YMCONLINE.COM – Bốn năm đại học – khoảng thời gian không dài nhưng đủ để thay đổi một con người, và điều đó không phải ngoại lệ đối với những sinh viên FTU. Chặng đường bốn năm mang tên “Ngoại thương” gần đến hồi kết cũng là lúc những sinh viên năm cuối chuẩn bị sẵn sàng cho bước chuyển mình mới – “lên dây cót” cho một chương mới của cuộc đời…
Năm cuối rồi, được gì – mất gì?
Thời điểm cuối học kỳ I là lúc hầu hết những sinh viên năm cuối đã hoàn thành xong các học phần tín chỉ, chuẩn bị cho khóa luận tốt nghiệp hoặc tìm kiếm công việc thực tập phù hợp. Những nỗi lo, những áp lực vô hình đè nặng…
Mới ngày nào còn chập chững bước vào đại học, những cô cậu thiếu niên tuổi 18 tràn trề sức sống đứng xếp hàng nộp hồ sơ nhập học với biết bao hoài bão, khát vọng về những năm tháng đại học sắp tới. Vậy mà chớp mắt cái bốn năm trôi qua, những tân sinh viên ấy giờ đây đã trở thành những người anh chị sinh viên năm cuối sắp ra trường.
Bạn Lê Minh Tâm – sinh viên K56 chuyên ngành Kinh tế đối ngoại chia sẻ: “Trải qua bốn năm đại học, mình thấy bản thân được nhiều hơn mất. Về cái mất, điều mất mát lớn nhất với mình có lẽ là sự ngây thơ, nhưng chắc chắn đó là điều tất yếu phải xảy ra ở mỗi người. Càng lớn lên, mình càng thấu hiểu, biết nhiều hơn thì đồng nghĩa với việc ta phải mất dần đi nét ngơ ngác thuở ban đầu ấy. Còn về phần được thì lại nhiều lắm; bạn bè tri kỉ, kiến thức, kĩ năng, cách vận hành nhiều thứ. Mình học được cách nhận ra lỗi sai và sửa chữa lỗi sai ấy, rút ra được những bài học kinh nghiệm cho bản thân để thấy rõ mình hơn. Chính ra mình toàn được ấy chứ!”.
Bốn năm là khoảng thời gian không hề dài nhưng cũng đủ để định hình một con người. Giữa cuộc sống bộn bề, hối hả, liệu có lúc nào chúng ta dừng chân và ngoảnh đầu nhìn lại hành trình ta đi, những gì ta được, những gì ta đánh mất?
Phạm Ngân Giang, K56 chuyên ngành Kinh doanh quốc tế, chia sẻ chân thành về những điều hối tiếc sau 4 năm học tại đây: “Mình muốn được một lần học bổng, kể ra xung quanh ai cũng một lần đạt học bổng rồi. Mình nghĩ mọi người nên học hành tử tế, vì học hành ở Ngoại thương không đánh đố. Nếu chăm chỉ sẽ thu được trái ngọt và không bị lo sợ liệu mình có được bằng giỏi không như mình bây giờ.” Nhưng quan trọng hơn cả là những điều ta nhận được ở phía cuối chặng đường: “Ở FTU mình đã gặp được những người bạn tâm giao; trau dồi các kỹ năng mềm như research, thuyết trình, trình bày văn bản, làm một bản pptx,… Khá nhiều thứ có vẻ bé bé nhưng vô cùng quan trọng mà khi đi làm mình nhận ra.”
Còn Minh Tâm vui vẻ chia sẻ: “Điều hối tiếc nhất chắc là không có người yêu (cười). nói vậy thôi chứ thực ra đại học của mình đã quá đủ đầy rồi, có người yêu chỉ thêm thừa thôi! Tuy nhiên, nếu như cho mình làm lại thì chắc chắn mình sẽ cố gắng lấy bằng xuất sắc”.

Một thứ vô hình mang tên “Áp lực Peer pressure”
Áp lực đồng trang lứa – peer pressure là câu chuyện không của riêng ai. Đặc biệt là vào mùa này, khi sinh viên năm cuối đang thi nhau xin việc MT, Big4, MBB,… cộng với một loạt các cuộc thi tài năng trẻ cho sinh viên như Ứng viên tài năng, Kawai, TAC, I-Invest. “Các bạn kiếm tiền khủng trong khi mình vẫn đang cần bố mẹ chu cấp. Các cuộc thi MT, Big4 khiến mình cũng cảm thấy phải lao theo, phải làm sao để cũng vào những nơi “danh giá” đấy. Cũng bởi trường mình học xong thì làm gì cũng được nên càng bị khó lựa chọn và định hướng khi chuẩn bị ra trường. Mặc dù mọi người cố tránh không nghĩ, không áp lực nhưng mấy cái này nó tồn tại như không khí mình thở mỗi ngày, tránh cũng không tránh được.” – Ngân Giang chia sẻ.
