YMCONLINE.COM – Bước vào ngưỡng cửa Đại học, chắc hẳn không ít K57 cảm thấy sự khác biệt giữa giáo viên cấp 3 và giảng viên Đại học. Không còn sự chăm lo kĩ càng như cha mẹ của giáo viên cấp 3, giảng viên FTU lại giống như những người bạn của sinh viên hơn. Nhân dịp 20/11, hãy cùng Yo! khám phá những “người bạn xịn sò” này nhé!
Làm thầy một cách thật “đỉnh”
Khác với ở cấp 3, các môn học ở Đại học dù là đại cương hay chuyên ngành thì đều có khối kiến thức rất nặng kèm theo những cuốn giáo trình dày hàng trăm trang. Thấu hiểu điều đó, cô Quỳnh Hà – giảng viên môn Nguyên lí 2 luôn cố gắng giảng bài “thoát giáo trình” và sử dụng cách thức giảng dạy riêng. Cô luôn cố gắng giảng theo từng ý chính, tóm gọn nhưng vẫn đầy đủ nội dung kiến thức và gắn bài giảng với những thứ sinh viên quan tâm. Việc này không chỉ giúp việc học bài trên lớp hiệu quả hơn mà việc ôn tập môn Nguyên lí 2 cũng không còn là “ác mộng” đối với các FTUers nữa.
Cô Quỳnh Hà – con người của những triết lý.
Hay cô Lệ Yên – giảng viên môn Kinh tế vi mô lại được sinh viên yêu thích vì những ví dụ thực tiễn gắn liền với bài học. Những câu chuyện nhỏ trong cuộc sống hàng ngày như: mua xăng, mua rau tưởng chừng vụn vặt lại được cô liên hệ tới cung – cầu, sức mua, thị trường,… Một điển hình nữa cho cách giảng dạy trên là thầy Nguyễn Văn Minh – khoa cơ bản. Bằng vốn kiến thức phong phú và cái “duyên” trong cách nói chuyện của mình, mọi bài giảng của thầy đều đem đến cho sinh viên không ít sự thích thú. Cách giảng dạy như vậy khiến sinh viên không chỉ hiểu bài mà còn ứng dụng được vào thực tế đời sống.
“Tầm giờ kinh doanh cà phê là lãi lắm này. Các cậu cứ bê cà phê đứng ở thang máy là người ra người vào, sau có lãi mua hẳn cái máy tự động rồi chỉ việc thu tiền” – Thầy Minh
Nói về mô hình giảng dạy tạo điều kiện cho học sinh phát triển, không thể bỏ qua các giảng viên bộ môn Phát triển kỹ năng. Đúng như tên môn học, các bạn sinh viên thay vì ngồi ở lớp học lý thuyết lại được phát triển tối đa kỹ năng mềm. Công việc sẽ là tự làm những video thú vị, tự đi check-in những địa điểm nổi tiếng của Hà Nội, bắt những tin “hot” hằng ngày… Với mô hình học tập như vậy, giảng viên đã tự lùi bước về phía sau và lấy sinh viên làm trung tâm của việc giảng dạy.
Giảng viên FTU, họ còn là những người bạn “hịn”
Không chỉ giúp sinh viên phát triển kỹ năng trong việc học tập và nghiên cứu, các giảng viên FTU còn có mối quan hệ vô cùng gần gũi với sinh viên. Nói cách khác, họ vừa là thầy vừa là “bạn” với sinh viên. Trong logic học, đó là phép hội. Họ không chỉ trò chuyện với sinh viên, mà còn biến những bài giảng khô khan trên lớp thành những buổi chia sẻ về những vấn đề trong cuộc sống. Những thứ giảng viên cung cấp cho sinh viên thường giàu giá trị về kỹ năng sống, giúp sinh viên phần nào tự hoàn thiện bản thân. Thầy cô cũng sẵn sàng dành thời gian giải đáp, chia sẻ và đưa ra những lời khuyên có ích giúp các bạn giải quyết những khó khăn, thắc mắc. Bạn Quang Minh K56 – TNTM trong một status trên Facebook đã chia sẻ rằng:
Hôm nay, mình nếm trải con D đầu tiên đời sinh viên. Nhìn bảng điểm, chợt mỉm cười trong đau đớn “Wow, cuối cùng thì cũng gần đủ bộ rồi, thiếu F nữa thôi.”
