Hội thảo G’Talk: Kinh tế chia sẻ – Những cái bắt tay thay đổi thế giới 2019

G'Talk 2019

YMCONLINE.COM – Ngày 21/01 vừa qua, hội thảo G’Talk: Kinh tế chia sẻ – Những cái bắt tay thay đổi thế giới 2019 được tổ chức bởi CLB Kinh tế Toàn Cầu (GEC) đã diễn ra tại Hội trường D201 với sự tham gia của đông đảo các bạn sinh viên. Hội thảo không chỉ cung cấp cho người tham dự kiến thức mà còn là cơ hội được giao lưu trực tiếp với các diễn giả nổi tiếng, có hiểu biết về nền Kinh tế chia sẻ.

Những cái bắt tay thay đổi thế giới

Hội thảo được tổ chức bởi CLB Kinh tế Toàn Cầu, đồng thời được đảm bảo chuyên môn bởi Viện Kinh tế quốc tế – Trường Đại học Ngoại thương. Buổi hội thảo có sự góp mặt của các diễn giả có kinh nghiệm, kiến thức sâu rộng về nền Kinh tế chia sẻ. Anh Phạm Nam Long – Founder & CEO Abivin Việt Nam, từng xuất hiện trong Shark Tank Việt Nam và thành công gọi được 200.000 USD từ Shark Dzung Nguyễn, tốt nghiệp Đại học Cambridge và từng lọt Danh sách 30 gương mặt trẻ tiềm năng 2015 do Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn. Chị Đào Thị Trang – Đồng sáng lập & CEO của Vaymuon.vn và thanhtoanonline.vn, thành công trong việc thiết lập Vay Muon là Nền tảng cho vay P2P đầu tiên tại Việt Nam trong 2 năm. Th.S Phạm Xuân Trường – Giảng viên khoa Kinh tế quốc tế Đại học Ngoại thương. Thầy không chỉ là một giảng viên tận tâm với môn kinh tế vĩ mô mà còn là một nhà bình luận kinh tế với phong thái diễn thuyết tự tin, trẻ trung, gần gũi và tràn đầy năng lượng.

Các diễn giả tham gia hội thảo G’Talk 2019.
Từ trái sang: Thầy Phạm Xuân Trường, chị Đào Thị Trang, anh Phạm Nam Long

Mở đầu buổi hội thảo, ba vị diễn giả đã đưa tới các bạn sinh viên tham dự những cái nhìn tổng quan về nền Kinh tế chia sẻ như định nghĩa, các mô hình Kinh tế Chia sẻ hiện có trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Kinh tế chia sẻ (còn được gọi là sharing economy hoặc tiêu dùng cộng tác) là một mô hình thị trường lai (ở giữa sở hữu và tặng quà) đề cập đến mạng ngang hàng dựa trên chia sẻ quyền truy cập vào hàng hóa và dịch vụ (phối hợp thông qua các dịch vụ trực tuyến dựa vào cộng đồng). Theo thầy Phạm Xuân Trường, nền kinh tế chia sẻ chính là hình thái mới của chủ nghĩa tiêu dùng – một nền kinh tế tập trung vào người mua. Chính nhờ sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ, cùng với sự ra đời của hàng loạt dịch vụ Grab, GoJek, Airbnb… đã thúc đẩy sự phát triển của công nghệ thông tin, ứng dụng nền tảng công nghệ vào kinh doanh.

chia sẻ về kinh tế chia sẻ
Các diễn giả chia sẻ về kinh tế chia sẻ (sharing economy)

Với muc tiêu tiện lợi hoá, linh hoạt mọi hoạt động dịch vụ, nền kinh tế chia sẽ đã khiến cuộc sống xã hội trở nên ngày một thuận tiện hơn. Tuy vậy, theo chị Đào Thu Trang, sự phát triển của này cũng gây ra tác động hai mặt tới xã hội. Lấy dẫn chứng là việc hàng loạt các sinh viên đại học tại các thành phố lớn bỏ bê việc học để làm công việc chạy Grab, Goviet, Be,… nhằm tìm kiếm mức thu nhập cao nhưng lại không có tính bền vững. Hay việc một số người xây thêm nhà để kinh doanh, cho thuê, mua thêm xe để chạy Grab,… Những việc này tuy đem lại lợi ích tức thời cho người kinh doanh, nhưng theo thầy Trường, nó đi ngược lại mục tiêu cốt lõi của nền kinh tế chia sẻ – tối ưu hoá hiệu suất của nguồn lực.

