YMCONLINE.COM – Hiện nay, hình thức đào tạo đại học song bằng dần trở thành một lựa chọn của nhiều bạn trẻ. Nếu FTUers vẫn còn đang băn khoăn về chuyện có nên học hai văn bằng song song hay không, thì hãy cùng Yo điểm qua những lợi ích và khó khăn của việc này để đưa ra quyết định cho bản thân mình nhé!
Thêm một tấm bằng là thêm một cơ hội
Điều đầu tiên dễ dàng nhận thấy khi học song bằng – song ngành là lượng kiến thức mà các FTUers có thể thu nạp. Với bốn năm đại học thông thường, bạn có thể chỉ nắm được kiến thức của chuyên ngành đang theo học. Tuy nhiên khi đào tạo về hai lĩnh vực song song, trong bốn năm đó, sinh viên Ngoại thương sẽ có cơ hội trau dồi kiến thức cũng như kỹ năng nghiệp vụ của cả hai chuyên ngành. Điều này không chỉ giúp mở mang kiến thức của FTUers, mà còn đem đến cơ hội nghề nghiệp rộng mở hơn. Việc biết nhiều hơn một lĩnh vực chắc chắn sẽ là một điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng. Thêm vào đó, kiến thức của hai chuyên ngành đều có thể bổ trợ lẫn nhau, tương đương với việc bạn sẽ có nhiều hướng đi hơn cho công việc sau này.

Một lợi ích khác không thể không nhắc đến chính là việc tiết kiệm thời gian. Việc học song bằng ở Ngoại thương là cơ hội tuyệt vời khi các bạn sinh viên có thể học hai chuyên ngành cùng một lúc. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ mất bốn năm các bạn có được hai tấm bằng đại học, thay vì có thể lên đến sáu năm như bình thường.

Ngoài ra, học song bằng còn giúp FTUers rèn được một kỹ năng vô cùng quan trọng, đó chính là quản lý thời gian và công việc. Dưới áp lực phải học gần như gấp đôi số môn học trong cùng một khoảng thời gian, bạn sẽ phải rèn luyện bản thân, sắp xếp thời gian cho học tập và công việc sao cho phù hợp nhất.
Chiếc bằng thứ hai đầy thử thách
Hoàn thành một chương trình học với vô số môn chuyên ngành đặc trưng ở bậc Đại học đã là một điều không dễ dàng, chính vì vậy chiếc bằng thứ 2 nhân đôi chương trình học sẽ là một thử thách lớn cho bất cứ sinh viên nào lựa chọn theo con đường này.
Khó khăn đầu tiên phải kể đến cuộc chiến mang tên “Đăng ký tín chí” mà không sinh viên Ngoại thương nào chưa từng trải nghiệm hay chưa từng nghe qua. Với cảnh chờ đợi “10 phút là mãi mãi” của chiếc cổng “thần kỳ” Ftugate, nay nỗi sợ đăng ký ấy lại nhân lên gấp đôi khi cầm trên tay TKB của 2 chuyên ngành. Bài hát ấy cứ đến mỗi mùa tín chỉ lại vang lên khắp nơi: “Và thế là hết, cho một chiều buồn anh nói với em,…”

Đương nhiên khi lựa chọn như vậy, việc phải gánh trên vai lượng kiến thức gấp đôi sẽ là điều mà các bạn sinh viên phải đối mặt. Thậm chí còn phải học vào ca tối để có thể kịp tiến độ chương trình mới có thể ra trường đúng kỳ hạn. 7-8 môn học trong một giai đoạn chắc chắn sẽ là một thử thách lớn cho cả trí não và thể lực. Kiến thức của các môn thuộc 2 ngành đan xen nhau đòi hỏi các bạn phải có chiến lược học tập cụ thể với mục tiêu rõ ràng cho từng môn. Và với chiếc lịch dày đặc như vậy, các bạn sinh viên học văn bằng 2 sẽ phải biết cách sắp xếp thời gian để có thể ôn tập chuẩn bị cho các kỳ thi liền kề nhau một cách hiệu quả nhất. Ngoài ra, các thủ tục như nộp đơn, đăng ký thông tin các chứng chỉ ngoại ngữ hay chuyển điểm,… đôi lúc cũng khiến sinh viên đau đầu khi liên tục phải tới thăm “ngôi nhà thứ 2” – phòng QLĐT.


Thông tin chung:
Thời gian đăng ký: Chia làm 2 đợt – 1 đợt vào kỳ I và 1 đợt kỳ II (tháng đăng ký cụ thể sẽ được thông báo tùy thuộc vào từng năm)
Đối tượng đăng ký: Sinh viên đang học đại học hệ chính quy đã hoàn thành ít nhất học kỳ I của năm thứ nhất và không bị xếp hạng học lực yếu ở chương trình thứ nhất.
Yêu cầu đăng ký: Chuyên ngành thuộc ngành đào tạo ở chương trình thứ hai phải khác với ngành đào tạo ở chương trình thứ nhất.
- Sinh viên đăng ký học chương trình thứ 2 các ngành Ngôn ngữ thương mại, gồm cả chương trình tiêu chuẩn và CLC Ngôn ngữ thương mại (tiếng Anh, Trung, Nhật, Pháp), chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh, chương trình định hướng nghề nghiệp quốc tế phải tham gia bài thi kiểm tra trình độ ngoại ngữ đầu vào, nếu đạt yêu cầu của khoa chuyên môn thì mới được xem xét, cho vào học.
- Sinh viên đang học chuyên ngành 1 là chương trình tiên tiến, chất lượng cao, định hướng nghề nghiệp quốc tế thì được xem xét cho vào học chương trình chất lượng cao và định hướng nghề nghiệp quốc tế theo nguyện vọng.
Thủ tục đăng ký:
Bước 1: Sử dụng tài khoản cá nhân ứng dụng Sổ tay điện tử FTU e-Home, lựa chọn chức năng khảo sát học ngành 2 và làm theo hướng dẫn.
Lưu ý: Trong quá trình đăng ký, sinh viên phải lựa chọn chuyên ngành kèm ngoại ngữ.
Bước 2: Nộp đơn theo mẫu đính kèm và các chứng chỉ quốc tế (nếu đăng ký vào các chương trình chất lượng cao, định hướng nghề nghiệp) cho phòng Quản lý Đào tạo trước thời gian quy định.
Tạm kết
Quyết định học song bằng có thể sẽ mang đến không ít khó khăn cho các bạn sinh viên. Tuy vậy, nếu thực sự quyết tâm và chọn lựa thông minh chương trình học có hiệu quả, thì việc học song bằng – song ngành sẽ thực sự hữu ích cho con đường sự nghiệp tương lai sau này của FTUers.
Tee – Vouu
Nguồn ảnh: Đoàn thanh niên trường Đại học Ngoại thương
Hội sinh viên trường Đại học Ngoại thương
FTU CORNER
Internet