YMCONLINE.COM – Tạm xa cơn mưa lạnh đầu hạ nơi Xuân Hòa, tạm xa cái nắng cháy da trên đất Hùng Vương, trở về với 91 Chùa Láng thân quen, sao FTUer lại bồi hồi đến thế. Bên cạnh tiếng còi báo động buổi sáng, những hình phạt, buổi lao động hay tập bắn súng trên thao trường, hình ảnh những người thầy nghiêm khắc mà tận tâm vẫn luôn hiện hữu, in sâu vào cuốn ký sự của từng chiến sĩ trẻ.

Từ người thầy nghiêm khắc
Chia sẻ cảm nhận đầu tiên của về những người thầy khi mới đặt chân đến khu quân sự, dù ở Xuho hay Huvu chắc hẳn đa số FTUer đều nhắc đến sự nghiêm khắc. Tác phong chuẩn chỉ, đứng đắn cùng vẻ mặt lạnh lùng, nghiêm trang ngay cả trong thời tiết nắng gay gắt có lẽ là những ấn tượng đậm nét nhất của FTUer khi nghĩ đến các thầy.
“Đại đội thông báo, đã đến giờ thức dậy buổi sáng, …“
“Đại đội thông báo, bộ phận làm vệ sinh xuống sân thực hiện nhiệm vụ”.
“Đại đội thông báo, tất cả sinh viên ăn mặc đúng tác phong, mang theo ghế, sang sân giảng đường tập trung”.
…
Đó là những âm thanh quen thuộc mà các chiến sĩ Ngoại thương hằng ngày được nghe trên loa phát thanh từ thầy Hà Đức Trọng – người được mệnh danh là có giọng nói siêu vang tại khu Trung tâm Xuân Hòa. Giọng điệu dứt khoát ấy chắc hẳn khiến cho các lính mới đang lục đục làm gì cũng phải khẩn trương tập trung. Cũng chính âm thanh ấy đã đưa những chiến sĩ FTU nhanh chóng đi vào nề nếp trong những ngày đầu còn bỡ ngỡ tại đây.

Cũng nhờ sự đôn đốc nghiêm khắc, các chiến sĩ K60 tại Hùng Vương đã làm quen rất nhanh với nếp sống quân ngũ, khiến thầy Nguyễn Tài Luyện – giảng viên tại khu quân sự Đại học Hùng Vương không khỏi ấn tượng: “Điểm sáng nhất ở các bạn là sự chủ động, tự giác – thứ mà phải cần nhiều thời gian rèn giũa, có môi trường tạo cơ hội và Ngoại thương, theo tôi là làm rất tốt việc này”.

…đến người cha, người anh tận tâm
Bên cạnh nhiệm vụ truyền dạy kiến thức, những người thầy ở hai khu Quân sự Xuân Hòa và Hùng Vương còn dành cho FTUer những tình cảm thân thương, như người cha, người anh trong một đại gia đình. Nhớ về khoảng thời gian gắn bó với sinh viên Ngoại thương, thầy Nguyễn Ngọc Hưng – chỉ huy tại khu quân sự Đại học Hùng Vương chia sẻ: “Tôi không chỉ là một người chỉ huy đơn vị mà còn là một người đồng đội, một người anh”. Với thầy, không gì quan trọng hơn việc đảm bảo sức khỏe cho toàn đại đội, khi hành quân cũng như sinh hoạt, bởi thầy hiểu được nỗi lòng sinh viên khi phải xa nhà, làm quen với nếp sống mới trong thời gian ngắn. Điều thầy Hưng cảm thấy quý giá nhất chính là tinh thần và tình cảm của FTUer đáp lại những cống hiến của thầy: “Trong suốt thời gian huấn luyện, sự trưởng thành, rắn rỏi, biết quan tâm và chia sẻ cùng nhau là điều tôi thấy rõ nhất”.