Sau khi xem được điểm, cô chủ nhiệm, kiêm dạy hầu hết môn Nhật nhắn tin…
Mình luôn có một suy nghĩ là lên ĐH, mọi người chẳng còn quan tâm đến nhau. Bạn bè, thầy cô, rồi này nọ. Vậy mà cô Quỳnh là một trong “số ít” Gv ở FTU khiến mình phải xem xét lại định kiến đó.
Những lần thi nói, khả năng nghe của mình khá kém nên toàn phải hỏi lại giám khảo. Những lần ấy cô đều nhẹ nhàng hỏi chậm rãi lại để mình bình tĩnh hơn.
Mình còn nhớ hồi ở Xuân Hòa, vào những ngày mình yếu đuối nhất, mình không còn ai ở bên cạnh. Tối một hôm nào đấy, mình nhận được 1 con C Nhật. Lúc đấy mình gọi cho cô Quỳnh, xin cô cho xuống D để học cải thiện. Nhưng cô nhất quyết không cho. Cô bảo, nếu học cải thiện, mình sẽ mất thời gian, mất công sức, tiền bạc. Và, mình sẽ không học cô mà 1 người khác. Cô bảo cố mà thi N sớm đi. Lúc đấy mình cũng ấm ức lắm. Nhưng đến giờ thấy điều đó thật đúng. Đó cũng sẽ là cách mình đối diện với điểm C, D sau này. Không xin xuống, không học cải thiện.
Chuyện mình đi làm thêm, chắc bạn bè vài đứa biết, chứ làm sao cô lại có thể biết được… Nhưng nào ngờ, cô vẫn luôn ở sau để dõi theo những gì mình làm. Điều mà mình thấy bất ngờ hơn, là ở khoa mình sẽ có vài sv được gọi là “con cưng”, tức là điểm cao, học bổng đều đều, ngoan ngoãn. Mình thì chắc chắn chả bao giờ ở trong cái list con cưng đấy rồi. Vậy mà vẫn nhận được sự quan tâm như thế này.
Xin được íu mềm vài giây phút vì sự quan tâm này của giảng viên. Cơ mà em vẫn xin lỗi cô vì em không thể nghỉ làm tại #88Agency được ạ. Và cảm ơn cô, vì tất cả ạ <3
Dù ở Bắc Cực cũng thấy ấm áp khi nhận được tin nhắn này của thầy cô.
Bên cạnh đó, các thầy cô cũng thấu hiểu những nỗi lo về mặt tài chính của các sinh viên phải sống xa nhà. Những câu hỏi như: Làm sao để “sống sót” đến hết tháng với 200k? Đào đâu ra tiền học lại? Tuần sau là Black Friday?…luôn cần được trả lời. Tìm một công việc part-time góp phần trang trải cuộc sống là điều ai cũng muốn nhưng chưa bao giờ là chuyện dễ bởi cuộc không chỉ có màu hồng. Các vụ việc sinh viên lâm vào cảnh “tiền mất tật mang” khi tìm việc làm thêm là minh chứng rõ nhất cho vấn đề này. Các giảng viên lại sắm vai là những người bạn với sự giúp đỡ tuyệt vời trong hoàn cảnh này. Họ giới thiệu cho sinh viên những công việc ở các chỗ làm uy tín, chỗ thân quen. Đặc biệt, không ít FTUers có được những suất học bổng đi trao đổi “xịn sò” nhờ một phần vào thư giới thiệu của các thầy cô đấy!
Được thầy chủ nhiệm giới thiệu chỗ làm như vậy thì chẳng cần lo đến vấn đề uy tín.
Một năm chỉ có một ngày 20-11 nhưng không có nghĩa 364 ngày còn lại là những ngày vô nghĩa. Yo! News xin thay mặt các bạn sinh viên gửi đến các thầy, cô một lời chúc 20-11 muộn. Chúc mọi ngày của thầy cô đều là 20-11.
Mùa hè là lúc Ngoại thương đón chào vô vàn các cuộc thi nảy lửa và hấp dẫn do các câu lạc bộ trong trường tổ chức. Vậy các bạn sinh viên có thể nhận lại những giá trị gì khi dấn thân tham gia những cuộc chơi này?