Người thầy Quân sự: Nhớ mãi một “Thời Xanh” của Ngoại thương

YMCONLINE.COM- Đối với những chiến sĩ trẻ từ Ngoại thương, 21 ngày trên thao trường là những kỉ niệm đáng nhớ nhất của tuổi trẻ. Nhưng chính FTUer cũng để lại ấn tượng khó phai trong lòng những người thầy nơi đây.

Những ngày cuối cùng kì Quân sự đợt 1, chúng tôi có cơ hội lắng nghe những chia sẻ của những người thầy đã đồng hành với FTUers trong 21 ngày tại hai khu Quân sự: Xuân Hòa và Hùng Vương. Thầy Vũ Duy Huy, thầy Trần Hữu Tuấn, thầy Hà Đức Trọng – Phó đại đội trưởng đại đội 1 từ Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (TTGDQP&AN) Xuân Hòa cùng thầy Nguyễn Anh Quân và thầy Nguyễn Tiến Dũng – giảng viên TTGDQP&AN trường Đại học Hùng Vương, tuy với những kỉ niệm khác nhau, đều có chung ấn tượng tốt đẹp về những sinh viên Ngoại thương K61: những người lính nhiệt huyết mà giàu tình cảm.

Ấn tượng đầu tiên của thầy về kì quân sự của FTUer K61 là gì?

Thầy Huy: Ngay khi Trường Đại học Ngoại thương bước xuống xe, trời bắt đầu đổ mưa to. Khi đó, thầy, với cương vị là phụ trách ký túc xá (KTX) nhà A, đã rất vất vả. Bởi các bạn mới đến, tay thì cầm balo, tay kéo vali trông rất nặng nề mà còn gặp thời tiết mưa, rét như vậy. Thật ra, đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi thầy quản lý có một trận mưa to như thế khi đón quân. Khi đó, thầy cũng đã nhanh chóng hô hào, đẩy các bạn lên KTX, nhưng cũng phải mất 5 phút các bạn mới ổn định. Lúc ấy, thầy gần như là ướt hết người nhưng vẫn phải tiếp tục công tác hết buổi sáng hôm đó: đi phân phòng, biên chế các bạn về vị trí phòng ở, kiểm tra quân số, điểm danh, phân các bạn về các đơn vị và hướng dẫn các bạn đi ăn. Ngày đầu tiên thực sự là một hôm rất mệt mỏi với các thầy. Song, thầy nghĩ, đâu đó đây cũng là một kỷ niệm đặc biệt, một cái để chúng ta nhớ đến kỳ học quân sự, nhớ đến cơn mưa khiến chúng ta có mặt tại nơi đây.

Thầy Vũ Duy Huy – Phó đại đội trưởng đại đội 1 từ Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (TTGDQP&AN) Xuân Hòa

Những ngày đầu sống trong môi trường quân đội, các bạn sinh viên đã được trải nghiệm những gì? Môi trường mới có khiến các bạn sinh viên cũng như các thầy gặp nhiều khó khăn?

Thầy Tuấn: Ở khu quân sự, môi trường sống của các bạn sẽ rất khác với cuộc sống sinh viên lúc còn ở Hà Nội. Ở đây, các bạn được trải nghiệm những “lần đầu”: lần đầu phải dậy sớm liên tục với giai điệu du dương của kèn hiệu lệnh, lần đầu quét cái sân to đến vậy, lần đầu bắn súng, lần đầu ném lựu đạn, lần đầu bị báo động giữa đêm…Nhiều bạn chưa thích nghi được với điều đó. Trong đó, thầy đặc biệt nhớ một lần, các sinh viên FTU ở KTX nhà B đã thả hàng trăm lượt biểu tượng cảm xúc khi thấy tên phòng được thông báo vi phạm trật tự nội vụ vệ sinh của đơn vị trong hội nhóm Zalo KTX để được “vui vẻ” đi lao động.

Thầy Quân: Thời gian 21 ngày các bạn học tập và rèn luyện tại TTGDQP&AN có rất nhiều các hoạt động ngoại khóa cũng như hoạt động học tập và nhiều bạn sinh viên chưa làm quen được với môi trường đã dẫn đến việc sức khỏe bị giảm sút.


Thầy Dũng: Trong học tập, các sinh viên Ngoại thương có thể gặp khó khăn trong việc hiểu và áp dụng một số khái niệm, quy định pháp luật, đặc biệt là khi các sinh viên không có nền tảng về luật pháp.

Thầy Trần Hữu Tuấn – giảng viên Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (TTGDQP&AN) Xuân Hòa

Người lính FTUer đã thích nghi thế nào với cuộc sống trong môi trường quân đội?

Thầy Huy: Trong quá trình giảng dạy, thầy thấy các bạn sinh viên Ngoại thương đã chủ động, tiếp thu nhanh kiến thức được học. Như trong Học phần 4, các thầy ở trung tâm đã phản ánh lại là đội Ngoại thương năm nay bắn rất tốt, cả một trung đội đa số bắn được điểm rất cao, thậm chí có rất nhiều điểm 10. Không những vậy, các bạn còn sáng tạo ra 1 phương pháp bắn rất hay: Khi không thể nào nhắm được mắt trái lại, các bạn đã gấp vài tờ giấy, che nửa mắt trái và bắn, trong đó có bạn còn làm những hình vẽ thú vị như hình cướp biển.

