YMCONLINE.COM – Sáng thứ 7, tôi lên chuyến xe khởi hành đến Xuân Hòa trong tâm thế lo lắng và chán nản. Thành thực tôi không muốn rời Hà Nội, đến một nơi xa xôi và chung sống với những con người chẳng mấy thân quen. Một tuần hóa ra sao trôi nhanh, cũng sáng thứ 7, tôi kéo chiếc vali bước ra khỏi cổng khu Quân sự mà lòng buồn man mát, bỗng nhiên tôi không muốn xa nơi này, xa những “đồng chí” đã cùng ăn, cùng ở dù chỉ trong 1 tuần ngắn ngủi.
“Con còn mang thiếu gì không?” Tôi ngẩng đầu nhìn mẹ, rồi lắc đầu. Trong ánh mắt và ngữ điệu đặt câu hỏi của mẹ, tôi thấy rõ được cái lo lắng. Sao mà không lo được, 18 năm cuộc đời, chưa một lần tôi xa vòng tay bố mẹ được quá 2 ngày. Lớn lên ở Hà Nội, vậy mà tôi chẳng mang chút gì gọi là dân thủ đô: tôi trầm tính, ít nói và nhút nhát, tôi sợ người lạ và ghét môi trường mới. Đi quân sự bởi thế quả thực là ác mộng với tôi: 7 ngày đằng đẵng với 8 con người trong một căn phòng chẳng mấy tiện nghi.

Bố mẹ tôi biết rõ điều đó. Tôi khá chắc đêm đó cả nhà không ai ngủ ngon giấc, bởi vì thỉnh thoảng tôi lại nghe tiếng bước chân bố ngó sang phòng, tiếng mẹ rón rén mở khóa chiếc vali kiểm tra xem tôi mang đủ đồ chưa. Trong cơn thao thức 2h sáng trước ngày đi xa, tôi thấy mình như con chim chuẩn bị phải rời tổ, với đôi cánh chưa đủ lông và đôi chân còn run lẩy bẩy.
Đến Xuân Hòa, bởi vì chẳng có lấy một hội bạn thân đại học nào, phòng tôi ở khu Quân sự bị xếp ngẫu nhiên, 8 con người, không có đến một gương mặt quen quen để bắt chuyện. Tôi nhớ như in ngày đầu, không khí trong phòng lúc ảm đạm không một tiếng nói, lúc lại căng như dây đàn vì những ánh mắt dè chừng nhau. Ngày thứ 2, rồi thứ 3, trong phòng cũng có câu ra câu vào với nhau, nhưng cuộc trò chuyện nhìn chung vẫn là đi vào ngõ cụt, bởi chẳng đứa nào muốn mở lòng hay đào sâu vào suy tư của đứa kia. Tối nào tôi cũng trốn ra một góc kín nơi sân vận động, vừa là để tránh đi luồng hơi ngột ngạt vô hình, vừa để gọi điện về nhà, than khóc với bố mẹ. Lúc ấy nếu có ai đó cho một điều ước, tôi sẽ không chần chừ mà mong cho kì quân sự này kết thúc ngay lập tức.
Tôi muốn về nhà.

Thay đổi xuất hiện vào một đêm Xuân Hòa trở gió, đứa bạn tôi cứ ngỡ là im hơi lặng tiếng nhất trong phòng đề xuất: “Ăn đêm đi!”. Một câu nói khiến 7 đứa còn lại đang ghim đôi mắt vào màn hình điện thoại cũng phải tròn mắt nhìn nhau. Chẳng ai ngờ con bé kia sẽ nói được như thế, cũng không ai dám mường tượng tới cảnh cả phòng ăn uống hay làm gì chung với nhau. Ấy thế mà như có thần giao cách cảm, chúng tôi cứ thế mà gật đầu, rồi đứa nào đứa này tự động lấy đồ ăn ra, cho nhau mượn đôi đũa, chiếc thìa. 11h đêm, trong bóng tối chỉ le lói ánh đèn flash điện thoại, khi bên ngoài vẫn nghe dồn dập tiếng bước chân canh gác của một anh lính nhỏ nào, chúng tôi ngồi bên nhau, sưởi ấm nhau bằng những bát mì nóng hổi và tiếng cười khúc khích rón rén.
Kể từ hôm đó, chúng tôi gắn kết đến lạ. Từ những người không quen, chúng tôi tự gọi nhau là gia đình ngắn hạn, chăm sóc, thậm chí bao che lẫn nhau. Căn phòng từ nơi yên tĩnh bỗng huyên náo bởi tiếng trêu đùa, tiếng í ới gọi nhau đi ăn, đi tập. Có những lần cả phòng bị phạt vì một đứa ồn ào giữa ban trưa, vậy mà tuyệt nhiên chẳng đứa nào bực tức hay tố giác nhau. Khi tụ tập chơi đùa cũng như khi cùng nhau trực đêm, lao động, không khi nào chúng tôi ngớt tiếng cười. Những đêm trời lành lạnh khiến lòng thổn thức, cả lũ lại ngồi lại, cứ thế dựa vào vai nhau, kể nhau nghe những tâm sự thầm kín nhất. Đứa này đang thích thầm bạn nọ, đứa kia đang nhớ bố, nhớ mẹ…
Phép màu nào ở Xuân Hòa đã khiến chúng tôi từ lạ thành quen, rồi từ quen thành thân? Chẳng ai biết lý do, chỉ biết rằng tất cả chúng tôi trân trọng lắm, yêu lắm những khoảnh khắc vô giá ấy, yêu đến mức chỉ muốn níu cho thời gian ngừng trôi, để ở cùng nhau thêm một chút, làm đồng chí với nhau thêm một chút!

Ngày chia tay, chúng tôi lại lặng lẽ như ngày đầu mới đến, nhưng không phải vì ngần ngại bắt chuyện, mà vì cả lũ biết, chỉ cần một tiếng lay động nhỏ cũng khiến hàng nước mắt đang trực chờ trên những gương mặt kia lã chã rơi. Rồi thì lý trí cũng không ngăn được cảm xúc. Chúng tôi cứ thế ôm nhau khóc, khóc vì tiếc cho những ngày đầu vì không hiểu mà đề phòng nhau, khóc vì thời gian sao mà trôi nhanh, để mới kí ức hôm qua thôi đã sắp thành kỷ niệm.
Có cô chiến hữu nhỏ nằm dưới trên chiếc giường tầng cót két mỗi khi tôi trèo lên, từ ngày về Hà Nội, nó cứ luôn miệng: “Xuân Hòa là thanh xuân và bọn mình là đồng chí”. Dẫu thanh xuân ấy có ngắn ngủi, dẫu có khi chúng ta thiếu thốn nhiều thứ, nhưng có nhau là đủ rồi!
“Xuân Hòa là thanh xuân và bọn mình là đồng chí”
Mướp