YMCONLINE.COM – Cuộc đời là những cuộc gặp gỡ. Có những người lướt qua nhau nhanh như gió thoảng. Lại có những người đi qua cuộc đời ta, để lại trong ta những dấu ấn không thể nào quên. Dù gắn bó không lâu nhưng ấn tượng và tình cảm của các FTUers với thầy cô đã in sâu và đong đầy trong từng con chữ.
-
Cô Hoàng Hải Yến – Phát triển kĩ năng.
“Ấn tượng nhất là bài tập bản tin của cô – trước mỗi giờ học phải thuyết trình về một tin tức gần đây đã xem trên ti vi. Mặc dù tin tức thời sự đôi khi rất nhàm chán, khô khan nhưng từ đó mình có thói quen theo dõi tin tức xã hội, giúp mình thuận lợi hơn trong việc viết bài trên Yo! cũng như hiểu biết hơn về cuộc sống xung quanh”.
(Kiều Minh Phương – K55 KTĐN)
-
Cô Nguyễn Thị Thùy Linh (Chích Bông) – Tiếng Anh thương mại.
“Ấn tượng ban đầu của mình khi gặp cô là cô vừa trẻ, vừa xinh lại giỏi í. Cô dạy môn Phát âm TACS ở lớp mình, rồi sau mình đăng kí học thêm lớp B1 lại được học cô nữa. Vì gặp cô nhiều nên cô nhớ tên mình (tên đầy đủ) luôn ấy, lúc đầu mình nghĩ lên đại học rồi sẽ chẳng có giảng viên nào nhớ được tên mình đâu vì lớp đông quá mà. Sau gần hai tháng học cô thì mình quý cô lắm, vì cô không những xinh này, dạy hay này, mà còn tâm lý và vui tính nữa. Kỉ niệm thì nhiều lắm, như lần cô cho lớp mình chơi trò chơi mà đau tim muốn xỉu, sinh viên ngồi dưới mặt méo xệch mà cô cứ cười haha thôi. Cô còn hay chia sẻ kinh nghiệm học, kinh nghiệm sống của mình cho sinh viên, cô kể chuyện hấp dẫn với bổ ích lắm ấy, ai học cô Linh chắc đều biết câu chuyện ”Have a seat!” nhỉ. Ấn tượng nhất là Halloween này cô mời cả lớp một chầu Ding Tea tưng bừng kèm cái bánh to đùng ăn mãi không hết. Với mình thì cô Linh là giảng viên đáng yêu nhất hệ mặt trời luôn ấy, may là giai đoạn sau mình lại được học cô tiếp rồi”.
(Đỗ Thanh Thủy – K55 TATM)
-
TS Phan Thị Thu Hiền – Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế.
“Được học cô, chúng em hiểu hơn thế giới bên ngoài, cơ hội và những thách thức cho những sinh viên chuẩn bị ra trường qua những trải nghiệm thực tế của cô.
Được học cô, chúng em cũng biết đến một thứ gọi là căng thẳng của giáo viên khi hỏi vấn đáp sinh viên, là những chuẩn mực của nghiên cứu khoa học…
Được học cô, chúng em vẫn thường đùa nhau là được ăn kẹo ngoại nhập theo phương thức CIF Nội Bài, được ăn hoa quả và bánh chuẩn bị được xuất khẩu theo phương thức EXW, bánh trung thu được người bán là cô tặng miễn phí mỗi dịp đến nhà cô “đập phá”, và rất rất nhiều những email cô trò gửi cho nhau vào lúc rất muộn…
Được học cô, chúng em thấy rằng, thực trạng đôi khi khác xa những gì mình tưởng tượng hay nghe nói.
Được học cô, chúng em thấy mình như được thuộc về một gia đình nhỏ nhỏ mang tên chuyên ngành thuế và hải quan”.
(Lý Nguyên Ngọc – Anh 5 K49, khoa KT&KDQT)
-
Cô Nguyễn Thị Minh Thư – Kinh tế vi mô.
“Cô Minh Thư vi mô thì lúc nào cũng bánh mì thịt xiên nướng… Cô dạy kỹ, nghiêm túc, mê showbiz, phim và… trai đẹp! Học cô cô hay lấy ví dụ liên quan đến showbiz với mấy anh đẹp trai trong phim. Không xem phim thì khéo không hiểu nổi ví dụ của cô”.
(Nguyễn Thị Minh Trang – K54 KT&KDQT)
-
Thầy Ngô Quốc Chiến – Marketing.
“Chị ấn tượng là thầy Chiến (Marketing) dạy rất thoải mái và dễ hiểu. Khi ra chơi thầy hay cho nghe nhạc. Và thầy nói đó là những bản nhạc thầy thích.
Thầy thích chụp ảnh, sưu tầm xe và đi phượt.
