YMCONLINE.COM – “Sao cứ phải có tiền, ở thành phố mới học được IELTS vậy?”, “Thế có nghĩa có IELTS rồi không cần học các môn khác cũng đỗ đại học, vô lý.”, “Rồi học sinh chỉ đổ xô đi học IELTS còn các môn khác thì học qua loa cho xong.” Đây chỉ là một trong số rất nhiều những ý kiến về câu chuyện xét tuyển bằng IELTS vào các trường đại học. Liệu ở Ngoại thương, “thi đại học” bằng IELTS có công bằng?
Thi IELTS – “bảo bối” tiềm năng giúp bạn lên “lớp 13”
Đứng trước việc lựa chọn chiến thuật ôn tập, chuẩn bị cho các phương thức xét tuyển đại học, mỗi người đều có một quyết định riêng, phù hợp với hoàn cảnh của mình. Bạn Hà Gia Linh, sinh viên Khóa 59, Chương trình tiên tiến Quản trị kinh doanh, chia sẻ: “Vào năm học lớp 12, mình quyết định luyện thi IELTS trước, sau đó dành toàn bộ thời gian còn lại ôn tập các môn trong kỳ thi THPT Quốc gia.” Trong bối cảnh nhiều trường đại học xét tuyển bằng phương thức kết hợp chứng chỉ IELTS và các hình thức điểm khác nhau, Gia Linh cho rằng IELTS là một bước chuẩn bị vô cùng thuận lợi. Nếu không trúng tuyển qua các phương thức đó, bạn vẫn có thể cố gắng đạt điểm cao ở kỳ thi THPT Quốc gia để xét tuyển.

Câu chuyện của bạn Nguyễn Thế Đức, sinh viên Khóa 60, Chương trình chất lượng cao Kinh tế Quốc tế, lại là sự kết hợp giữa nỗ lực và một chút may mắn. Thế Đức kể lại: “Ban đầu, mình thi IELTS mà không biết rằng có thể dùng để xét tuyển đại học ở Việt Nam. Sau khi Ngoại thương công bố đề án tuyển sinh, và mình có tham khảo các anh chị khóa trên, mình mới quyết định sử dụng chứng chỉ này kết hợp với điểm học bạ để xét tuyển vào trường.” Khi đã biết kết quả trúng tuyển bằng phương thức này rồi, Thế Đức cũng cảm thấy nhẹ nhõm hơn để bước vào kỳ thi THPT Quốc gia không áp lực.
Chiến thuật hay nhưng không phải là tất cả
Dẫu IELTS đang ngày càng được “ưa chuộng” trong các phương thức tuyển sinh, song đây không phải là lựa chọn duy nhất dành cho học sinh. Là sinh viên trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ dành cho học sinh đạt giải trong cuộc thi Nghiên cứu khoa học – kỹ thuật cấp Quốc gia, bạn Hoàng Thiên Tú, sinh viên Khóa 60, Chương trình tiêu chuẩn Tài chính quốc tế, nhìn nhận: “Đề án tuyển sinh của trường mình vẫn dành nhiều chỉ tiêu cho học sinh đạt giải trong các cuộc thi hay kỳ thi đánh giá năng lực khiến cho các thí sinh không có IELTS như mình cảm thấy yên tâm hơn để tiếp tục phấn đấu.”
Không chỉ với các bạn học sinh giỏi các cấp hay có nhiều giải thưởng, các trường đại học tính đến thời điểm hiện tại vẫn dành phần lớn chỉ tiêu cho học sinh xét tuyển bằng điểm thi THPT Quốc gia và các phương thức không kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ. Kể từ khi áp dụng phương thức tuyển sinh kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ vào năm 2019 đến nay, Trường Đại học Ngoại thương vẫn duy trì tỷ lệ chỉ tiêu dành cho thí sinh thi THPT Quốc gia trên 31%, là phương thức chiếm trọng số cao nhất trong đề án tuyển sinh.

Bên cạnh đó, Thế Đức cũng cho rằng, IELTS chỉ là một phần trong các phương thức xét tuyển. Các trường đại học sẽ luôn xét tuyển kết hợp chứng chỉ này với điểm học bạ hoặc điểm thi THPT Quốc gia. Nếu như một bạn có IELTS tốt mà có nền tảng phổ thông không tốt, thì cũng chưa chắc đã có tấm vé vào Đại học một cách mượt mà. Đồng quan điểm với Thế Đức, cô bạn Gia Linh cũng cho rằng mỗi phương thức đều có một yêu cầu riêng, không có gì thiếu công bằng hay chênh lệch giữa chúng cả: “Dù là IELTS, học bạ hay giải thưởng, họ cũng phải dành ra chất xám và chi phí đầu tư không hề nhỏ.”