Trong quá trình quản lý, thầy nhận thấy rằng các bạn, từ những cô cậu học trò mới những ngày đầu không biết lối sống trong quân đội, thông qua 21 ngày, đã tự biết gấp chăn màn, giặt quần áo, và có những phát ngôn, câu nói chững chạc hơn, khẳng định mình trưởng thành hơn so với trước khi đi quân sự.

Thầy Trọng: Mới đầu, nhiều bạn đã gặp khó khăn trong việc hòa nhập với lối sống tập thể. Song các bạn đã dần thích nghi và có cho mình những người đồng chí, đồng đội cùng nhiều kỷ niệm bên nhau. Như tiểu đội 16 đã có 1 hoạt động ý nghĩa mà chưa có khóa học nào làm được. Các bạn đã tự giác tập trung lại để cùng rút kinh nghiệm và mua đồ ăn nhẹ liên hoan với nhau. Rất tình cảm, ý nghĩa và đáng nhớ.

Thầy Hà Đức Trọng – Phó đại đội trưởng đại đội 1 từ Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (TTGDQP&AN) Xuân Hòa

Sau 21 ngày sinh hoạt cùng những người lính FTU, thầy có cảm nhận được sự thay đổi của những “chiến sĩ” FTU?

Thầy Trọng: Sau 7 khóa sinh viên Ngoại Thương, thầy phát hiện một truyền thống được các bạn gìn giữ qua từng thế hệ và biểu hiện bằng hoạt động của các CLB và Đoàn trường. Đó là sự năng động. Như năm nay, các bạn tổ chức rất nhiều hoạt động từ phát thanh, văn nghệ của các CLB, hoạt động thể thao của FSC đến võ thuật của FBIS… Món nào các bạn cũng làm được và hoạt động nào cũng đều để lại những điểm nhấn và đặc sắc rất riêng.


Thầy Quân:  Sau khóa học của sinh viên K61 Trường Đại học Ngoại thương, thầy có ba chữ N để nhận xét về các bạn sinh viên. Đó là năng động, nhiệt huyết và đôi chút ngây ngô. Đối với từ năng động và nhiệt huyết thì từ trước đến nay, sinh viên Ngoại thương luôn mang trong mình sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, năng động trong từng hoạt động các bạn tổ chức và tham gia. Còn nói về từ ngây ngô thì đây là cái sự ngây ngô của tuổi 18, 20, một sự ngây ngô hết sức là đáng yêu và thầy hy vọng rằng các bạn sinh viên K61 Trường Đại học Ngoại thương vẫn sẽ mang cho mình sự ngây ngô đấy để chúng ta có một tuổi thanh xuân trọn vẹn và đẹp nhất.

Thầy Nguyễn Anh Quân – giảng viên TTGDQP&AN trường Đại học Hùng Vương
Thầy Quân trong bộ thường phục

Thầy muốn nhắn gửi điều gì tới những bạn đã, đang và sẽ đi học quân sự?

Thầy Tuấn: Học quân sự là một trải nghiệm thú vị và không nên bỏ lỡ, bởi vì đôi khi lỡ hẹn một giờ, lần sau muốn học phải chờ năm sau. Chúc các bạn luôn chân cứng đá mềm, kiên trì vượt qua những khó khăn, thử thách để hoàn thiện bản thân hơn nữa. Thân ái và quyết thắng!


Thầy Dũng: Học kì quân sự là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của mỗi người, nó giúp cho các bạn có thêm những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phục vụ cho sự nghiệp và cuộc sống sau này. Đồng thời, đó cũng là cơ hội để các bạn rèn luyện bản thân, rèn tính kỷ luật, sự tự giác, tinh thần đoàn kết và sẵn sàng vượt qua khó khăn, thử thách. Trong quá trình học tập và sinh hoạt tại trường, các bạn hãy luôn giữ vững đạo đức, phẩm chất tốt, luôn tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định, quy chế của trường. Hãy học tập, rèn luyện và phục vụ với tinh thần trách nhiệm, tôn trọng, yêu nước, vì sự phát triển của đất nước và nhân dân. Chúc các bạn thành công!

Thầy Nguyễn Tiến Dũng – giảng viên TTGDQP&AN trường Đại học Hùng Vương

Tạm kết

Học kì quân sự dù đã trở thành một phần không thể thiếu trong những năm tháng đại học, tuy vậy, chẳng vì thế mà trong con mắt của những người thầy lại không có những ấn tượng, kỉ niệm khó quên với mỗi học sinh, để rồi trở thành những người nắm giữ những kí ức thời xanh tươi đẹp của các khóa sinh viên. 

Chân thành cảm ơn các thầy đã tham gia phỏng vấn!

Minh Hoàng – Trang Nhung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.