Sự tận tâm của những người thầy không chỉ dành chung cho toàn đại đội, mà còn hướng tới những cá nhân đặc biệt. Bạn Phương Anh lớp Anh 01 Logistics CLC K60 tham gia khóa học Quân sự tại Đại học Hùng Vương với đôi chân bị liệt là một trường hợp như thế. Phương Anh đã vô cùng xúc động trước sự quan tâm mà các thầy cô dành riêng cho mình: “Thầy Luyện, cô Tú Anh như bố mẹ của tớ vậy. Có lần cả đoàn đi xem phim ở tận Hội trường, tối đấy tớ định không đi vì ngại các bạn đẩy xe. Thế mà cô Tú Anh gõ cửa tận phòng rồi nhờ các thầy chở tớ ra. Tớ hạnh phúc lắm!”.
…và người đồng đội trẻ trung, nhiệt huyết
Trong cái kết đẹp nhất của từng chuyến đi, những người thầy đã cùng viết nên những trang kỷ niệm với các FTUer bằng những hoạt động gắn kết ở mọi nơi họ hành quân đến. Ngoài những giờ lên lớp nghiêm trang, những lo lắng tận tâm, các thầy đã gắn bó với chiến sĩ FTU như những người đồng chí. Thầy Trần Hữu Tuấn – Phó Đại đội trưởng Đại đội 3 tại khu ký túc xá – Xuân Hòa không khỏi bất ngờ trước những câu hỏi hồn nhiên mà đáng yêu:
“Thầy ơi, sao trưa nay 12h thầy không vác loa đi gọi bọn em đi ăn cơm?”
“Sao hôm nay, thầy không nhắc bọn em đi ngủ?”
“Thầy ơi, tối nay báo động đi!”
…

Những lời “thỉnh cầu” dễ thương ấy như xuất phát từ những đồng đội cùng chung chiến hào. Đáp lại tình cảm của những người đồng chí kém tuổi, thầy cũng hài hước chia sẻ: “Tôi sẽ thực hiện chốt đơn, gộp đơn và dành Flash Sale siêu đặc biệt cho tất cả các bạn (cười)”. Cùng với những giờ lên lớp với bài học bắn súng, ném lựu đạn, hẳn FTUer không thể quên những buổi hòa ca ngẫu hứng, gala văn nghệ, những giải đấu thể thao ngay tại sân tập trung. Nơi đó, cả thầy hay trò đều là những lực lượng không quân sẵn sàng “bật chế độ bay” trên mọi “mặt trận nghệ thuật”. Đó là những khoảnh khắc mà những “người đồng đội” ấy, ở Xuho hay Huvu cùng được cháy hết mình, hòa trong nhiệt huyết của tuổi trẻ.


Tạm biệt những người lính FTU, thầy Vũ Duy Huy – phó Đại đội trưởng Đại đội 3 xúc động khi nhớ về thời gian gắn bó với sinh viên Ngoại thương: “Sự lạc quan, hồn nhiên và vui tươi của FTUer sẽ mãi là bức ảnh đen trắng đẹp nhất thời thanh xuân của thầy để sau này khi nhìn lại thầy luôn nở một nụ cười thật hạnh phúc”.


Tạm kết
Chuyến đi nào rồi cũng đến hồi kết, hành trình nào rồi cũng có trạm dừng chân, nhưng khoảnh khắc đẹp đẽ nhất không chỉ là khoảng thời gian gắn bó trên hành trình tuyệt vời ấy. Vẫn còn đó những dư âm về hình ảnh người thầy vừa nghiêm khắc, tận tâm mà lại thân thiết, trẻ trung đến vậy. Có lẽ đó chính là những dấu ấn đẹp nhất trong cuốn ký sự của những chiến sĩ Ngoại thương mang màu xanh áo lính.
Chân thành cảm ơn các thầy và các bạn sinh viên đã tham gia phỏng vấn!
Tiến Đạt – Mướp – Thanh Mai