YMCONLINE.COM – Nếu một ngày, có người hỏi tôi về nơi thời gian không chạy giữa năm tháng ở Ngoại thương tất bật, tôi nhất định sẽ nói về Xuân Hòa, nơi không chỉ có niềm vui mới đáng nhớ, mà còn cả những bất tiện FTUers căm ghét một thời cũng là thứ để ghi tâm. Nằm giường tầng chen chúc, nhạc báo thức 5 giờ sáng, wifi chập chờn và mất hút,… Những điều lạ lẫm và khuôn phép, nên chúng tôi từng “căm ghét”. Vì chúng tôi từng “căm ghét”, nên Xuân Hòa thành thứ để nhớ thương.
Nằm giường tầng không hề là ác mộng, nó chỉ là ẩn dụ cho một cuộc sống sinh hoạt tập thể đầy mới mẻ và, ban đầu thì có vẻ, hào hứng. Tuy sinh viên đã quen sống nơi nhà trọ đông vui, nhưng sinh hoạt với khoảng… một tá bạn bè trong cùng phòng thì hẳn là chuyện khác.
Lịch trình dọn phòng, rửa bát và… đi tắm đều phải được lên trước một tuần, nhưng sẵn sàng lộn phèo chỉ vì một đứa lỡ ham chơi. Có những ngày vui vẻ hòa thuận với nhau, như là buổi tối cả phòng quyết định mua vài thứ đồ ăn về chia sẻ, hay là thầm nguyền rủa phòng bên vui tính rủ nhau ra hát lúc nửa đêm. Cũng có những ngày cãi nhau tung tóe, chỉ để luận tội đứa nào không chịu dậy tắt báo thức lúc sớm nay, hay là đứa nào chậm chạp khiến cả phòng bị phạt theo. Nhưng rồi cũng sẽ lại có những chiều mình cầm tay đứa mình ghét nhất, hồi hộp đợi nghe confession. Đêm cuối cùng ở với nhau, chẳng đứa nào ngủ, chẳng đứa nào khóc. Chúng tôi biết đêm cuối cùng đó sẽ đêm cuối cùng, sau này vẫn nhắc lại, sẽ chỉ là nhắc lại mà thôi.
Học cách yêu, ghét, giận, hờn với một tập thể là điều không dễ học, vậy mà Xuân Hòa đã dạy được chúng tôi điều đó.
Ở Xuân Hòa nơi nào có wifi sẽ rất đông đúc, mà vì đông đúc nên sẽ chập chờn. Vậy là ngoại trừ căng tin tấp nập (nơi phát wifi chùa), không gian tự nhiên là nơi sinh hoạt nhiều nhất của FTUers. Nhờ đó chúng tôi nhận ra, có thật nhiều điều thú vị khi làm cùng nhau, những điều mà chúng tôi vô tình quên mất, khi sống kết nối ảo quá nhiều. Chúng tôi làm đủ trò chơi xấu và chọc ghẹo lẫn nhau; nghe đàn ghi-ta và hát vang cùng người lạ; rủ nhau tìm nơi chụp ảnh, vắt óc nghĩ ra vạn kiểu dáng ngổ ngáo; kéo bè lũ đi xem bóng đá, bóng sọt, lăn lê đất cát để “chơi thể thao”. Không có wifi, chúng tôi trở trở về thành đám trẻ con, dựa vào thiên nhiên và bạn bè mà sống.
Ở thành phố nhiều chỗ wifi cũng yếu lắm, nhưng chẳng chỗ nào hạnh phúc và trong trẻo như Xuân Hòa.
Về thành phố rồi người ta cũng sẽ quên mất quãng thời gian ngày đó, nhưng chỉ cần nghe một đoạn nhạc, mọi thứ sẽ ùa về. Đoạn nhạc nhất định sẽ vang lên vào lúc 5 giờ sáng, đều như vắt chanh và chẳng lệch hôm nào. Thứ “âm nhạc” một thời là kẻ thù không đội trời chung, là kẻ đánh thức đáng ghét nhưng hiệu quả với FTUers. Đoạn nhạc báo thức 5 giờ sáng có lẽ là thứ hữu hình duy nhất FTUers “mang” được về nơi thành phố, với hi vọng sẽ giúp mình thành con người sớm mai, nhưng mãi mãi chẳng sống lại được cái cảm giác cũ, vừa phát điên vừa lồm cồm thức giấc, vì mình nào đâu có tắt được nó bao giờ. Kẻ phản diện năm nào một ngày vang lên giữa lớp học Ngoại thương bởi một kẻ tinh nghịch, khiến cả lớp ồ lên rồi lại lằng lặng. Rồi khi nào mình sẽ lại kéo chăn nhau gọi dậy, tán loạn mặc quân phục, hò hét để xếp hàng tập thể dục buổi sáng, quay lên quay xuống để đấm lưng bạn ở bên,…
Báo thức có thể mang về được, nhưng những thứ đằng sau đó thì mãi mãi ở lại Xuân Hòa.
Xuân Hòa năm ấy chúng tôi thiếu wifi, thiếu tự do và nhiều thứ khác. Nhưng cũng chính những cái thiếu ấy khiến chúng tôi nhớ da diết năm tháng Xuân Hòa vui vẻ và hồn nhiên. Rồi Xuân Hòa cũng sẽ vẫn thiếu, vẫn lạ lẫm và kỷ luật với hàng ngàn thế hệ FTUers tiếp theo. Nhưng Xuân Hòa vẫn sẽ đáng yêu, như nó đã đáng yêu ngay từ lần đầu tiên gặp Ngoại thương vậy.
Nếu mình có một cuộc đời ở Ngoại thương, thì Xuân Hòa sẽ là tuổi thơ của cuộc đời ấy. Quãng thời gian mình hồn nhiên và ngây ngốc yêu thương mọi thứ, mọi người và cả chính mình. Quãng thời gian mình muốn cũng chẳng thể quay lại được. Nhưng cũng vì thế mới đáng trân quý, đáng để xuýt xoa: “Cho tôi xin một vé về Xuân Hòa”.
Phương Thảo
Nguồn ảnh: Xuân Hòa – BUNG