Nhưng không biết rằng, không phải tất cả dự án vô địch Kawai đều thành công trong thực tế, người làm Big4 cũng có những lúc không biết tương lai sẽ thế nào, người làm MBB chưa chắc hạnh phúc hơn một nhân viên trong 1 công ty nhỏ. Không có ai định nghĩa được thế nào là giỏi nhất, vì mỗi người giỏi theo 1 cách khác nhau. Mỗi người có 1 lựa chọn, không có câu trả lời nào là hoàn hảo cho tất cả mọi người. “Áp lực có thể dìm mình xuống hoặc đẩy mình lên. Người sáng suốt thì sẽ tìm được cách lợi dụng áp lực để mình vượt lên.” – Ngân Giang chia sẻ – “Pressure makes diamonds”.

Nguồn ảnh: Phạm Ngân Giang.
“Lên dây cót” cho một chương mới cuộc đời
Chuẩn bị tâm thế vững vàng
“Đừng quá so sánh với người khác, hãy cố gắng trở thành phiên bản tốt hơn của mình”. Chỉ cần mình cố gắng hết sức để lấp đầy khoảng thời gian sống 1 cách ý nghĩa, cảm thấy mình đang giỏi lên là được. Thực tế, trong khi bạn đang áp lực vì nghĩ mình chưa làm được gì, thì cũng đang có rất nhiều người thấy áp lực khi nhìn thấy những gì bạn làm được đấy. Mọi người không “giỏi” như mình nghĩ, và mình cũng không “kém” như mình nghĩ đâu.
Đảm bảo bằng cấp “chuẩn” nhất trong giới hạn khả năng
Là sinh viên năm cuối, bạn đã hoàn thành gần hết số tín chỉ/ học phần trong ngành học của mình, bạn cần có sự tập trung để đảm bảo bằng cấp “chuẩn” nhất trong khả năng cho phép. Hiện nay, nhiều bạn quan niệm rằng bằng cấp không quan trọng, nhà tuyển dụng chỉ chú trọng đến kinh nghiệm nên “lơ là” trong việc học và “lao đầu” vào việc làm thêm. Tuy nhiên, chính suy nghĩ này sẽ trở thành “rào cản” cho bạn nếu muốn tiến xa hơn trong công việc.
Tranh thủ làm thêm khi có thể
Tranh thủ thời gian làm thêm là điều nên được khuyến khích vì đây cơ hội để bạn tích lũy thêm kinh nghiệm sống và vốn giao tiếp. Vào năm cuối – năm quan trọng để bạn định hướng nghề nghiệp tương lai, bạn cần có sự phân bổ thời gian thật sự hợp lý. Lựa chọn vị trí cộng tác viên/thực tập sinh hay việc làm “part – time” là rất cần thiết cho sinh viên năm cuối, bởi bạn vừa có thể linh động sắp xếp giờ học, có cơ hội tiếp xúc, làm quen dần với công việc vị trí thấp nhất để tích lũy dần kinh nghiệm cho bản thân.
Nói về câu chuyện ở thì tương lai, Minh Tâm chia sẻ về dự định tương lai của mình : “Chắc chắn ai cũng đều sẽ có những kế hoạch được ấp ủ cho tương lai, nhưng mình muốn được giữ nó cho bản thân. Nói trước bước không qua ý mà! ”. Còn Ngân Giang cũng bộc bạch: “Mình muốn trải nghiệm nhiều công việc khác nhau. Cứ thử, nếu không thuộc về nhau thì kiểu gì cũng phải chia tay. Còn bây giờ thì nghiên cứu thị trường việc làm và an yên về quê ăn cái tết cuối cùng dư dả thời gian với gia đình đã!”.
Tạm kết
Đối với những sinh viên năm cuối, chặng đường bốn năm dưới mái nhà Ngoại thương đã dần kết thúc. Đứng trước ngưỡng cửa vào đời, háo hức, lo lắng, bồn chồn, áp lực đều hiện hữu trong mỗi người, nhưng mong rằng các FTUers năm cuối sẽ chuẩn bị hành trang vững vàng và sáng suốt lựa chọn hướng đi riêng cho bản thân.
Tống Thảo – Racoon