Chuyện dạy học online trong mắt thầy cô FTU: sự náo loạn của các hiện tượng mạng, bí mật sau màn hình máy tính và hơn thế nữa

Thầy cô FTU day hoc online o dai hoc ngoai thuong

YMCONLINE.COM – Hơn 3 tháng học online vừa qua là những trải nghiệm mới lạ, đa chiều đối với FTUers. Trong cái nhìn của các sinh viên, việc học online có thể tiện lợi, cũng có thể là “cực hình” khi lượng deadline bỗng vọt cao bất thường. Vậy còn đối với các thầy cô giảng viên, việc dạy online “thú vị” tới mức nào?

Khi các “idol giới trẻ” đại náo lớp học

Trong bối cảnh nghỉ học dài ngày do đại dịch Covid-19, các phần mềm tương tác trực tuyến đã trở thành công cụ đắc lực của các thầy cô giáo. Tuy nhiên, ẩn chứa trong đó là rất nhiều rủi ro về vấn đề bảo mật. Cô Tùng Lâm – khoa Lý luận chính trị đã có một buổi dạy đáng nhớ như vậy với một “sinh viên” không mời mà tới. 

Cô Tùng Lâm đã có buổi học khó quên với “”vị khách” đặc biệt. 

Cô chia sẻ: “Đó là một bạn hacker với cái tên rất dễ thương, Lê Bảo. Bạn ấy làm đảo lộn lớp học, phát những video của một vài nhân vật như Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng với lời lẽ không dành cho lớp học.” Lúc đầu cô khá bối rối vì chưa gặp tình huống tương tự bao giờ. Một vài bạn hướng dẫn cô cách “remove”, nhưng Lê Bảo là một hacker “có tay nghề”, cậu ấy vượt qua mọi trở ngại, ra vào một cách hết sức tự nhiên. Sau một hồi đấu trí, cô nản quá, đành phải “rút quân”. 

Trước khi lùi bước, cô đã nói chuyện với cả lớp “Các bạn đừng tìm cách “remove” Lê Bảo nữa, tội nghiệp bạn ấy, vì có lẽ bạn ấy cũng muốn tham gia vào lớp học. Nếu Lê Bảo có thắc mắc hay muốn phát biểu gì thì cứ tự nhiên như các bạn trong lớp nhé.” Không thấy Lê Bảo nói gì nhưng một lúc sau, cậu đã tự rút lui một cách có trật tự. 

Khi điểm danh trở thành cuộc chiến sống còn

Một bất lợi khác của việc dạy học trực tuyến là giảng viên không thể nắm bắt được số lượng sinh viên nghe giảng thực tế, vậy nên việc điểm danh chỉ phụ thuộc vào việc nhắn tin hay bình luận trong thời gian giới hạn. 

Thầy Nguyễn Cương cho biết: “Thầy dạy livestream qua group Facebook của lớp kết hợp với phần mềm OBS để share màn hình, điểm danh qua phần bình luận vào cuối buổi học. Cứ mỗi lần điểm danh là sinh viên “loạn lên”. Nhiều bạn không kịp comment thì chạy đi nhắn tin minh chứng các kiểu đà điểu. Rồi là “thả tim”, “like”, “mặt cười”, “thương thương” bay loạn xạ trong các phản hồi của thầy trò.” 

Thầy Nguyễn Cương – viện KT & KDQT có những trải nghiệm khá tích cực với việc dạy học online.

Tuy nhiên, thầy cũng khẳng định việc học trực tuyến đã khiến tình cảm thầy trò khăng khít, gần gũi hơn. Những ứng dụng dạy học trực tuyến giúp sinh viên có thể truy cập tài liệu một cách nhanh chóng cũng như xem lại bài giảng để hiểu hơn về môn học. Thậm chí, thầy cô còn “tham” dạy học hơn nên có lẽ sinh viên sẽ là người thiệt vì “phải” tiếp cận lượng kiến thức nhiều như vậy. 

Khi màn hình máy tính trở thành chiếc áo giáp vô hình

Hiển nhiên là việc tương tác trực tiếp với sinh viên sẽ khiến thầy cô thoải mái hơn nhiều so với nói chuyện một mình bên màn hình máy tính. Tuy nhiên, tấm màn này dường như cũng là một chiếc áo giáp ngăn cản sinh viên khỏi những xấu hổ, ngần ngại khi muốn phát biểu trong giờ học. 