Thầy hay kể chuyện. Thầy từng học bách khoa, học lớp tài năng siêu siêu ấy. Thầy kể là kỳ 1 năm nhất thầy bê tha, bỏ bê rồi học dốt nhất lớp. Sau kỳ 2 quyết tâm chấn chỉnh học lên top của lớp. Kì 1 năm 2 lại bỏ bê chểnh mảng tiêp rồi kỳ 2 lại học giỏi. Nó lặp lại như chu kỳ luôn!
Thầy sắp học xong Bách Khoa thầy lại thi thêm FTU. Rồi đỗ. Lúc ra trường Bách Khoa, thầy đi dạy luôn ở FTU. Lúc đi dạy là giảng viên. Có khi dạy xong thầy lại đi học luôn như sinh viên”.
(Nguyễn Thị Minh Trang – K54 KT&KDQT)
-
Cô Nguyễn Thị Tường Anh – Kinh tế vi mô.
“So với các trường khác, chị thấy thầy cô ở FTU rất “xì tin” và khá cởi mở đúng chất của Phờ-tu năng động, phóng khoáng. Thầy cô trẻ trung, gần gũi với sinh viên như anh chị em. Chị thích nhất cô Tường Anh dạy môn vi mô vì cô dạy hay và rất thương học sinh. 20/11 đến rồi, mong cô vẫn “xì tin” như xưa, giữ được sức khỏe và niềm đam mê nghề nghiệp cùng sự trẻ trung để truyền lửa cho các thế hệ mai sau”.
(Thảo – K52, khoa TCNH)
-
Thầy Trần Huy Quang – Những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin.
“Thầy Quang kể thầy đến với triết học ban đầu không phải là do lựa chọn, mà là không còn lựa chọn nào khác. Do không đủ điểm vào ngành như ý muốn lúc ấy nên chúng ta đã không có một ông Quang công an, ông Quang nhà báo mà là thầy Quang dạy triết. Có lẽ để trả lời câu hỏi thầy đã đến với triết học như thế nào, suy cho cùng chính là do dòng đời xô đẩy. Nhưng đam mê và gắn bó với nghề, với môn học luôn bị coi là “khô khan” ấy, đó là lựa chọn của thầy”.
(Phương Hà – K55, khoa TMQT)
-
Cô Nguyễn Thị Thúy Thanh – Những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin 2.
“Ấn tượng ban đầu là nhìn cô có vẻ lạnh lùng, khó tính, khó gần. Nhưng sau khi nghe bài giảng của cô thì mình quý cô lắm. Cô không chỉ dạy những nguyên lí đạo đức khô khan mà còn lồng ghép những câu chuyện thời thơ ấu của cô: xem Tôn Ngộ Không cô nhớ từng tập một, cảnh nào cô cũng nhớ, xem phim Đến thượng đế cũng phải cười thú vị ra sao…Lúc đấy không còn cảm giác mình đang học triết nữa mà mình như đang trở về tuổi thơ qua lời kể của cô. Những câu chuyện đó được kết hợp với kiến thức bài học nên mình không thấy buồn ngủ nữa dù mình học ca 1″.
(Vũ Hữu Thành – K55 khoa TATM)
-
Cô Chu Thị Mai Phương – Kinh tế Lượng.
“Cô bước vào lớp với dáng vẻ nữ thần đầy quyền lực. Cô rất nghiêm khắc, ngay buổi đầu tiên đã kiểm tra kiến thức cũ, nhắc đến cô ai cũng run run sợ sợ. Nhưng suy cho cùng, điều đó thể hiện tâm huyết với nghề và lòng thương sinh viên. Có vẻ như đối với cô, bọn chị chính là những nhà kinh tế học tương lai. Cô nghiêm như vậy chỉ muốn bọn chị học tốt, không muốn sau khi học xong mặt vẫn ngơ ngơ. Xin gửi lời đến cô nhân ngày 20/11: Tuy rất nhiều lúc em lười học nhưng cô vẫn cho em A. Nhưng không phải vì cô cho em A mà em muốn cảm ơn cô đâu. Em cảm ơn cô rất nhiều vì nhờ có cô mà con A đấy có chất lượng, em có kiến thức trong đầu”.
(Hương Giang – K52, khoa KTQT)
Không như suy nghĩ của nhiều người về giảng viên trường Kinh tế, các thầy cô ở FTU không hề khô khan, họ cũng rất trẻ trung, đáng yêu, và thấu hiểu sinh viên. Họ chính là những người thầy cầm đuốc chỉ đường và truyền cảm hứng cho sinh viên bao thế hệ, chắp cánh cho những ước mơ bay cao. Trên đây là một số suy nghĩ, cảm nhận mà Yo!News đã thu thập được, còn rất nhiều những câu chuyện thú vị về thầy cô chưa thể kể hết, vậy còn những độc giả thân yêu của Yo!News, thầy cô trong mắt bạn đặc biệt như thế nào?