YMCONLINE.COM – Đa số mọi người vẫn nghĩ rằng: học Quản trị Kinh doanh (QTKD) để sau làm sếp! Nghe thì thật to tát mà cũng thật mơ hồ, vì đâu ai tuyển sinh viên mới ra trường làm sếp bao giờ. Vấn đề này làm cho nhiều sinh viên khóa mới lo lắng, chần chừ khi lựa chọn. Vậy thực hư chuyện này như thế nào?
Học kỹ năng Quản trị
Nói là “học để làm sếp” thì không hoàn toàn đúng đâu. QTKD sẽ đào tạo phần lớn các môn chuyên ngành về kỹ năng mềm nói chung và kỹ năng Quản trị nói riêng. Đặc sản của khoa là bộ môn Phát triển kỹ năng – môn học dạy kỹ năng mềm ở bậc Đại học đầu tiên tại Việt Nam.
Các học phần chính của Chuyên ngành Quản trị Kinh doanh Quốc tế cũng tập trung đào tạo kỹ năng cho sinh viên. Dễ dàng nhận thấy một loạt tên các học phần đều có cụm từ “Quản trị”: Quản trị nguồn nhân lực; Quản trị tác nghiệp; Quản trị tài chính; Kế toán quản trị; Quản trị Marketing; Quản trị chiến lược; Quản trị dự án;… Chuyên ngành cũng đào tạo nhiều bộ môn đặc thù của QTKD như Kỹ năng lãnh đạo; Văn hóa doanh nghiệp; Khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ;… Chính vì hệ thống các môn học nghe “vĩ mô” như vậy, mà sinh viên QTKD thường được nghĩ là “học làm sếp”.

Có nhà Quản trị mới là Phờ Too.
Học bao quát các lĩnh vực kinh tế
Ngành QTKD đòi hỏi sự hiểu biết về tất cả các chuyên môn kinh tế để có thể điều hành được 1 doanh nghiệp. Do đó, trong khi các ngành khác sẽ dạy chuyên sâu về một lĩnh vực, thì sinh viên QTKD lại được học hầu hết các lĩnh vực một cách bao quát, từ Marketing, Kế toán, Thương mại đến Pháp luật, Bảo hiểm,… Vì vậy mà cơ hội nghề nghiệp cũng rất đa dạng: Phân tích đầu tư; Phát triển kinh doanh; Tài chính kế toán; Quản trị nhân lực;…
Bạn Thanh Huyền – K55 QTKD chia sẻ: “Bạn mình học Luật Thương mại Quốc tế, nhưng lại đam mê với Marketing nên phải tự tìm tòi học từ đầu. Mình cảm thấy may mắn vì QTKD dạy mọi thứ về kinh tế, nên dù mình có theo Marketing, HR, Kế toán hay Xuất nhập khẩu thì cũng không coi là trái ngành.”

Cái chi cũng biết chẳng lo trái ngành.
Môi trường năng động, gắn kết
Ở khoa QTKD, bên cạnh kiến thức và kĩ năng, sinh viên cũng có cơ hội được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Với mật độ các hoạt động dày đặc xuyên suốt năm học, khoa QTKD được xem là khoa gắn kết nhất của trường. Tiêu biểu phải kể đến Orientation Day (Ngày hội định hướng); Solidarity Day (Ngày hội chụp ảnh khoa); FBA’s Got Talents; FBA’s Prom;…

Khoa nào gắn kết như là khoa em?
Điều này giúp các FBA-ers năng động và tự tin hơn, do đó khoa cũng sở hữu nhiều gương mặt thành công ở các lĩnh vực ngoài kinh tế. Tiêu biểu có thể kể đến thầy Hoàng Anh Duy (Giảng viên – MC) hay Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh;…

Học là phải quẩy bét nhè thanh xuân.

Về đây Quản trị gánh gồng cùng em.
Tạm kết
Quản trị Kinh doanh không hoàn toàn chỉ “học làm sếp” đâu. Ở đây em sẽ được học nhiều thứ, về cả kiến thức, kỹ năng và thái độ. Nếu em là một người ưa thách thức, có tố chất tổ chức hay đơn giản là chưa tìm được nghề nghiệp phù hợp, thì QTKD chắc chắn phù hợp với em đó.
Cừu
Nguồn ảnh: Khoa Quản trị Kinh doanh; FBA Elite; Internet