Nghe người Ngoại thương kể chuyện “Nhà” ở Ngoại thương: Nhiều hơn 2 chữ “gia đình”!

YMCONLINE.COM – “Ngoại thương là nhà và chúng ta là một gia đình” hẳn đã trở thành châm ngôn với bao thế hệ FTUers. Nhưng chỉ khi gắn bó với nơi này qua năm tháng, ta mới càng thấm thía nhiều hơn thế. Bởi dù là hình thức nào, ở Ngoại thương, luôn có một thứ tình cảm đã khắc sâu thành văn hóa – “văn hóa gia đình”.

Ở Ngoại thương, chúng ta có “nhà”

Nếu là một FTUer chính hiệu, chắc hẳn bạn sẽ được nghe rất nhiều loại văn hoá khác nhau ở ngôi trường năng động này. Không chỉ dạy sinh viên kiến thức, Ngoại thương còn cho chúng ta một môi trường thoả sức khám phá bản thân, không ngừng mở rộng giới hạn. Trong môi trường ấy, “văn hoá gia đình” là chỗ dựa vững chắc nhất để FTUers phát triển.

“Điều lý thú nhất đó chính là văn hóa gia đình dường như có trong DNA của tất cả FTUers. Mỗi CLB, mỗi lớp học hay mỗi hội nhóm đều có sự gắn kết rất tự nhiên, mà chính mình khi trải nghiệm qua cũng có chút bất ngờ.”, bạn Ngọc Tín, K59 chuyên ngành Kinh tế đối ngoại chia sẻ.

“Văn hóa gia đình” từ lâu đã là một phần của FTU

“Văn hóa gia đình” là một nét bản sắc có một không hai ở FTU, giúp khơi nguồn và phát triển được tinh thần năng động, tài năng và sức trẻ của sinh viên FTU. Với hơn 40 CLB và tổ chức đa dạng, các bạn sinh viên có thể thỏa thích lựa chọn CLB phù hợp với định hướng của bản thân mình trong tương lai để gắn bó.

Tại Ngoại thương, các bạn được trau dồi đáng kể về kỹ năng cũng như học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị đi trước. Bên cạnh đó, là cơ hội thử thách bản thân mình trong một môi trường năng động, chuyên nghiệp với những người bạn có cùng chung niềm đam mê và chí hướng. “Điều này giúp tạo nền móng vững chắc cho các bạn khi tiến tới một môi trường làm việc nghiêm túc sau này.” (Hà My, K59 CLC Kinh doanh quốc tế).

CLB cho bạn một môi trường đầy năng động và sáng tạo

“Nhà” của bài học mới

Tham gia các CLB, tổ chức dưới mái trường Ngoại thương, sinh viên sẽ nhận được không chỉ một “mái nhà” nhỏ để sẻ chia những kỷ niệm đời sinh viên đáng nhớ, mà còn là những kiến thức thực tế, kỹ năng hữu ích – hành trang cho con đường của mỗi người sau này. Khánh Hạ, K59 Tài chính quốc tế và là thành viên CLB Marketing, bộc bạch: “Ở MaC, những giá trị mà mình nhận được không chỉ xoay quanh lĩnh vực Marketing, mà còn có những sự kiện và hoạt động ở mảng HR, Sales… giúp mình có cái nhìn đa dạng và toàn diện hơn ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề”.

Còn đối với Minh Chi, sinh viên K59 chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, tham gia vào CLB Truyền thông YMC là “lựa chọn đúng đắn nhất mình từng làm”, giúp Chi khám phá được những giới hạn mới của chính bản thân. “Từ một người không biết gì về design hay truyền thông thì giờ mình cũng biết dùng một chút Ps, Ai, Premiere…Mình cũng phải chủ động quản lý thời gian, công việc của mình để cân bằng việc làm và học, cũng như học được cách trở nên tích cực hơn, tự tin hơn”.

Sinh hoạt tại các “mái nhà” nhỏ giúp tăng thêm nhiều tri thức

Những bài học quý giá về kinh nghiệm trong cuộc sống cũng là “chất keo” bền chặt, gắn bó những FTUers và cùng nhau phát triển. Ngọc Tín cho rằng: “Cái mà mình thích nhất khi nói chuyện với các bạn đó là sự cầu tiến và góc nhìn thực sự rộng của họ. Thông qua những câu chuyện ấy, mình có thêm những suy nghĩ, trải nghiệm thực sự mới mà chính mình cũng chưa từng nghĩ tới”

Hơn cả, là những lời khuyên quý giá

Là một phần của tổ chức thanh niên độc lập phi lợi nhuận nổi bật ở Ngoại thương, Huyền Trang, sinh viên K59 chuyên ngành Kinh doanh quốc tế, chia sẻ rằng “AIESEC là trải nghiệm đổi đời”, đem lại niềm tin cho bản thân. “Vào AIESEC, mình nhận được cơ hội học hỏi, được tiếp thu những giá trị mới, là sự thay đổi cả về mindset lẫn cách nhìn cuộc sống. AIESEC khiến mình tin tưởng thêm vào tiềm năng của mỗi con người, rằng Leadership can be developed in anyone as long as you believe in yourself ! (Khả năng lãnh đạo có thể phát triển ở bất cứ ai, miễn là bạn có niềm tin vào chính mình)”.