Kinh tế chia sẻ, thế giới và Việt Nam

Tiếp nối buổi toạ đàm, anh Phạm Nam Long đã đưa ra các ví dụ thực tiễn nhằm làm rõ ý nền Kinh tế chia sẻ đã có tác động thay đổi lớn tới nền kinh tế thế giới. Anh cũng đưa ra ý kiến đồng ý với quan điểm: “Trung Quốc là thiên đường của nền kinh tế sẻ chia”. Theo anh, bởi lẽ, với thị trường mở rộng, lượng người dùng lớn, nhu cầu về các dịch vụ tiêu dùng sẽ luôn tăng không ngừng. Còn theo thầy Trường, chiến lược, chính sách đúng chính là nhân tố để nền kinh tế chia sẻ tại Trung Quốc phát triển. Chính sự bảo hộ của chính phủ đối sự phát triển công nghệ thông tin còn non trẻ đã giảm bớt sự cạnh tranh của các start-up trong nước với các công ty lớn trên thế giới.

thầy Phạm Xuân Trường
Thầy Phạm Xuân Trường: “Chính sách khôn ngoan sẽ quyết định sự thành công của nền kinh tế”.

Bên cạnh đó, theo các diễn giả, sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ song hành cùng với sự phát triển của quá trình công nghiệp 4.0. Theo chị Trang, công nghiệp 4.0 phát triển sẽ dẫn đến phát triển về những cách tiếp cận trực tuyến và kết quả là có lợi cho bên “cung” khi tiếp cận khách hàng ngày một thuận tiện hơn. Còn về phía “cầu”, với phần lớn khách hàng tiềm năng là thế hệ Y, trong tương lai là thế hệ Z, việc sử dụng, tiếp nhận công nghệ thông tin là điều họ mong muốn được làm sẽ khiến họ thích thú với nền kinh tế chia sẻ hơn.

Trong phần liên hệ thực tế tới nền kinh tế Việt Nam, các diễn giả cũng đưa ra những quan điểm, lý giải về sự phát triển không đồng đều giữa các mô hình của nền kinh tế chia sẻ hiện đang có mặt tại Việt Nam. Anh Phạm Nam Long cho rằng, hiện nay, nền kinh tế Việt Nam tuy tiềm năng nhưng vẫn chỉ là một nền kinh tế nhỏ, chưa thực sự mang lại quá nhiều doanh thu cho các tập đoàn sử dụng mô hình kinh tế chia sẻ, chính vì vậy họ không tập trung đầu tư lớn vào Việt Nam. Và những yếu tố như ngôn ngữ, diện tích, dân số,… của Việt Nam cũng là yếu tố khiến các tập đoàn lớn không lựa chọn “dải đất hình chữ S” là nơi thử nghiệm các công nghệ, dịch vụ mới.

Giải bài toán thực tế cùng các diễn giả

Cuối chương trình, các bạn sinh viên được trực tiếp giao lưu với các diễn giả. Tại đây, các bạn được hỏi về những điều chưa rõ trong suốt buổi hội thảo, đưa ra các quan điểm cá nhân và cùng các diễn giả bàn luận. Chính những giờ phút giao lưu này là cơ hội để các bạn học hỏi được nhiều hơn, áp dụng những điều vừa nghe được trở thành bài học thực tế trong cuộc sống.

Nhũng cánh tay giơ lên thắc mắc về kinh tế chia sẻ.
Các diễn giả chụp ảnh cùng BTC.

Thu Hiền – Ngân Trần

Ảnh: CLB Kinh tế Toàn Cầu (GEC)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.