YMCONLINE.COM – Các bạn có thấy câu nói này quen thuộc không? Đúng vậy đấy, đây là một trong những câu nói kinh điển của thầy Trần Đắc Lộc. Khi ngày nào ở Ngoại thương, bạn cũng được nghe những trăn trở “a bê xê ích y dét” về chuyện làm đúng ngành hay trái ngành, thì việc “làm kinh tế” chỉ bằng cách “học giỏi” nghe thật đơn giản nhỉ? Thực hư chuyện “làm kinh tế” này như nào, cùng khám phá nhé.
Chiến lược trong ngắn hạn
Là sinh viên kinh tế, chắc các bạn đã quá quen thuộc với những cụm từ “ngắn hạn” và “dài hạn”. Rõ ràng, mọi chiến lược ngắn hạn đều dễ thực hiện hơn dài hạn (tỉ dụ như việc khuyến khích mang theo cốc đựng tới quán trà sữa để được giảm tiền thay vì để bảo vệ môi trường!). Vì mọi người thường quan tâm tới lợi ích trước mắt mà không mấy để ý đến ích lợi về lâu dài.
Ở Ngoại thương, chiến lược ngắn hạn được áp dụng triệt để vào giáo dục, cụ thể là chế độ học bổng khuyến khích học tập (KKHT) của nhà trường. Thậm chí, theo thầy Lộc, tổng số tiền mà một sinh viên có thể nhận được trong cả khoá học có thể lên đến vài trăm triệu đồng! Đấy, vài trăm triệu đồng thì chẳng “kinh tế” quá còn gì.

Học bổng trường F cũng quá ư là nhiều loại đi. Học bổng A, B, C, D, E, rồi học bổng của các tổ chức bên ngoài, có ở hầu hết các thời điểm trong năm học. Giá trị học bổng thì dao dộng từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Với số tiền ấy, bạn gần như có thể chi trả cho học phí tại trường. Vậy thì khác nào đi học miễn phí nhỉ?

Ấy vậy mà học bổng lại không hề khó kiếm. Nếu thường xuyên theo dõi trên trang Quản lí Đào tạo, bạn dễ dàng nhận thấy điều kiện để nhận học bổng không yêu cầu quá cao. Với mặt bằng chung của sinh viên Ngoại thương, chỉ cần chăm chỉ một chút thì chuyện “săn học bổng” chẳng mấy khó khăn.
Bạn Hiền Trần – K57 TNTM chia sẻ: “Hoá ra lấy học bổng không khó như mình nghĩ. Thấy trong lớp nhiều bạn có học bổng, mình chỉ tiếc đã không học hành chăm chỉ hơn. Thôi thì mình sẽ cố gắng những kì sau!”
Bạn Nguyễn Lệ – QTKD thì tâm sự với ít nhiều tiếc nuối: “Mình đã suýt nữa thì kiếm được học bổng, chỉ thiếu một chút nữa thôi. Nhưng vẫn còn nhiều cơ hội đăng kí nhận học bổng của các tổ chức khác, hy vọng mình sẽ may mắn hơn…”
Đấy, động lực thiết thực là đây chứ đâu. Nếu như bạn phấn đấu để giành học bổng, chính là bạn đang vừa học – vừa làm đó!
Chiến lược trong dài hạn
Quay trở lại với câu chuyện lợi ích trước mặt và lợi ích lâu dài, thì mọi chiến lược trong ngắn hạn chung quy cũng chỉ phục vụ cho chiến lược dài hạn mà thôi.
Như việc bạn cố gắng để lấy học bổng, là bạn đã tự tìm ra một động lực để cụ thể hoá việc học.

Ở Ngoại thương, không ít bạn chỉ mải mê đi làm mà bỏ bê trường lớp. Điều ấy không xấu, nhưng có vẻ hơi thiếu “kinh tế”. Nhìn trong dài hạn, tính “thiếu kinh tế” thể hiện ở hệ số x110% học phí năm học mới và nhân rất nhiều thời gian lãng phí;…
Thanh Nguyễn – K57 KTKT chia sẻ: “Trong năm học mình đã lơ là chuyện bài vở, nên đến sát ngày thi mới vắt chân lên cổ để ôn. Tuy nhiên kết quả vẫn không khả quan cho lắm. Lẽ ra mình nên cân bằng giữa việc học và việc làm sớm hơn.”

Việc học ở trường cũng đem đến nhiều cơ hội nghề nghiệp tốt. Bạn Phương Thảo – K55 KTĐN vui vẻ kể: “Mình thấy các thầy hay giới thiệu cho sinh viên những công việc chất lượng mà lại đúng ngành nghề. Như mình bây giờ đang làm một việc được các thầy trong khoa giới thiệu và mình rất hài lòng.”

Bạn có thể có rất nhiều cơ hội để “làm kinh tế” thông qua việc học. Nếu nhìn xa hơn nữa, tấm bằng đại học đẹp cũng giúp bạn trong việc tìm kiếm những công việc xứng đáng. Chạy theo lợi ích dài hạn không dễ, nhưng nếu chia nhỏ thành các chiến lược ngắn hạn, bạn sẽ dễ dàng làm chủ những định hướng tương lai cho mình.
“Làm kinh tế” chẳng khó như ta vẫn tưởng. Hãy bắt đầu từ điều đơn giản nhất là “học giỏi”, rồi từng bước thực hiện các chiến lược ngắn hạn và dài hạn do bạn đặt ra. FTUers đâu chỉ nổi tiếng vì làm trái ngành, FTUers “làm kinh tế” cũng giỏi mà, phải không?
Cừu
Nguồn ảnh: Internet