Cô gái Ngoại thương 200 nghìn?

YMCONLINE.COM – Ngày 4/3, một nữ sinh viên bị cưỡng hôn ngay trong thang máy của một tòa nhà lớn giữa lòng Hà Nội. Người đàn ông thực hiện hành vi đó bị phạt 200 nghìn đồng. Sẽ ra sao nếu nữ sinh ấy là một FTUer, là bạn, là tôi, là bất cứ ai trong chúng ta?

Nữ sinh Ngoại Thương, chúng ta có thể cũng từng mang giá 200 nghìn?

Chưa đầy 1 tháng sau vụ việc “cô gái 200 nghìn trong thang máy”, ngày 1/4 cộng đồng mạng tiếp tục bùng nổ với vụ việc tương tự ở thành phố Hồ Chí Minh. Với lý do chất lượng clip thấp, hành vi “dâm ô trẻ dưới 16 tuổi” (theo kết luận của Phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam) của Nguyên Viện phó VKS nhân dân thành phố Đà Nẵng đã nhẹ nhàng biến thành hành vi “nựng”. Em nhỏ 9 tuổi kia có thể là bất cứ ai trong chúng ta khi còn bé, cô sinh viên kia có thể là một cô gái nào đó trong 80% sinh viên FTU. Một trải nghiệm không mấy tốt đẹp đã, đang và có thể sẽ tiếp diễn, với tất cả chúng ta.

Bạn NTH, sinh viên K57 khoa KDQT chia sẻ: “Đến giờ, mình vẫn không thể quên tối hôm đó. Khi ấy, mình đi ra ngoài về muộn, hơn 11h đêm và mình phải book grab đi về. Mình đã nghĩ grab sẽ an toàn vì có thông tin của tài xế. Nhưng khi đến một đoạn vắng gần nhà mình, lão tài xế đó đã đặt tay sờ lên đùi mình. Tim mình đập nhanh, cả người run rẩy, lại không dám hét lên vì đường vắng. Mình cắn răng và run bần bật, cho đến khi lão ấy đưa mình đến nhà. Trả phí xong, lao vào nhà, mình chỉ biết ôm chăn khóc. Đó thực sự là một ám ảnh kinh hoàng cuộc đời mình cho đến giờ.”

Có những câu chuyện, mang theo cả đời người.
Có những câu chuyện, mang theo cả đời người.

NTNL, (K55 – TATM) chia sẻ: “Chị vốn đậm người, ngay từ lúc dậy thì đã phải chịu nhiều lời trêu chọc từ những người xung quanh. Chị tưởng mình đã quen với việc nghe tiếng huýt sáo, lời bông đùa của rất nhiều người vô duyên. Nhưng, có một ngày, khi đi xe bus, chị đã bị sờ và bóp mông, theo đúng nghĩa đen. Chị bàng hoàng và ngỡ ngàng, giận phát khóc lên, nhưng quay lại chẳng biết ai, chẳng thể làm gì cả. Khi ấy chị còn quá sợ sệt và xấu hổ để lấy lại công bằng cho bản thân mình.”

Những câu chuyện ấy, tổn thương thể xác có thể không lớn đến mức như vụ việc của nữ diễn viên Vườn sao băng Jang Ja Yeon, không thương tâm như câu chuyện của bé Nhật Linh ở Nhật Bản, nhưng chúng đều đang tố cáo thực trạng về những vấn đề liên quan đến lợi dụng tình dục ở Việt Nam.

Thế giới có đáng sợ như em nghĩ?
Thế giới có đáng sợ như em nghĩ?

200 nghìn cho một sự lạm dụng, phần nào chứng tỏ pháp luật Việt Nam còn lỏng lẻo trong việc quản lý. Chừng nào những suy nghĩ như “lỗi tại em mặc đồ mát mẻ”, “không xinh thì ai thèm động, hãy cảm thấy tự hào”, “chỉ sờ một chút có là sao”… vẫn còn, sự thờ ơ của một bộ phận xã hội vẫn tồn tại, thì khi ấy vẫn sẽ có những “cô gái 200 nghìn” tiếp theo.

