắm! Từ dòng thứ 6 trở đi là tôi gạch hết, đỡ tốn công.”
-
Thầy Nguyễn Văn Minh – khoa Cơ bản.
“Không được dùng bút chì, dùng bút chì là……. không tốt. Cuộc đời như 1 chuyến tàu, đừng để lỡ tàu, lỡ bến này rồi sẽ lỡ bến khác.”
“Cô kia, sao lại ngủ gật thế này? Ngủ gật thì làm sao có người yêu?”
“Có hiểu không nhở?”
-
Thầy Lý Hoàng Phú – khoa Kinh tế quốc tế.
“Sao mà nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên thế? Năm cuối rồi mà chưa có người yêu thì kiếm đâu ra các anh nữa, may ra lừa được mấy cu cậu chân ướt chân ráo vào đại học thôi.”
-
Cô Chu Thị Mai Phương – khoa Kinh tế quốc tế.
“Tôi biết có anh chị nào đó chụp trộm tôi đăng lên trang gì đó xin review nhé. Đừng tưởng tôi không biết. Từ sau có muốn chụp thì bảo tôi trước 1 câu. Chụp xấu thế mà chấp nhận được à!!”
“Các em muốn kiểm định xem X có ý nghĩa như thế nào so với Y, cũng giống như kiểm định sự xinh đẹp có ảnh hưởng như nào tới tấm bằng ra trường ý.”
“Tuần sau cô đi công tác, có cô Quỳnh dạy thay, cô rất là hay điểm danh, ít nhất là 2 lần, nhiều nhất là 4 lần, các em nhớ đi học đầy đủ.”
“Đầu lúc nào cắm xuống chép chép chép! Nhìn lên đây nghe tôi giảng đây này! Viết bài lúc nào chả được!”…
…và 5 phút sau…
“Nhìn tôi làm gì, nhìn vào vở mà làm bài ấy, tôi viết chữ xấu có nhìn thấy cái gì đâu mà cứ ngẩng lên nhìn! Anh chị cứ chép chép mà đầu óc thư thái toàn thân thả lỏng chứ có nghĩ bài đâu! Người ta phải tự làm bài, chỉ ngẩng lên kiểm tra xác nhận thôi chứ! Nhưng thôi bây giờ nhìn lên đây để tôi giảng.”
-
Thầy Nguyễn Chúc Mai – khoa Cơ bản.
“Việc nào dễ thì làm, ai làm việc khó làm gì. Trừ khi tán gái.”
“Maybe. Tôi không chắc đâu.”
-
Cô Mai Hữu Hạnh – khoa Tiếng Anh chuyên ngành.
“Úi giời ơi cái anh áo xanh với cô áo đỏ ngồi cạnh rúc vào nhau kìa. Đừng tưởng tôi không nhìn thấy. Anh chị thử lên trên bục NGÓ xuống mà coi…”
“Úi giời, nó tưởng nó bé như con kiến, luồn luồn lẩn khuất tưởng cô không thấy được à, hả cái anh áo xanh bạc hà.”
“Rồi mai đây gặp cô lại bảo: ‘Cái mụ này quen lắm, chắc ngày xưa bán xôi ở cổng Ngoại thương.’ Haizzz”
-
Cô Hoàng Thu Giang – khoa Tiếng Anh chuyên ngành.
“Hôm nay chép, ngày mai chúng bay lại chép. Khổ thân, chép mãi cũng không bao giờ nhớ.”
“Hôm nay buổi đầu, cho về sớm nhỉ? Về sớm lấy tinh thần để các buổi sau nữa cũng về sớm.”
-
Thầy Phạm Xuân Trường – khoa Kinh tế quốc tế.
“Học phí tác động đến thái độ học tập, cứ chờ học phí tăng rồi sẽ biết.”
“Kinh tế như một con người, cuối cùng thì cũng trở lại điểm cân bằng.”
“Cuộc sống là những cuộc đầu tư. Nếu ra trường mà doanh thu nhỏ hơn chi phí, tức là mấy năm trước các bạn đã lựa chọn sai. Đầu tư thất bại.”
“Thầy không đánh giá các bạn ở điểm số hay việc các bạn dành thời gian cho môn học, vì biết đâu, thời gian đó các bạn dành cho đam mê của riêng mình. Nhưng thầy không đánh giá không có nghĩa là người khác cũng không đánh giá.”
-
Cô Đinh Thị Quỳnh Hà – khoa Lý luận chính trị.
“Thế cho nên đời không như là mơ, vì nếu là mơ thì đời sẽ rất là chua.”
Thầy cô ở Ngoại thương, như nhiều sinh viên vẫn nói, luôn có cái chất riêng không lẫn đi đâu được, và cũng chính nhờ cái chất đấy mà sự gắn kết giữa thầy và trò FTU luôn khăng khít một cách đặc biệt. Hãy đón chờ phần 2 của 50 sắc thái thầy cô để cùng lắng nghe FTUers nói gì về giảng viên nhé!
Xen & Minh Khuyên