FTUers – Tự hào nhưng không tự cao

YMCONLINE.COM – “Không ai sinh ra là xấu cả, chỉ là chúng ta ở trong một thế giới có quá nhiều định kiến”. Ngoại thương – một trong những ngôi trường thuộc top đầu cả nước tưởng chừng luôn nhận được những lời khen có cánh thì đâu đó vẫn còn phải mang trên mình một số định kiến. Nhưng, bỏ qua những lời định kiến ấy, FTUers vẫn có quyền tự hào về những gì đã làm nên thương hiệu Ngoại thương.

Một ngoại thương dưới lăng kính “anti định kiến”

Nhắc đến Ngoại thương, bên cạnh chất lượng đào tạo đã được bảo chứng, người ta sẽ nghĩ về hàng loạt những danh xưng có phần “hào nhoáng”: “Harvard Chùa Láng”, “Trường học của Hoa hậu”,…. Như một lẽ đương nhiên, cái mác “chảnh” đã gắn liền với Ngoại thương trong rất nhiều năm, khiến cho hình ảnh về một FTUer trong mắt sinh viên các trường Đại học khác phần nào trở nên tiêu cực. 

Dù không thể phủ nhận rằng trong quá khứ, một vài cá nhân trở thành “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng điều ấy không có nghĩa rằng tất cả các thế hệ FTUers đều giống như vậy. Ở Ngoại thương, sinh viên đều nhiệt huyết, năng động. Mỗi FTUer đều mang trong mình tư duy sáng tạo, biết mình ở đâu và luôn không ngừng tìm kiếm những cơ hội để tôi luyện, phát triển bản thân. Rất nhiều sinh viên đến từ Đại học khác cũng đã nhìn nhận được điều đó: “Ấn tượng của mình về sinh viên FTU là các bạn ấy học hết sức mà cũng chơi hết mình, vừa học giỏi lại còn tự tin, năng động tham gia các hoạt động ngoại khoá. Thêm vào đó lại còn nhiều trai xinh gái đẹp nữa chứ” (Nguyễn Thị Hồng Hạnh, sinh viên K54 chuyên ngành Sư phạm Anh, Đại học Ngoại Ngữ – ĐHQGHN).

Ở Ngoại thương, sinh viên không có thói quen đi so sánh trường mình với bất cứ ngôi trường nào khác. Dù là trong những cuộc trò chuyện xã giao thông thường cho đến những bài đăng, lời bình luận trên mạng xã hội, các FTUers đều luôn giữ một cái đầu lạnh, chia sẻ quan điểm, góc nhìn của mình với thái độ thiện chí. Khi được yêu cầu so sánh giữa FTU và Đại học khác, sinh viên Ngoại thương chưa bao giờ gây tranh cãi bằng ngôn từ của mình, mà  còn chỉ ra lợi ích mà mỗi ngôi trường đem lại cho sinh viên. 


Thay vì đánh giá các ngôi trường khác một cách phiến diện, các FTUers này chọn sự trung lập, văn minh. 

Tục ngữ Ấn Độ có câu: “Tỏ ra hơn người khác chưa phải là hay, nhưng có thể tỏ ra rằng hôm nay mình đã hơn chính mình ngày hôm qua mới là chân giá trị”. Người Ngoại thương chưa bao giờ thể hiện sự thiếu tôn trọng với người ngoài, mà luôn coi trọng, có cái nhìn văn minh với họ. Người Ngoại thương vẫn luôn tự hào về Ngoại thương nơi mình theo học, nhưng chẳng bao giờ lấy đó làm nguyên do để so sánh, cố gắng hạ thấp sinh viên trường người ta.