Xã hội mang đầy vẻ nhơ bẩn và xấu xí. Những thông tin kinh khủng chiếm sóng trên mọi phương tiện thông tin đại chúng.

Thế nhưng, câu chuyện nào cũng có hai mảng sáng tối

Dù việc xâm hại, thiếu tôn trọng phụ nữ vẫn còn, tuy nhiên, xã hội không hoàn toàn xám xịt. Khi thông tin về người đàn ông có hành vi sai lệch được đăng tải, cộng đồng mạng đã phản ứng gay gắt. Hàng nghìn lượt share với những bình luận bất bình, chỉ trích gay gắt các đối tượng xấu. Các kênh truyền thông cập nhật liên tục, được tận dụng triệt để để lên án hành vi trên.

Hay trong vụ việc Nguyên phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Đà Nẵng có hành vi xâm hại bé gái trong thang máy, rất nhiều người đã tới nhà riêng của đối tượng để thể hiện sự phẫn nộ, đòi lại công bằng cho nạn nhân. Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng đã có những văn bản gửi đến các cơ quan chức năng của Quận 4 (TPHCM) đề nghị khởi tố vụ án, thâm chí sẽ nêu ý kiến lên Chính phủ nếu không được giải quyết thỏa đáng.

Lên tiếng hay im lặng, quyết định ở chúng ta.
Lên tiếng hay im lặng, quyết định ở chúng ta.

Vụ việc bê bối tình dục tại Hàn Quốc – sự việc có tính chất nghiêm trọng, đã được chỉ thị của chính Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In để điều tra, làm rõ, xử phạt nghiêm minh với những cá nhân, tổ chức vi phạm. Tại Việt Nam, cuối tháng 2 vừa qua đã diễn ra Lễ ký kết Chương trình phối hợp bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái giữa Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với Bộ Công an, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và Tòa án Nhân dân tối cao.

Có thể thấy rằng, dù những hành vi xâm phạm, làm hại đến phụ nữ và trẻ em vẫn đang diễn ra, nhưng, xã hội đã và đang từng ngày hoàn thiện, tiến tới mục tiêu bảo vệ phái yếu về cả thể chất và tinh thần. Những nhận thức tốt về bình đẳng giới đã và đang được nuôi dưỡng và phát triển từng ngày.

Câu chuyện về tôn trọng con gái luôn được đem ra mỗi khi kể về FTU như một nét đẹp. Bạn HMH – sinh viên K55 khoa KTĐN chia sẻ: “Mình không chắc ở các trường khác nhưng ở FTU, dù mình có mặc váy ngắn, mặc short hay mặc quần dài thì cũng vô cùng thoải mái. Không có tiếng huýt sáo, trêu ghẹo hay những lời “kém duyên”. Chúng mình được khuyến khích để xinh đẹp. Chúng mình đáng được nhận sự tôn trọng thay vì những lời đánh giá, dè bỉu tiêu cực.”

Xã hội mới vẫn luôn có sự công bằng, văn minh.
Xã hội mới vẫn luôn có sự công bằng, văn minh.

Chúng ta đang sống ở năm 2019, sống ở một xã hội mở, xã hội lắng nghe và thấu hiểu. Nạn nhân vụ việc ở Thanh Xuân (Hà Nội) đã dũng cảm xin trích dẫn camera và tố cáo kẻ xấu. Những nạn nhân của các vụ bạo hành phụ nữ, trẻ em đã lên tiếng để được lắng nghe. Đã có nhiều cuộc vận động, chiến dịch nhằm kêu gọi sự bảo vệ cho phụ nữ. Xã hội này đã, đang và sẽ không thờ ơ với những hành động như vậy.

Nạn nhân của những vụ án tương tự có thể là bất cứ ai, là bạn, là tôi, là một FTUer, là một người chúng ta biết… Và người đứng lên để bảo vệ, sẽ là bạn, là tôi, là tất cả chúng ta!

Nhật Lệ – Nấm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.