Cô Thanh Hương khoa Quản trị kinh doanh chia sẻ về buổi dạy khó quên của mình: “Buổi học Kỹ năng lãnh đạo hôm đó đã kết thúc rồi nhưng các bạn vẫn còn hăng say đặt câu hỏi. Dù đã kéo dài gần nửa tiếng rồi nhưng ai cũng chăm chú lắng nghe. Nếu là trên lớp thì cô sẽ cho về vì nhìn thấy sự “nản” trên mặt các bạn, nhưng dạy trực tuyến thì cô không thấy gì nên vẫn tiếp tục nói với các bạn muốn nghe. Hết buổi học, cô đã phải ngậm thuốc viêm họng mất một tuần, nhưng thấy rất vui vì lớp có ý thức và đáng yêu quá.”

Cô Thanh Hương rất hài lòng về thái độ tích cực của sinh viên FTU khi học online.

Khi khoảng cách địa lý tưởng “xa” bỗng “gần”

Ngồi sau màn hình máy tính, dường như sự tương tác giữa thầy cô và sinh viên bị giảm bớt phần nào – điều khiến cho khoảng cách dường như vốn “xa” lại càng thêm “xa”.

Trên thực tế, khoảng cách xa xôi ấy lại có thể được “kéo gần” một cách không tưởng. 

“Lớp cô dạy vào ca 1. Có bạn sinh viên vào lớp, bật mic sớm, cô còn được nghe thấy cả tiếng chim hót sáng mai, cảm giác thư thái, thú vị lắm. Nhiều khi cô trò còn có thể trò chuyện đôi chút, tâm sự vài ba câu với các bạn trước buổi học, cảm thấy cô trò gần gũi, thân thiết hơn hẳn, buổi học cũng theo đó mà cuốn hút hơn.” – cô Mai Thị Chúc Hạnh, giảng viên khoa Luật TMQT vui vẻ kể lại.

Dù cho có tới hàng trăm sinh viên đến từ các địa phương khác nhau nhưng khoảng cách địa lý vẫn chẳng thể cản trở sự gần gũi, thân thiết giữa các bạn và thầy cô. Đôi khi chỉ là một câu hỏi thăm, một vài lời nói vui đùa dí dỏm cũng có thể trở thành chất keo gắn kết tuyệt vời cho tình cảm thầy – trò.

Cô Chúc Hạnh, giảng viên khoa Luật coi những buổi học online như 1 dịp gần gũi hơn với sinh viên. 

 Đã tới lúc thức dậy sau kỳ “ngủ đông” dài ngày

Cô Phương Dung – giảng viên khoa Tiếng Anh thương mại chia sẻ: “Buổi học livestream đầu tiên của cô, các bạn đều vô cùng hào hứng. Các bạn tâm sự với cô là thấy nhớ trường, muốn được quay lại trường học rồi. Cô cảm thấy việc học online này cũng phần nào giúp các bạn nhận ra giá trị của việc được tới trường mỗi ngày.”

Sau kỳ nghỉ dài, cô Phương Dung tin rằng sinh viên đã tích đủ năng lượng để quay lại trường.

Cô còn nói thêm: “Kỳ nghỉ dài này giống như thời gian đang được nén lại. Các bạn đều được chững lại, dành cho bản thân mình nhiều thời gian hơn, tự tích lũy cho mình những kỹ năng mới, tri thức mới. Cô tin rằng, sau khi quay trở lại trường, các bạn sẽ càng tràn trề năng lượng, có những bước nhảy vọt thật lớn và đạt thêm nhiều những thành tích nổi trội.”

Tạm kết

Quãng thời gian học online dài tới 4 tháng hẳn đã để lại những kỉ niệm khó quên với cả thầy cô và các FTUers. Hy vọng rằng cả thầy cô và các bạn đều đã “ngủ đông” đủ lâu, tích lũy đủ năng lượng để sẵn sàng quay trở lại trường và “make FTU great again”.

Chúng em xin chân thành cảm ơn các thầy cô đã nhận lời mời phỏng vấn!

Hà My – Cánh Cụt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.