“Nhà” của sự sẻ chia

Điều quan trọng nhất làm nên màu sắc đặc trưng cho văn hóa gia đình tại Ngoại thương đó là sự đùm bọc, giúp đỡ và sẻ chia giữa các thế hệ. FTUers luôn biết cách dành tình cảm cho nhau bất chấp khoảng cách hay tuổi tác. Có người tìm đến Ngoại thương như một nơi để giãi bày nhiều thứ, tìm những người đồng hành cùng mình trong những năm tháng sinh viên.

Kỉ niệm mà cho đến bây giờ mình cảm thấy đáng nhớ nhất vẫn là những ngày được sinh hoạt cùng nhau tại Xuho. Bọn mình tâm sự và kể cho nhau nghe những chuyện chưa bao giờ kể, thổ lộ những điều chưa bao giờ nghĩ là sẽ dám nói. Những ngày tháng ở đó, mình cảm nhận rõ hơn thứ tình cảm vô hình tựa như tình cảm gia đình ngay giữa nơi xa lạ này vậy!”, Cẩm Ly, K59 Kinh tế đối ngoại chia sẻ về mái nhà Anh 5 của mình.

Tình cảm là nơi gắn kết những “người Ngoại thương”

Còn với Ngọc Tín, những lúc chuyện trò như thế, cậu lại cảm thấy bản thân như được khai phóng, giống như mảnh đất khô cằn tìm được cơn mưa đầu mùa vậy. Bởi “đó là gia đình, là tình thương và là nơi sự sẻ chia được nâng lên làm tôn chỉ.”

Ở cấp độ rộng hơn, văn hóa gia đình đã thể hiện rõ nhất qua sự tương trợ, sẻ chia kịp thời trong đợt dịch vừa qua. Từ khi nhận thông tin, ngay lập tức đã có những chuyến xe hỗ trợ từ số 91 Chùa Láng băng qua những tuyến đường, đến từng ngõ nhỏ tiếp sức cho các bạn sinh viên. Nhắc lại kỷ niệm ấy, Khánh Hạ và Cẩm Ly không khỏi bồi hồi: “Ở FTU, mình thấy khoảng cách giữa người với người dường như được kéo lại gần hơn. Khi hành động đẹp ấy được chia sẻ và lan tỏa, dù cách xa Hà Nội hàng trăm cây số, trái tim mình cũng cảm thấy rất ấm áp và tự hào.

Những chuyến xe đi về miền thương

Và hơn cả, “Nhà” là nơi để nhớ

Sẽ không hiểu giá trị gia đình tại Ngoại thương thắm thiết đến mức nào cho đến khi phải rời xa nơi ấy. Đã gần 5 tháng kể từ ngày tạm xa Ngoại thương vì bối cảnh chung của đất nước, nên những mái nhà nhỏ của mỗi người càng hằn sâu vào nỗi nhớ.

Một năm qua ở YMC thực sự đã cho mình rất nhiều kỉ niệm, đặc biệt là nghỉ dịch nên lại càng nhớ hơn. Nhớ nhất chắc là hôm phải ở lại trường đến tận 11 rưỡi đêm để chuẩn bị cho Đánh thức Tết. Tuy mệt thật nhưng mà rất vui ấy vì ngày nào mình cũng được dính với các YMCer mà. Nếu mà được quay trở lại ngày ấy thì mình vẫn gật đầu ngay.”, Minh Chi hóm hỉnh kể lại.

Ngoại thương là nơi để nhớ

Thời gian ở Ngoại thương, gắn bó với mái nhà cùng những người nhà nơi đây đã tạo nên cho biết bao thế hệ một góc tâm hồn và một bản lĩnh thật vững chắc. Xin phép trích lời anh Mai Tiến Thành – tân Thủ khoa đầu ra của Đại học Ngoại thương: “Sau này đây, dù đi đâu hay làm công việc gì đi chăng nữa thì bản sắc Ngoại thương đã trở thành huyết mạch chảy mãi trong người chúng em và chúng em luôn tự hào vì điều đó.

Đọc thêm: Nội san Sức trẻ số 66 – Nhà

Ngoại thương là nhà và chúng ta là một gia đình

Tạm kết

Văn hóa gia đình ở Ngoại thương, với muôn màu vạn trạng những câu chuyện và cung bậc vẫn đang ngày ngày hiện hữu và đồng hành cùng FTUers qua năm tháng. Vậy các bạn K60 newbies đã sẵn sàng để viết tiếp những chặng đường của mình cùng gia đình Ngoại thương hay chưa?

Raccoon – Quốc Việt

Nguồn ảnh: Internet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.