Ngay cả trong FTU, sự so sánh cũng không có chỗ đứng 

Nếu như đã không so sánh mình với người ngoài, FTUers cũng không mặn mà  với việc đi so sánh mình với các bạn trong trường. Có vẻ như cũng nhờ môi trường cởi mở, thoải mái, thân thiện, ở FTU, những câu chuyện đáng buồn như chê bôi dè bỉu, phân biệt đối xử bạn học hầu như vắng bóng. Mọi người ở đây đều có quyền bình đẳng như nhau và được tự do nói lên suy nghĩ, quan điểm của mình. Bởi lẽ, mọi người hiểu rằng mỗi cá nhân lại có một hoàn cảnh khác nhau và mọi sự so sánh sẽ bị cho là khập khiễng. Hay nói một cách dễ hiểu hơn, ở Ngoại thương, thay vì đặt nhau lên bàn cân so sánh, mọi người luôn quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau tiến bộ. 

Bạn Nga Vũ – K59 chương trình CLC QTKD Quốc tế có chia sẻ rằng: “Hồi còn học cấp 3, mình là một người khá khép kín và việc hay bị mọi người đặt lên bàn cân so sánh là một trong những lý do cho sự khép kín đó. Nhưng rồi khi lên đại học, được tiếp xúc với môi trường hoàn toàn mới, với văn hóa câu lạc bộ ở FTU, mình cảm thấy việc bản thân bị so sánh đã được giảm đi rất nhiều. Cũng nhờ sự khác biệt trong cách đối đãi của mọi người, mình đã mở lòng và cảm thấy tự tin hơn.” 

Vì thế mà không ít các FTUers đã từng chia sẻ thật lòng rằng: “Chọn FTU là vì danh tiếng, nhưng ở lại đây là vì tình yêu.” 

Nói có sách, mách có chứng 
Nguồn ảnh: Diễn đàn sinh viên FTU

Ở FTU, văn hóa mentor – mentee cũng rất phổ biến và có rất nhiều các hoạt động được tổ chức nhằm lan tỏa những giá trị tích cực mà văn hóa này mang lại cho sinh viên. Đâu đó trong khuôn viên trường, sau những giờ học chính khóa, ta lại thấy từng nhóm từng nhóm các bạn sinh viên tụ họp lại với nhau teamwork sôi nổi. Mọi hoạt động trong các câu lạc bộ hầu như rất ít sự can thiệp của các thầy cô, hầu hết mọi kiến thức, kỹ năng, thậm chí là quy trình làm việc cũng được các anh chị khóa trên “truyền tay” cho các em khóa dưới. 

Sân trường nhộn nhịp mỗi mùa teamwork 
Nguồn ảnh: CLB Thương mại điện tử Đại học Ngoại thương 

Ngay cả những thế hệ đi trước, một thời đã từng gắn bó với Ngoại thương cũng là một phần của văn hóa này. Hằng năm vẫn có những sự kiện mà ở đó, cựu FTUers – những người đã trưởng thành và có chỗ đứng trong xã hội quay trở lại trường, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến các thế hệ Ngoại thương sau này. Không ít các anh chị tiền bối đã trở thành người đỡ đầu, cùng nhau đặt những viên gạch đầu tiên cùng các bạn sinh viên xây dựng nền móng vững chắc trên con đường sự nghiệp. 

Đơn cử là F2F, được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau FTUer to FTUer, Founder create Founder, Friend to Friend, là hoạt động xây dựng cầu nối giữa mentor (giảng viên, lãnh đạo nhà trường, các thế hệ sinh viên đi trước) – mentee (giảng viên, sinh viên các thế hệ sau) được trung tâm Sáng tạo và Ươm Tạo FIIS tổ chức. Hoạt động này đã và đang lan tỏa văn hóa mentoring đến với nhiều FTUers. 

Hoạt động kết nối các thế hệ FTU F2F 
Nguồn ảnh: Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU (FIIS) 

Tạm kết 

Suy cho cùng, chúng ta nên bỏ ngoài tai những phép so sánh kệch cỡm,  phi lý và những nhận định tùy tiện thiếu dẫn chứng. FTUers sống với nhau đâu phải chỉ bằng sự so đo hơn kém. Dù ai nói ngả nói nghiêng, FTUers đã đang và sẽ mãi tự hào về ngôi trường này – nơi mà đã trở thành gia đình, là một phần không thể thiếu của các thế hệ sinh viên đã từng hoặc đang học tập tại đây. 

Anh Thư – Racoon 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.