ViTri – Dấu lặng trong bản hòa âm cuộc đời

YMCONLINE.COM –  Đối với nhiều đứa trong chúng tôi, cái tên Vitri chẳng đơn thuần là Việt Trì mà còn hay được gán cho từ “Vị trí”.

Tiếng còi báo thức vang lên, bắt đầu một ngày mới. Quýnh quáng mặc vội bộ quân phục xanh, đến giờ tôi vẫn chưa thể tin được mình sẽ sống 21 ngày tiếp theo tại nơi này. Xỏ chân nhanh vào đôi giày lười, tôi hòa theo dòng người xuống sân nhà N5 tập thể dục buổi sáng, trong lòng cứ dâng lên thứ cảm xúc xa lạ. Mới ngày hôm qua, tôi vẫn được ngả lưng trên chiếc giường xanh bơ êm ái, tỉnh giấc khi bình minh chiếu qua sắc đỏ tươi của dàn hoa giấy nơi ô cửa sổ. Vậy mà giờ đây, ngày mới chào tôi bằng tiếng nhạc inh ỏi, tiếng rầm rầm của những bước chân vội vã, tiếng thất thanh của mấy đứa phòng bên lo sợ xuống muộn. Lại nhớ trước khi lên đường, anh chị tôi cứ nói quân sự là quãng thời gian được sống một cuộc sống vô lo. Có được vô lo vô nghĩ hay không, bấy giờ tôi không biết, chỉ biết rằng việc dậy sớm đối với con sâu ngủ như tôi là một cực hình.

Dẫu vậy, tôi chẳng vội vàng ghét bỏ Vitri. Dậy sớm, sinh hoạt theo thời khóa biểu cố định đâu có khó gì. Một mối quan hệ cần phải quên, những deadline còn dang dở, hay đơn giản là việc chuẩn bị đủ 3 bữa cứ giày vò tôi mỗi ngày. Khác với những ngày thui thủi cô đơn trong phòng trọ, đi quân sự, tôi chẳng ở một mình. Tôi may mắn có một hội bạn thân đại học, may mắn lựa chọn chung phòng với tụi nó chứ không phải ai đó xa lạ. Vậy nên, cái đêm trước ngày rời Hà Nội, trái tim tôi rộn ràng chẳng ngủ yên. 

Mình sẽ quen với Vitri mà, mọi thứ rồi sẽ ổn thôi.

Tự nhủ là thế, nhưng suốt ngày đầu tiên và cả 3 ngày sau đó, tôi cứ có cảm giác mình đang sống hai cuộc đời. Tâm trí tôi như hai thước phim chạy song song nhau, chẳng có điểm giao. Một nửa là Ngoại thương, là công việc đang ngày càng chồng chất, là những buổi chiều lê la ở quán xiên bẩn, tàu hũ trước cổng trường. Một nửa là những chiếc áo lính nối đuôi nhau hành quân, là câu mời đồng thanh trước mỗi bữa, là tiếng quát chỉnh đốn trang phục của thầy Quân, là nỗi lo mất nước mỗi lần đi tắm. Đó là do ý chí tôi vẫn còn lưu luyến cuộc sống thành thị, hay phải chăng là cách bản thân tôi thích nghi với chốn mới?

Tôi bắt đầu chấp nhận những điều Vitri mang đến cho mình sau buổi tối hôm ấy. Sau bữa cơm chiều, bất chợt tầng trên vang lên tiếng đàn, tiếng hát, vang ra khắp tòa nhà. Là người đam mê âm nhạc, chúng tôi chẳng ngại ngần lao ra ngoài, nhanh chóng hòa mình vào không khí đang nóng dần lên. Những ca khúc như “Thu cuối”, “Vì tôi còn sống” tôi đã nghe, đã hát suốt quãng đời học sinh, nhưng khi cất giọng cùng những sinh viên chiến sĩ, lời hát ấy trở nên rạo rực, nhiệt huyết đến lạ. Cùng hòa giọng một bài ca, cùng nhún nhảy theo một giai điệu, tôi, lũ bạn và những gương mặt xa lạ chưa một lần gặp gỡ như hòa chung một nhịp đập trái tim, xóa tan mọi rào cản của bỡ ngỡ thuở ban đầu.

Tôi sống quãng thời gian tiếp theo tại Vitri như sống trong một giấc mơ. Không còn những lo toan về bữa cơm, công việc, tôi cởi bỏ chiếc áo khoác bụi bặm của người lớn và sống là chính mình. Những giờ lăn lê trên thao trường, những buổi chiều la cà ở Tiệm Nhà Ong, những buổi tối sinh hoạt tự do cùng trung đội, thậm chí cả buổi đêm báo động ngày nào cũng dần trở thành thói quen mới của tôi. Cạnh bên các người bạn tối ngày xàm xí, hát hò, tâm sự, lần đầu tiên tôi được cười, được khóc một cách tự nhiên và mộc mạc, được tạm thời vứt não đi sau nhiều lúc cuồng quay với nhịp sống hiện đại. Khác anh chị năm ngoái, khóa chúng tôi đến Vitri chẳng may chạm mặt đợt dịch cúm A. Nhớ tôi phải nghỉ học vài hôm vì sốt cao, trong cơn miên man, tôi vẫn lờ mờ thấy bóng dáng mấy nhỏ bạn cùng phòng lo lắng cho mình. Đứa mua đồ, đứa nấu cháo, đứa pha thuốc, đứa chạy tới lui mượn nhiệt kế, đứa kiểm tra xem trán tôi còn nóng không, rồi đắp chiếc khăn ướt giúp tôi hạ nhiệt. Những lúc đau ốm, sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn hơn bình thường, tôi mới thực sự trân trọng bạn bè, những người sẵn sàng giúp đỡ, cảm thông và cùng tôi bước qua từng trang kí ức Vitri.

Nhưng 21 ngày trôi qua, thời khắc chia xa cũng tới. Tôi còn nhớ lời thầy Quân nói trong đêm cuối cùng ấy: “Nếu có những cảm xúc tiêu cực, các đồng chí gửi lại tại đây. Vitri sẵn sàng là chiếc hòm chứa đựng nỗi buồn, lo âu, giận dữ, tủi hờn, để các đồng chí chỉ đem về những niềm vui và kỉ niệm đẹp mà thôi.” Nhiều người hay gọi nơi đây là Huvu, nhưng tự nhiên tôi lại thích tên Vitri như cách thầy Quân thường gọi. Đối với nhiều đứa trong chúng tôi, cái tên Vitri chẳng đơn thuần là Việt Trì mà còn hay được gán cho từ “Vị trí”. Vitri, vượt qua những khái niệm về một địa danh, một khu quân sự để vươn lên thành một chiếc la bàn, định vị nơi chôn giấu mảnh ký ức thời xanh của bao thế hệ chiến sĩ sinh viên.  

Trở về thành phố, tôi quay lại với guồng quay của học tập, công việc. Chỉ có điều, tâm trí tôi thanh thản hơn, sẵn sàng đón nhận những thử thách mới. 21 ngày, khoảng thời gian chẳng ngắn cũng chẳng dài, vừa đủ để tôi gạn lọc, chắt chiu niềm hạnh phúc nhỏ nhoi trong cuộc sống xô bồ. Và như thế, trong bản nhạc cuộc đời với những nốt thăng, nốt giáng, Vitri trở thành một dấu lặng bình yên.

Bài viết: Quỳnh Chi

Ảnh: Chiến sĩ FTU – Bung, Quỳnh Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.