Chuyện bạn bè ở Ngoại thương: Xã giao, giả tạo và thảo mai?

YMCONLINE.COM – Người ta luôn nói, càng lớn, người ta càng trở nên thực dụng với nhau hơn. 18 tuổi, em bước vào FTU với sự háo hức nhưng cũng đầy lo âu. Phải chăng ở đây, thật khó để tìm được một người bạn chân thành, vì hình như ai cũng có sự thực-dụng-mới-lớn của chính mình?

Những ngày tháng mặc áo trắng đến trường, bạn bè đến với em một cách thật tự nhiên. Bạn thân sẽ là đứa ngồi cùng bàn với em suốt mấy năm học, chịu đựng mọi sự vui buồn hờn giận tuổi mới lớn của em. Là đứa biết hôm qua em đi ngủ lúc mấy giờ, và chỉ lặng im khi em nổi đóa lên, vì điểm toán của nó hôm nay cao hơn điểm của em. Là đứa đã ôm em ngày bế giảng cuối cùng, và hứa rằng sẽ luôn là bạn của em.

Nhưng ở tuổi 18, em sẽ nhận ra, chẳng ai có thể cùng em đi qua hết những nỗi cô đơn ở thành phố này. Nhất là khi, em bước vào Ngoại thương, thế giới đại học em vẫn hằng mơ ước, mới mẻ, tự do, và xa lạ. Chào mừng em đến với trường học tập sự trưởng thành.

Ở đây, người ngồi cùng bàn với em mỗi ngày sẽ mang một gương mặt khác. Em chỉ kịp cười và nói “Xin chào” vài câu, người em chưa kịp quen, ngày mai đã biến mất. Cũng có người tíu tít và hào hứng nói đủ chuyện trên đời với em, nhưng cũng sẽ mang từng ấy nhiệt thành tặng cho người ngồi bên kia, người ngồi trên, ngồi dưới. Và cũng có nhiều người, trong một khoảnh khắc nào đó, em nghĩ rằng chính là người-bạn-đó của em, cho đến khi em nhận ra, niềm vui có thể dễ sẻ chia, nhưng nỗi buồn thì em vẫn giữ kín.

Thật lạ phải không? Chỉ mấy tháng trước, nỗi buồn của em là những con điểm thi, là cô bạn thân hôm nay không đi học, là sự hờn dỗi bố mẹ vì những chuyện cỏn con. Hôm nay, em bước vào Ngoại thương với sự độc lập tuyệt đối, cũng vì thế mà khao khát đầu tiên là tìm kiếm bạn đồng hành. Nhưng đã bao giờ em học cách tìm bạn, học cách giới thiệu bản thân mà không ngượng ngùng, học cách thăm hỏi người ta, học chân thành với người lạ? Không, từ trước đến giờ, mọi thứ với em đều đến rất tự nhiên và bản năng. Em không học để làm bạn, em không học để yêu thương.

Những sự xa cách, sự không chân thành, sự không khăng khít, sự giả dối đạo mạo, sự thảo mai, những sự-tình-bạn em chưa bao giờ thôi băn khoăn, những nỗi buồn chưa có ai nghe em kể hết. “Một lũ xã giao”, em nghĩ, có lẽ mình sẽ là một “người lớn cô đơn”.

Em nghĩ, “có lẽ mình sẽ là một người lớn cô đơn”.

Nhưng em ơi,

ở Ngoại thương, tìm được nhau đã khó, quen nhau và yêu thương nhau có lẽ còn cần nhiều kiên trì hơn. Trong một ngôi trường 22 nghìn mét vuông, người ngồi bên cạnh em có lẽ đang sống một cuộc đời trông-không-như-vẻ-ngoài, cũng có những chênh vênh và nỗi buồn chẳng thể kể cùng ai, cũng 18 tuổi và lần đầu xa nhà như em, cũng khao khát sự chân thành đằng sau vẻ ngoài xinh đẹp và hay cười ấy. Cùng với những bỡ ngỡ và cơ chế tự phòng vệ khi bước vào môi trường mới, tình bạn cần thời gian em ạ.

À, và từ khi nào, hai chữ “xã giao” lại mang một nghĩa xấu trong em nhỉ? Từ khi nào, em vội quy chụp người ta là thảo mai, giả tạo khi thậm chí 1% về cuộc đời người đó em còn chưa chạm tới? Từ khi nào, em đánh mất niềm tin vào bản thân đến mức nghĩ rằng chẳng còn ai chân thành với chính mình.

Từ khi nào, 2 chữ “xã giao” lại mang nghĩa xấu…

Đại học là một “cái làng” nơi chứa đựng sự tập trung của nhiều văn hóa từ nhiều vùng miền ở đất nước ta. Những người bạn xung quanh em đều mang trong mình văn hóa ấy, thế nên những khác biệt trong suy nghĩ hay cách ứng xử là không thể tránh khỏi. Chưa kể, mỗi người sinh ra đã vốn khác nhau, vậy nên hiền hòa, khéo léo hay là thẳng thắn, bỗ bã, quảng giao đều không phải điều xấu, chỉ là điều-khác-em. 2 chữ “xã giao” em vẫn hay khinh ghét, thực ra chỉ là ““một sự giao tiếp bình thường trong xã hội, mang tính lịch sự” (từ điển Tiếng Việt). Vậy là em đã quá nôn nóng có một người bạn-đặc-biệt, đến mức quên rằng, ai ban đầu cũng là người lạ, và những điều đặc biệt thì không đến dễ dàng, phải không?

Ở FTU, bài tập đầu tiên em được giao là làm quen với người lạ. Đồng nghĩa với chuyện, em sẽ phải “học” để xã giao. Vậy nên, em hãy bắt đầu với một tinh-thần-mở, sẵn sàng chấp nhận những khác biệt để tìm hiểu rồi mới quen thân. Lớn lên, em nên nhận ra, rằng tình bạn, hay bất kì mối quan hệ nào khác, đều có tính hai chiều. Là người có trước có sau, biết cho đi sau khi nhận lại, không phải là thực dụng hay xã giao, đó là cách ứng xử khéo léo giúp em mở rộng vòng tròn bạn bè của mình.

Và hãy nhớ, những điều đặc biệt không đến dễ dàng, em nhé.

Chào mừng em đến với Ngoại thương.

Phương Thảo

Nguồn ảnh: Internet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.