Nhìn vào bức tranh toàn cảnh, Gia Linh nhận thấy giáo dục Việt Nam đang phát triển, đang học tập từ các nước tiến bộ trên thế giới. Do vậy, việc áp dụng đánh giá chứng chỉ IELTS sẽ chỉ giống như thay thế điểm thi môn tiếng Anh, mà còn có phần toàn diện hơn nhiều. Trong tương lai, phương thức này có thể sẽ chiếm trọng số chỉ tiêu lớn dần. Nhưng điều đó không hề là sự bất công hay lấn át các phương thức khác mà chỉ là minh chứng cho năng lực tiếng Anh của người học được nâng cao mà thôi.
Chỉ cần chạy theo xu hướng là sẽ thành công?
Là một người từng đứng trước xu hướng các bạn đồng trang lứa lựa chọn IELTS làm phương thức xét tuyển đại học, Thiên Tú vẫn kiên định với con đường theo học những môn tự nhiên: “Mình đưa ra quyết định lựa chọn phương thức xét tuyển theo sở trường và khả năng học các môn tốt nhất, và tất nhiên là nên chọn nhiều hơn một phương thức. Chạy theo xu hướng để thi IELTS chưa phải là chiếc chìa khóa hay nhất để đến thành công, mà nó sẽ chỉ phù hợp tùy từng người, từng thế mạnh.”
Có nhiều con đường để dẫn tới cánh cổng đại học và IELTS không phải là “công cụ” có tính chất quyết định nhất. Tổng chỉ tiêu dành cho các phương thức không có IELTS vẫn chiếm tỉ lệ lớn hơn, và cuộc cạnh tranh trong các phương thức kết hợp IELTS chưa bao giờ hết khốc liệt. Do đó, chạy theo “xu hướng IELTS” mà không thực sự hiểu rõ năng lực ngôn ngữ của bản thân lại vô tình trở thành “tự làm khó mình”. Lựa chọn phương thức phù hợp với thế mạnh và sở trường của bản thân mới là con đường đúng đắn nhất.

Dành cho những bạn học sinh có dự định sử dụng chứng chỉ IELTS trong xét tuyển đại học, Thế Đức nhắn nhủ các bạn cần chuẩn bị sớm để có thể ôn thi một cách hiệu quả, tránh tình trạng học khi “bị đốc thúc”. Chia sẻ về quá trình ôn luyện của bản thân, Thế Đức cũng tâm sự: “Mình cảm thấy quá trình học IELTS nhất thiết phải có bước tự học, không chỉ qua các kiến thức trong sách vở, mà còn phải tự tìm kiếm trên các nhóm Facebook, các website về học tập hoặc trên Youtube.”
Nhưng sau cùng, việc ôn luyện IELTS thôi là chưa đủ. Chỉ khi nền tảng kiến thức bậc phổ thông được trau dồi hiệu quả, quá trình xét tuyển đại học mới diễn ra thuận lợi. “Nếu mình có sự chuẩn bị từ sớm, thì khi thi đỗ vào trường cấp ba mà mình mong muốn, mình đã có thể tập trung cho điểm học bạ hoặc tích lũy kiến thức từ năm lớp 10. Sau đó, tùy vào năng lực tiếng Anh của mỗi người, mình có thể tập trung cho việc ôn IELTS theo kế hoạch sau.” – Gia Linh chia sẻ. Điều quan trọng nhất, Gia Linh cho rằng, hãy hiểu rõ điểm mạnh của bản thân. Nếu cố gắng theo đuổi IELTS nhưng không đúng cách, niềm yêu thích của mình với ngoại ngữ cũng sẽ suy giảm theo thời gian.
Tạm kết
Sau Tết Nguyên đán là thời gian các bạn học sinh chuẩn bị tìm hiểu các trường đại học và phương thức tuyển sinh. Gửi các FTUer-wannabe, hãy lựa chọn con đường phù hợp nhất với định hướng và điều kiện của bản thân. Bất kể con đường đó có IELTS hay không, cánh cổng Ngoại thương vẫn sẽ luôn rộng mở chào đón bạn.
Chân thành cảm ơn các bạn sinh viên đã tham gia phỏng vấn!
Tuấn Kiên – Thế Anh