YMCONLINE.COM – Sân trường tháng 12 của Ngoại thương chẳng khi nào lại không nhộn nhịp, không chỉ vì những sự kiện, những cuộc thi,… mà còn vì một hoạt động cực kì ý nghĩa với sinh viên năm cuối – chụp ảnh kỷ yếu. Vậy trong trang văn cuộc đời, kỷ yếu Ngoại thương là dấu câu gì đối với sinh viên năm cuối?
Kỷ yếu là dấu chấm than: Yêu thương cùng những kỉ niệm!
“Kỷ” có nghĩa là tập tài liệu, “yếu” là những điều cốt yếu. Tóm lại, “kỷ yếu” có thể coi là tập tài liệu ghi lại những điều quan trọng. Với học sinh, sinh viên và đặc biệt là sinh viên năm cuối sắp ra trường, kỷ yếu là nơi lưu giữ tất cả những kỷ niệm một thời trên ghế giảng đường.
Chẳng phải ngẫu nhiên ta nhìn thấy sinh viên Ngoại thương đi khắp nơi trong trường để chụp kỷ yếu, chứ ít khi lựa chọn những địa điểm khác ngoài trường. Từng ngóc ngách trong ngôi trường này đã lưu giữ biết bao vết tích của một thời thanh xuân được lấp đầy bởi kỷ niệm.



Tất cả những nơi ấy đều được lưu lại trong kỷ yếu khiến những tấm hình trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết. Những kỉ niệm sẽ trường tồn với năm tháng, vượt qua những quy luật băng hoại của thời gian.
Kỷ yếu là dấu lặng: Thêm trân trọng những mối quan hệ…
Kỷ yếu cũng là một dịp để ta quây quần bên các người bạn đã cùng ta đi suốt những năm tháng Đại học. Cuộc sống của một sinh viên năm cuối vốn dĩ đã nhanh, bộn bề với những công việc thì đây là một dịp để nhìn lại cả một chặng đường trong bốn năm. Đây cũng là dịp để ta thể hiện sự trân trọng của mình với những người đã góp phần tô điểm cho bức tranh cuộc sống ta. Đó những người bạn, anh chị em mà ta yêu quý – những người ta coi như một gia đình…


Nguồn ảnh: Lê Minh Tâm
Bạn Minh Tâm, K56 Kinh tế đối ngoại chia sẻ: “Trong kỷ yếu năm cuối, mình muốn lưu trữ lại những gương mặt ở bên cạnh mình khi đó. Nhỡ sau này không còn chơi với nhau nữa thì còn có kỷ yếu để nhớ lại, nếu không sẽ tiếc lắm đó!”
Kỷ yếu là dấu phẩy: Bước sang một “mệnh đề” mới
Có lẽ một trong những lý do chỉ có sinh viên năm cuối mới chụp kỷ yếu là bởi đây như một lễ tổng kết lớn cho những năm ở giảng đường Đại học vậy. Đây là cột mốc đánh dấu một chặng đường đã qua – bốn năm tuy không dài nhưng đủ để hình thành, phát triển và thay đổi một con người. Bộ kỷ yếu đối với sinh viên Ngoại thương nói riêng và sinh viên năm cuối nói chung giống như nơi để nhìn lại bản thân mình, những gì mình đã làm, những gì mình đã nhận được để bước tiếp sang một giai đoạn mới.
Với tâm thế của sinh viên năm cuối tràn đầy bộn bề âu lo về tương lai, kỷ yếu như một cách để tiếp thêm động lực cho mỗi cá nhân. Trong bốn năm đó, mỗi người đã không ngừng miệt mài, chăm chỉ cố gắng để cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp. Khi xem lại những bức hình, ta lại có thể một lần nữa cười thật tươi để bước tiếp, vượt qua mọi khó khăn, chào đón những thách thức mới của cuộc đời.


“Thật ra ai ở độ tuổi ra trường này cũng sẽ trải qua “khủng hoảng tuổi đôi mươi”, căng thẳng lắm. Anh đã từng xem một bộ phim có tên “Lost in translation”. Nó diễn tả một phần nỗi cô đơn của sinh viên mới ra trường và anh có thể nhìn thấy một phần của bản thân mình trong đó. Mình vừa muốn làm nhiều thứ, vừa chẳng biết phải làm gì với cuộc đời mình, lại chẳng có gì trong tay cả. Mọi thứ sẽ trở nên mông lung, khó khăn hơn rất nhiều với những thanh niên chập chững bước vào đời như bọn anh. Nhưng những tấm ảnh kỷ yếu sẽ luôn đóng vai trò là động lực tinh thần của anh thời gian sau này!” – Bạn Nguyễn Việt Anh, sinh viên K56 chuyên ngành Kinh tế đối ngoại chia sẻ.
Tạm kết
Trong trang văn cuộc đời của mỗi FTUer năm cuối, kỷ yếu lại đóng vai trò của một dấu câu khác nhau. Dù là dấu chấm than, dấu lặng hay dấu phẩy, kỷ yếu đều đã góp một phần khiến “trang văn” của ta thêm sinh động, ấn tượng hơn. Vậy với bạn, kỷ yếu Ngoại thương là dấu câu gì?
Tee – Racoon